23/12/2015 09:35 GMT+7

Can thiệp bằng cách nào?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều phụ huynh sau cú sốc khi phát hiện tình trạng bất thường của con mình đã đối diện với những khó khăn khác: giúp con bằng cách nào, cho con đi học ở đâu...?

Tại Trung tâm giáo dục Hi Vọng (Hà Nội) thông thường mỗi trẻ sẽ được 1-2 cô kèm trực tiếp và được dạy lặp đi lặp lại nhiều lần để giúp trẻ tập trung - Ảnh: Nam Trần
Tại Trung tâm giáo dục Hi Vọng (Hà Nội) thông thường mỗi trẻ sẽ được 1-2 cô kèm trực tiếp và được dạy lặp đi lặp lại nhiều lần để giúp trẻ tập trung - Ảnh: Nam Trần

“Rất nhiều sinh viên của khoa giáo dục đặc biệt mới chỉ năm thứ 2 đã có việc làm. Các em làm theo ca cho các trung tâm chuyên biệt, hoặc được phụ huynh trực tiếp mời để... đi học cùng con họ ở trường tiểu học” - TS Nguyễn Xuân Hải, trưởng khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết.

Mỗi năm, khoa chúng tôi tổ chức một buổi tư vấn cho cha mẹ học sinh đặc biệt. Mặc dù chỉ thông báo trong ba ngày, nhưng có những buổi tư vấn thu hút đến 500-600 phụ huynh trên cả nước về Hà Nội tham dự. Điều này cho thấy nhu cầu của phụ huynh ngày càng nhiều

TS NGUYỄN XUÂN HẢI

Một kèm một

Vũ Thị Hoàn, một sinh viên học khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa ra trường, là một giáo viên bận rộn. Không dễ gì gặp Hoàn, vì ngày nào cô cũng phải đến trường tiểu học đúng giờ như một đứa trẻ.

“Em phải có mặt sớm để đón bé từ cha mẹ bé, rồi cùng bé vào lớp học. Lớp học có 54 bạn. Bé mà em đang được cha mẹ nhờ kèm có biểu hiện tăng động, chậm phát triển, gặp khó khăn trong học tập. Để giúp bé, em phải ngồi cạnh bé trong tất cả các tiết học. Bé không có khả năng hiểu yêu cầu của cô giáo, nên mỗi khi cô yêu cầu học sinh làm gì thì em phải nhắc lại cho bé theo cách dễ hiểu hơn, giúp bé hoàn thành yêu cầu của cô, hoặc tìm cách giữ cho bé ngồi yên trong giờ học” - Hoàn kể về công việc của mình.

Với công việc như vậy, Hoàn cho biết cô nhận được 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Những giáo viên “một kèm một” này phải có sự nhẫn nại và gây dựng được tình cảm với đứa trẻ mới có thể cùng bé trên một hành trình mà không biết đích đến ở đâu.

“Chỉ để bé phân biệt được đâu là màu đỏ, đâu là màu vàng mà mất ròng rã mấy tháng trời. Nhưng khi bé làm được, không thể nào tả được hết niềm vui. Cũng chính từ những chật vật, vất vả đó của cả cô và trò nên em gắn bó với bé từ lúc nào không biết nữa” - Hoàn kể.

Theo Hoàn, lớp mà cô đi kèm học sinh có tới ba trường hợp như vậy. Mỗi học sinh đặc biệt có một cô giáo đặc biệt ngồi cạnh. Đó là cách duy nhất bố mẹ các bé chọn, để con có thể “hòa nhập”. Mặc dù các cô giáo chủ nhiệm đều thông cảm, tạo điều kiện cho “cô đặc biệt” vào lớp, và luôn hỏi han, động viên các bé, nhưng các cô không thể có bài học riêng, yêu cầu riêng hoặc phương pháp riêng với các bé trong điều kiện phải quản mấy chục học sinh khác.

Ngoài việc “một kèm một” ở lớp, nhiều phụ huynh còn thuê “giáo viên đặc biệt” cho con tại nhà. Phương Hà, sinh viên năm thứ 2 khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết cô đang dạy kèm cho hai bé. Một bé chậm phát triển ngôn ngữ, còn một bé tự kỷ dạng thông minh.

“Khác với các chuyên ngành khác của trường sư phạm, lĩnh vực chúng tôi học chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng để mỗi người hiểu được vấn đề khó khăn của trẻ. Nhưng không có một mẫu giáo án, lộ trình nào được vạch sẵn. Với mỗi học sinh phải có một kế hoạch, một giáo án riêng do mình và cha mẹ các bé thống nhất. Bởi vậy, chúng tôi vừa làm vừa mày mò, vừa tham khảo ý kiến các thầy cô ở trường, đọc thêm tài liệu” - Phương Hà kể.

Các giáo viên dạy chuyên biệt cho biết việc “một kèm một” suôn sẻ chỉ khi phụ huynh có hiểu biết và cho con can thiệp sớm, đồng hành cùng cô giáo trong việc dạy con. Nhưng cũng không ít phụ huynh rơi vào tâm lý hoảng loạn, sốt ruột và kỳ vọng vào việc “can thiệp một thời gian ngắn, con có thể bình thường”. Vì thế, các cô giáo kèm học sinh không tránh khỏi đôi khi bị cha mẹ các bé nghi ngờ về trình độ, hoặc do quá sốt ruột thuê nhiều người can thiệp cùng lúc.

“Với trường hợp thuê nhiều giáo viên đặc biệt can thiệp theo ca thì các cô cần thống nhất về phương pháp. Nhưng có nhiều phụ huynh lại dùng cô này để kiểm soát, đánh giá cô kia, biến các bé thành đối tượng thí nghiệm” - Lê Thị Lý, một cô giáo đặc biệt từng đi kèm trẻ, nhận xét.

Vào trung tâm chuyên biệt

Cô Đoàn Tố Quyên - giáo viên tại Trung tâm Hi Vọng, một trong những trung tâm tư vấn, can thiệp sớm và dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ ở Hà Nội - chia sẻ: không ít trẻ được gia đình quan tâm, phát hiện bất thường từ nhỏ, đầu tư can thiệp sớm một cách bài bản nên đã có những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, thấy con mình tiến bộ, nhiều phụ huynh đã nghĩ “con mình bình thường rồi” nên vội vàng tìm trường tốt để con hoàn toàn học hòa nhập, không theo những chương trình chuyên biệt.

“Gần đây nhất là trường hợp một học sinh từng được can thiệp sớm từ lúc 2 tuổi. Khi bé 5 tuổi và đã có cải thiện vượt bậc thì gia đình tự động đưa con ra học hòa nhập. Đáng tiếc, lựa chọn đó không phù hợp. Gia đình lại vừa phải đưa bé trở lại trung tâm, sau khi đã cố cho bé theo học hết lớp 3 ở môi trường hòa nhập hoàn toàn. Hiện tại, sự phát triển của bé trai này thậm chí còn không bằng hồi bé học ở trung tâm lúc 5 tuổi” - cô Quyên xót xa.

Cũng tại Trung tâm Hi Vọng, một bé gái khác vừa được cha mẹ chuyển từ Trường tiểu học DV (Hà Nội) về hẳn trung tâm. Bé H. đang học lớp 3, nhưng khi kiểm tra nhanh khả năng tiếp thu thì bé không bằng bé học lớp 1. Tuy nhiên, các cô giáo ở Trung tâm Hi Vọng cho biết H. tỏ ra nhanh nhẹn, vui vẻ hơn khi ở trung tâm, vì bé không phải chịu áp lực học tập như những đứa trẻ bình thường khác.

Một giáo viên ở Trung tâm Sen Hồng (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi phải tư vấn cho cha mẹ chấp nhận tình trạng của bé. Vì rất nhiều phụ huynh gửi con vào đây 1-2 tháng, vừa thấy có tiến bộ là muốn cho con chuyển đi. Không ít phụ huynh còn có tâm lý muốn tách con khỏi những bé bị nặng ở trung tâm, vì vẫn hi vọng con có thể trở lại bình thường” - một giáo viên cho biết.

Tại Trung tâm Ánh Sao (Hà Nội), một giáo viên ở đây cũng nhận xét: “Nhiều phụ huynh không có thời gian và cũng không còn hi vọng vào con nên phó mặc con cho trung tâm quản. Có người lại quá kỳ vọng. Cả hai tâm lý ấy đều cản trở trong việc hợp tác để can thiệp trẻ”.

Sinh viên “kèm cặp” có thể khiến trẻ thêm thiệt thòi

Ghi nhận từ khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy phần lớn sinh viên năm 3, năm 4 của khoa đã có việc làm ngay khi chưa ra trường. Những sinh viên này thường được các gia đình thuê về để chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt.

Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập TP.HCM, chỉ từ tháng 6 đến giữa tháng 12-2015 đã có gần 400 trẻ được phụ huynh đưa đến thăm khám tại đây. Đa số được chẩn đoán tự kỷ hoặc chậm nói. Số lượng trẻ khuyết tật ngày càng gia tăng, nhu cầu về giáo dục đặc biệt càng gia tăng, nhưng nhân lực của ngành này vẫn đang thiếu trầm trọng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập TP.HCM, phó trưởng ban thường trực chỉ đạo giáo dục khuyết tật (Sở GD-ĐT TP.HCM), việc gia đình thuê sinh viên giáo dục đặc biệt kèm con em mình là chưa đủ để cải thiện tình hình của trẻ, giúp trẻ tiến bộ. Thậm chí trong một số trường hợp, việc này có thể có kết quả ngược lại.

“Giáo dục đặc biệt khác với giáo dục phổ thông. Sinh viên sư phạm phổ thông, năm 3 năm 4 có thể đi dạy một số môn, nhưng sinh viên giáo dục đặc biệt thì chưa đủ trưởng thành và kinh nghiệm để dẫn dắt trẻ, nhất là trong một số lĩnh vực khó như trẻ tự kỷ. Sinh viên giáo dục đặc biệt phải có hai, ba năm lăn lộn với nghề; được bồi dưỡng thường xuyên, hằng ngày các phương pháp tiếp cận trẻ mới có thể có phương pháp đúng để đồng hành cùng trẻ. Nếu gia đình thuê sinh viên kèm cặp trẻ, hướng dẫn trẻ và coi đây như một cô giáo, thầy giáo để cải thiện tình hình của trẻ thì có thể khiến đứa trẻ thiệt thòi thêm, mất thời gian, cơ hội để đưa ra hướng điều trị đúng cho đứa trẻ” - ông Tâm nhận định.

MỸ DUNG

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên