Ông Gary Manning đội mặt nạ đầu heo (tượng trưng những kẻ làm giàu xấu xa) tham gia cuộc biểu tình chống Chính phủ Anh, quy tụ hàng chục ngàn người hôm 16-4 - Ảnh từ Twitter |
Cuộc điều tra là một quá trình làm việc mệt mỏi. Không ít nhà báo đã bỏ cuộc nửa chừng vì cảm thấy không còn phù hợp hoặc cũng có thể vì đã kết thúc phần việc của mình.
Tất cả những hoàn cảnh đó thường chỉ giữa nhà báo và trưởng nhóm điều tra cùng vài thành viên ban biên tập được biết.
Ngay cả trong nhóm làm việc cũng không biết hết nhau và không biết ai đang làm việc gì. Sự phân công thuộc quyền tối thượng của trưởng nhóm được ban biên tập bổ nhiệm.
Ngay lúc khởi đầu, các nhà báo tham gia cuộc điều tra đều phải ký vào một bản cam kết giữ bí mật tuyệt đối cho công việc mình đang làm.
Các chính trị gia bảo thủ thích tăng thuế nhưng một số người dân, không phải là những người giàu nhất, hiện lại phải đóng nhiều hơn những kẻ khác |
Ông GARY MANNING (kỹ sư 42 tuổi, người tham gia biểu tình tại London) |
Máy không nối mạng
Làm sao để đảm bảo tuyệt đối bí mật và cũng để các nhà báo tham gia vào tuyến bài này có thể tập trung cao độ? Phần lớn các tờ báo có điều kiện tài chính tốt đều chọn cách thuê một văn phòng riêng ở ngoài tờ báo của mình.
Ví dụ ở châu Âu thì thường thuê các văn phòng cũ của bên ngân hàng (đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn nên đóng cửa giảm bớt) vì độ an ninh bảo mật sẵn có về cửa nẻo và hệ thống bố trí trong phòng làm việc cũng thuận tiện cho nhóm nhà báo làm việc yên tĩnh.
Một căn phòng riêng như thế thường có nhiều lớp cửa bảo vệ. Sau lớp cửa đầu tiên sử dụng mã số thì đến các lớp cửa sau sẽ được mở - đóng bằng dấu vân tay.
Tức chỉ những người được phép của ban lãnh đạo mới có thể vượt qua máy kiểm tra để vào. Mỗi máy tính cũng chỉ mở khi được xác nhận qua dấu vân tay của người sử dụng.
Máy móc dành cho nhà báo làm việc được dọn sạch tuyệt đối về virút lẫn các phần mềm, văn bản không liên quan.
Các kỹ thuật viên còn xử lý tháo các phần kết nối mạng để máy không có khả năng kết nối sóng với bên ngoài nhằm phòng tránh việc thông tin đang điều tra bị rò rỉ.
Các nhà báo sẽ làm việc bằng các phần mềm riêng do Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) cung cấp và khi trao đổi, chuyển giao tài liệu thì họ sẽ dùng các ứng dụng có độ mã hóa tốt như Onionshare, Threema, Signal và Telegram.
Mỗi khi cần lấy tài liệu ra khỏi máy qua USB thì phải thực thi đúng nguyên tắc có hai người: một người thực thi việc lấy tài liệu và một người chứng kiến, giám sát.
Cho đến khi các thông tin được tung lên mặt báo, lên truyền hình thì người ta cứ tưởng đó là một cuộc điều tra đầy chất trinh thám, hình sự.
Kỳ thực việc lọc lựa, đào bới thông tin từ mớ dữ liệu khổng lồ là một công việc phần nhiều là... chán ngắt. Nhà báo chỉ ngồi hàng giờ đối diện với những con số, với những kết quả dò tìm.
Bản thân họ cũng chỉ tập trung vào công việc nên không có những cuộc chuyện trò, tranh luận sôi nổi hoặc nảy lửa như thường thấy ở các tòa soạn báo thời sự thông thường.
Họ cũng có thể biết nhau, trò chuyện đôi chút khi nghỉ giải lao uống cà phê. Kiểu bù khú sau giờ làm việc quen thuộc của cánh nhà báo cũng không được phép đối với nhóm điều tra này. Yêu cầu bí mật là tuyệt đối.
Thậm chí ngay trong tòa soạn các nhà báo cũng không được biết ai đã được ban biên tập lựa chọn tham gia cuộc điều tra.
Dễ, chắc ăn làm trước
Trước số lượng dữ liệu khổng lồ, khó lọc lựa, cách làm của các nhà báo là “dễ làm trước”.
Phần bóc tách đầu tiên là bảng danh sách đăng bộ của 214.488 công ty bình phong mà Công ty luật Mossack Fonseca đã thành lập giúp hoặc quản lý giúp trong giai đoạn từ năm 1977 (lúc công ty thành lập) cho đến năm 2015 (thời điểm tin tặc chấm dứt lấy tài liệu của Công ty luật Panama).
Với hồ sơ mỗi công ty đó luôn kèm theo một loạt tài liệu dưới nhiều định dạng (PDF, hình ảnh, văn bản Word, văn bản Powerpoint, các bảng biểu và thậm chí là bản ghi âm), qua đó những người giải mã có thể biết được hoạt động thật của công ty cũng như những người thụ hưởng đích thực từ công ty bình phong này.
Một phần việc khó với các nhà báo điều tra là đối diện với ngồn ngộn những tư liệu “như mớ hổ lốn”.
May mắn là ICIJ đã quen với việc xử lý những loại dữ liệu hỗn tạp này nên đã mời một số công ty phần mềm nhỏ tham gia làm giúp những công cụ xử lý chuyên biệt giúp phân loại tư liệu, thậm chí cả với những văn bản scan nhờ vào hệ thống nhận diện chữ.
Những phần mềm này được chuyển cho các thành viên tham gia cuộc giải mã tư liệu.
Nhóm các nhà báo tham gia cuộc điều tra cũng được trang bị công cụ tìm kiếm giúp truy tìm tư liệu liên quan đến từ khóa là một tên người, tên công ty hoặc một cụm từ. Các nhà báo có hai cách tiếp cận tìm kiếm dữ liệu.
Đầu tiên là tìm kiếm một cụm từ có thể từ đó giúp lần ra manh mối cho một chủ đề. Ví dụ nhóm nhà báo ở Pháp sẽ tìm cụm từ “hộ chiếu Pháp” với hi vọng từ đó có thể tìm ra được một cái tên nổi tiếng nào đó, đến một công ty Pháp hoặc một hướng đi khả dĩ.
Hoặc các nhà báo cũng có thể tìm “đại” dựa trên những “mật ngữ” riêng của Công ty luật Mossack Fonseca như PEP (nhân vật có tiếng trên chính trường), UBO (người thụ hưởng cuối cùng) hoặc “Due Diligence” (kiểm tra danh tính khách hàng).
Cách tiếp cận thứ hai, quen thuộc hơn, là lập danh sách “đầu nguồn”. Tức là thay vì gõ từ khóa “nghị sĩ Pháp” thì lấy bảng danh sách toàn bộ tên họ các nghị sĩ Pháp cả hai viện được công bố trên website của Quốc hội và website của Quốc hội châu Âu.
Bảng danh sách đó sẽ được đưa vào phối kiểm trong đống dữ liệu của Mossack Fonseca thông qua các công cụ phần mềm đặc biệt của ICIJ.
Dĩ nhiên các nhà báo điều tra không thể nào lục lọi được hết giữa ngồn ngộn dữ liệu nên phải tập trung vào những nhân vật nổi tiếng về chính trị, tài chính, tức những đối tượng dễ có khả năng gửi tiền ra cất giấu ở các thiên đường tài chính.
Đây cũng là cách làm của tất cả các báo tham gia vào cuộc giải mã.
Chẳng hạn sau danh sách các nghị sĩ Pháp là danh sách những người giàu có (bản này chẳng hạn lấy từ danh sách 500 người Pháp giàu nhất do tạp chí kinh tế Challenges lập ra hằng năm, phối kiểm thêm với danh sách của Forbes bên Mỹ chẳng hạn), rồi lập thêm danh sách ban lãnh đạo các đảng phái chính trị, danh sách các bộ trưởng Pháp từ thập niên 1980 đến nay (tức từ thời điểm Mossack Fonseca bắt đầu hoạt động);
Danh sách những nhà điều hành các công ty hàng đầu, danh sách những nhân vật được yêu thích tại Pháp, những người được kể tên trong các vụ bê bối chính trị từ năm 2000, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ trên toàn thế giới, danh sách các tuyển thủ quốc gia của bóng đá (nhóm thường có nhiều tiền và đi đá ở các câu lạc bộ khắp thế giới)...
Dĩ nhiên họ cũng phải ưu tiên tìm kiếm tên họ của các cổ đông của tờ báo mình để tránh rủi ro...
__________
Kỳ tới: Đột phá những bức tường thành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận