04/03/2020 14:25 GMT+7

Cần nhìn thoáng hơn

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Giữa lúc các thông tin về COVID-19 đang nóng, những mong chờ, thảo luận có thêm chủ đề quanh việc Bộ Tài chính đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh trong Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Cần nhìn thoáng hơn - Ảnh 1.

Nên cân nhắc tăng mức giảm trừ gia cảnh cao hơn mức đề xuất của Bộ Tài chính để tăng mức chia sẻ với người dân. Trong ảnh: người dân mua sắm tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Sau 7 năm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng lên 11 triệu. Còn mức giảm trừ cho người phụ thuộc dự kiến nâng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu.

Vì sao có con số 11 triệu và 4,4 triệu đồng? Làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2019 so với năm 2013 là 23% để ra con số làm tròn 11 triệu. Tương tự như vậy với người phụ thuộc.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng khoa tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM - bình luận rằng việc tính toán này "đơn giản đến lạnh lùng và vô cảm". "Nói dễ hiểu hơn, giả sử bữa cơm của một gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi".

Ông Bảo cũng đặt câu hỏi rằng vì sao một chính sách tác động lên sinh kế của hàng chục triệu người mà lại được tính toán và hoạch định giản đơn như vậy? Với cách tiếp cận vấn đề của Bộ Tài chính, lẽ nào sau gần 10 năm chất lượng cuộc sống của dân vẫn giẫm chân tại chỗ, không thêm được "tí rau tí thịt" nào?

Đây không phải là lần đầu tiên người nộp thuế kêu về thuế TNCN. Hơn 10 năm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh một lần vào năm 2013. Đến nay sau 7 năm và nhiều lần kiến nghị, mức giảm trừ mới được đề xuất điều chỉnh một cách "rón rén".

Cơ quan quản lý có nhiều lý do để giải thích về mức giảm trừ này. Thế nhưng như số liệu Bộ Tài chính nêu ra, CPI cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 đã tăng 23,2%. Tức là nếu điều chỉnh theo mức mà Bộ Tài chính đề xuất, mức này chỉ phù hợp trong quá khứ. Còn tương lai người dân phải chịu thiệt đến kỳ điều chỉnh tiếp theo, có thể 5-7 năm nữa.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề vì sao không tính toán một mức giảm trừ rộng hơn, với mức tăng 35-40% để dự liệu cho mức tăng chỉ số CPI thời gian tới - khi mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng. Như vậy người nộp thuế trong những năm đầu sau kỳ điều chỉnh sẽ cảm thấy dễ thở hơn.

Hoặc sòng phẳng hơn là cho phép trừ chi phí nếu mua hàng có hóa đơn thay vì khống chế một mức cố định hiện nay. Như vậy một mũi tên sẽ trúng nhiều đích: khuyến khích cá nhân mua hàng lấy hóa đơn. Khi đó các đơn vị kinh doanh cũng không thể gian dối doanh thu như hiện nay.

Nhiều người nộp thuế cũng có ý kiến rằng bên cạnh việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng nên xem xét điều chỉnh những quy định bất hợp lý trong Luật thuế TNCN mà thời gian qua người nộp thuế đã kiến nghị như: nâng ngưỡng khấu trừ thuế với các khoản thu nhập vãng lai, quy định doanh thu bắt đầu chịu thuế với hộ kinh doanh, giảm trừ học phí không chỉ cho con người nước ngoài tại VN mà cho cả con người lao động trong nước... để công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Tất nhiên cơ quan quản lý có lý do để lo nguồn thu sẽ vơi đi nếu ngưỡng giảm trừ được điều chỉnh quá nhiều. Thế nhưng dù từng tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng thu thuế TNCN đến nay chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm.

Nguyên tắc trong ngành tài chính là nuôi dưỡng nguồn thu. Do vậy thay vì tính quá kỹ với người nộp thuế, cơ quan thuế nên có cái nhìn thoáng hơn để người nộp thuế không cảm thấy mình chịu thiệt, ngược lại còn được sự sẻ chia từ cơ quan quản lý trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng cao so với năm 2013.

Cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế chịu thiệt Cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế chịu thiệt

TTO - Ngoài việc xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh đã đề xuất để tránh tình trạng chưa áp dụng đã lạc hậu, Bộ Tài chính nên nghiên cứu áp dụng phương án khấu trừ theo hóa đơn thay vì áp mức cố định như hiện nay.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên