22/12/2015 09:56 GMT+7

Khoảng trống trong trường công

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ GD-ĐT đã thành lập ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật từ năm 1999, và có nhiều động thái nhằm đưa trẻ khuyết tật vào giáo dục hòa nhập.

Tại Trung tâm giáo dục Hy Vọng, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, trẻ sẽ được học văn hóa với các môn cơ bản như tiếng Việt và toán - Ảnh: Nam Trần
Tại Trung tâm giáo dục Hy Vọng, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, trẻ sẽ được học văn hóa với các môn cơ bản như tiếng Việt và toán - Ảnh: Nam Trần

Tuy nhiên, dường như sự quan tâm của ngành GD-ĐT mới chỉ tập trung vào trẻ khuyết tật cơ thể, mà chưa thật sự quan tâm đúng mức tới trẻ khuyết tật, rối loạn về hành vi, tâm lý và trí tuệ.

Thiếu hiểu biết và lúng túng, không biết cho con học ở đâu là điều phổ biến của nhiều phụ huynh khi có con bị rối loạn về hành vi, tâm lý... Nhưng ở trường công, địa chỉ duy nhất họ gửi con, việc giáo dục trẻ đặc biệt này vẫn là khoảng trống.

Phát hiện trễ

TS Nguyễn Xuân Hải, trưởng khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Một trong những khó khăn cho việc tiếp cận giáo dục trẻ bị rối loạn hành vi, tâm lý, trí tuệ lại chính là nhận thức của các bậc cha mẹ.

Do có những cháu bé ban đầu có biểu hiện không điển hình, và cha mẹ không chấp nhận được sự thật con mình không phát triển như những đứa trẻ bình thường khác nên đã không có những can thiệp cần thiết. Mãi đến khi tình trạng nặng lên thì việc can thiệp đã vô cùng khó”.

“Lớp tôi chủ nhiệm có ba học sinh không bình thường như những trẻ khác, mỗi cháu một vẻ. Cháu thì tăng động, đập phá mỗi khi bị ép làm gì đó, hay gây thương tích cho các bạn; cháu có biểu hiện tự kỷ trầm cảm, khó khăn trong tiếp thu bài; cháu thì hay khóc và thường bị các bạn bắt nạt. Chỉ riêng việc quản lý các cháu đã khó” - một giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội) chia sẻ.

Theo cô giáo này, không phải phụ huynh nào có con biểu hiện bất thường cũng hợp tác với cô giáo, mà hầu hết đều có tâm lý phó mặc cho nhà trường.

Theo số liệu của nhóm nghiên cứu Trần Thị Lệ Thu và Nguyễn Thị Linh Chi, khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trẻ khuyết tật trí tuệ chiếm gần 30% trong tổng số trẻ khuyết tật tại 29 quận, huyện của Hà Nội.

Tuy nhiên, lại có đến hơn một nửa trong số phụ huynh được khảo sát không hiểu đúng về tình trạng của con. Việc không chấp nhận tình trạng của trẻ là một trong những trở ngại cho việc kết hợp với nhà trường để giáo dục trẻ theo hình thức học hòa nhập.

“Lần đầu tiên tôi bước vào lớp, trong khi các học sinh khác ngồi ngay ngắn thì cháu H. vẫn nghịch. Tôi nhắc H. mở sách. Lập tức cháu ném chiếc bút chì thẳng vào mặt tôi. Khi đó tôi đã rất sốc. Tôi đưa cháu ra ngoài để hỏi chuyện. Cháu rơm rớm nước mắt khi thấy vết xước trên mặt tôi. Cháu nói: “Hễ ai yêu cầu cháu làm gì đó thì cháu bị tức giận, không kìm lại được”.

Sau này, khi có điều kiện tiếp xúc với bố mẹ cháu H., tôi mới biết bố cháu không chấp nhận chuyện cháu có biểu hiện bất thường cần can thiệp, và thường nổi giận khi cháu không tập trung học” - một giáo viên tiểu học khác ở Cầu Giấy, Hà Nội kể lại.

Theo giáo viên này, do quá kỳ vọng vào con nên bố cháu H. đã vô tình gây áp lực thêm cho con mình. Cô cho biết: “Mỗi lần bị bố mắng, đánh vì chuyện học hành, hôm sau tới lớp là H. lại đập phá đồ đạc, đánh bạn. Nhưng do điều kiện dạy học với sĩ số 60 học sinh/lớp, tôi chỉ biết tách H. ra ngồi một mình một bàn. Thế nhưng có lần tôi cũng tá hỏa vì chỉ nhãng đi một chút H. đã bơm mực vào hộp sữa đang uống dở của một bạn trong giờ ăn phụ”.

Hòa nhập khó khăn

Việc cho trẻ hòa nhập phần lớn chưa thực hiện có hiệu quả, ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, nói chính xác là “chấp nhận trẻ khuyết tật trong lớp học hòa nhập”.

Theo khảo sát của cô Nguyễn Hà My - khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, qua tìm hiểu giáo án của lớp dạy hòa nhập tại ba trường tiểu học của Hà Nội thì có đến 70,58% giáo án chưa thể hiện việc điều chỉnh mục tiêu bài học, chưa có mục tiêu riêng dành cho những học sinh bị khuyết tật trí tuệ trong lớp.

Số còn lại có điều chỉnh nhưng chỉ ở mức độ thỉnh thoảng. Cũng theo khảo sát này, có gần 50% số giáo viên dạy hòa nhập cho biết không áp dụng phương pháp dạy học riêng đối với học sinh khuyết tật. Tương tự, trong việc đánh giá học sinh ở đối tượng đặc biệt trên, chỉ có một bộ phận nhỏ giáo viên chú ý tới tình trạng của học sinh để có sự theo dõi, đánh giá phù hợp.

Ở Hà Nội có nhiều lớp tiểu học có 60-70 học sinh/lớp. Do sĩ số lớp quá đông, hầu hết giáo viên không được đào tạo và ít tập huấn về việc giáo dục đặc biệt, bên cạnh quan điểm coi nhẹ, chưa thật sự quan tâm, đầu tư cần thiết về điều kiện dạy học với học sinh đặc biệt... Đó là những nguyên nhân khách quan khiến khoảng trống giáo dục trẻ đặc biệt ở trường công hiện nay gần như thả nổi, kể cả những nơi đang thực hiện dạy học hòa nhập theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

TP.HCM: mới tiếp cận giáo dục chứ chưa hòa nhập

TP.HCM được coi là nơi dẫn đầu cả nước về hệ thống giáo dục đặc biệt, từ mầm non đến phổ thông, xuyên suốt từ quận, huyện đến TP. Theo ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật Sở GD-ĐT TP.HCM, TP hiện có 25 đơn vị giáo dục đặc biệt, bao gồm các trường và trung tâm.

Riêng về giáo dục hòa nhập, tại TP.HCM, tất cả các trường mầm non, tiểu học và trường phổ thông đều không được từ chối nhận trẻ học hòa nhập với tỉ lệ 2-3 trẻ/lớp học bình thường. Hiện nay, TP.HCM có đến 3.800 trẻ học hòa nhập ở hơn 500 điểm trường trong các bậc học phổ thông.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thanh Tâm - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập, phó trưởng ban thường trực chỉ đạo giáo dục khuyết tật (Sở GD-ĐT TP.HCM), việc giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông vẫn gặp nhiều khó khăn.

Dù các trường phổ thông sẵn sàng tiếp nhận học sinh khuyết tật, nhưng cái khó của các trường là họ thiếu chuyên môn, phần lớn giáo viên chưa có kiến thức và phương pháp làm việc với trẻ khuyết tật học hòa nhập. Nên có thể nói học sinh mới tiếp cận giáo dục hòa nhập chứ chưa thật sự hòa nhập với trường phổ thông.

Do thiếu kiến thức và chuyên môn, các trường thường không mặn mà với việc dạy học sinh hòa nhập. Có trường hợp học sinh khuyết tật hành vi, ngôn ngữ đã 6 tuổi, nhưng ở trường mầm non vẫn cho lên bậc tiểu học.

“Trường mầm non nọ chỉ muốn đẩy học sinh đó càng nhanh càng tốt, đẩy cho khỏe. Họ nghĩ lên tiểu học nếu không học được thì ở lại lớp 1 cũng chẳng sao. Nhưng họ không biết rằng đứa trẻ 6 tuổi đời này chỉ khoảng 4 tuổi về phát triển, lên tiểu học không thể được chăm sóc ăn uống, vệ sinh như trẻ mầm non nên sẽ có rắc rối cho đứa trẻ. Thực tế, hiện không có trường mầm non nào nhận trẻ 9 tuổi để dạy cả, dù trẻ đó có phải bị khuyết tật trí tuệ hay không” - ông Tâm chia sẻ.

Ba năm trở lại đây, TP.HCM đã tập huấn cho ban giám hiệu và giáo viên của các trường mầm non, tiểu học về phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Theo đó, họ sẽ được học cách phát hiện việc rối loạn hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ, nhận thức để ghi nhận những bất thường của trẻ, nhằm kịp thời phát hiện, can thiệp sớm.

Sau khi nhận thấy trẻ có hành vi bất thường, giáo viên sẽ quan sát, theo dõi, ghi nhận rồi báo cho ban giám hiệu nhà trường. Hiệu trưởng sẽ là người mời phụ huynh đến để trao đổi, chia sẻ thông tin, đề nghị phụ huynh hợp tác, đưa trẻ đến Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập để chẩn đoán.

Theo đánh giá của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập TP.HCM, phần lớn phụ huynh tại TP.HCM sẽ chấp nhận tình trạng của con mình nếu người báo thông tin là hiệu trưởng các trường, và sẽ không chấp nhận nếu người báo là giáo viên.

MỸ DUNG

Dạy trẻ khuyết tật cần sự kiên nhẫn, hiểu biết và yêu thương. Trong ảnh: tại Trung tâm giáo dục Hy Vọng, Hà Nội, các cô giáo sẽ cho các bé tập yoga để rèn luyện sự dẻo dai và tập trung cao - Ảnh: Nam Trần
Dạy trẻ khuyết tật cần sự kiên nhẫn, hiểu biết và yêu thương. Trong ảnh: tại Trung tâm giáo dục Hy Vọng, Hà Nội, các cô giáo sẽ cho các bé tập yoga để rèn luyện sự dẻo dai và tập trung cao - Ảnh: Nam Trần

Giáo viên không hiểu biết

Bên cạnh trở ngại từ nhận thức của phụ huynh thì việc có những giáo viên không đủ thời gian quan tâm và không hiểu biết về tình trạng đặc biệt của học sinh cũng diễn ra phổ biến ở trường công.

Một phụ huynh học sinh ở Vĩnh Tuy, Hà Nội có con học lớp 3 cho biết: “Thằng bé rất thích sờ vào quần áo của các bạn. Mặc dù bị bạn đánh vì chuyện này nhiều lần, nhưng cháu vẫn không bỏ được ý thích ấy. Khi trao đổi với tôi, cô giáo đã cho rằng con trai tôi rất hư, và có thể bố mẹ đã để con xem nhiều phim ảnh thiếu lành mạnh. Tôi hoang mang, lo lắng vì điều cô giáo nhận xét và đã bỏ công đi tìm hiểu thì biết đó là một biểu hiện của rối loạn hành vi. Tôi đã phải cho con đến trung tâm giáo dục chuyên biệt, vì ở trường công cháu bị bạn bè xa lánh, chế giễu”.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên