07/04/2025 13:14 GMT+7

Cân nhắc kỹ khi bỏ tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ

Thêm ý kiến góp ý về đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ phạt tử hình, thay bằng phạt tù chung thân không xét giảm án với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Cân nhắc kỹ khi bỏ tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ - Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan đã bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình về tội tham ô tài sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1) - Ảnh: HỮU HẠNH

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng, đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh. Trong đó có tội tham ô tài sản (điều 353); nhận hối lộ (điều 354).

Việc thay đổi hình phạt theo cơ quan soạn thảo vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.

Bỏ tử hình sẽ có nhiều lợi ích

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Trọng Đạt, nguyên cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về bỏ án tử hình với 8 tội danh, trong đó có nhóm tội tham nhũng là tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Ông Đạt chỉ rõ các tội danh tham ô tài sản, nhận hối lộ đều có liên quan đến vấn đề về kinh tế nên yếu tố kinh tế phải được đặt lên đầu tiên.

Nói cách khác, một trong những mục tiêu cao nhất của đấu tranh với tội phạm tham nhũng là thu hồi tài sản cho Nhà nước, nên nếu chỉ tập trung "phạt cho thật nặng" không phải giải pháp tốt nhằm thực hiện mục tiêu này.

Xu thế chung của thế giới hiện nay cũng theo hướng giảm hoặc bỏ hình phạt tử hình, nhất là tội phạm về kinh tế. 

Vì vậy, đề xuất trên là phù hợp với xu thế chung.

Theo ông Đạt, đề xuất trên sẽ khích lệ những người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lập công chuộc tội.

Đồng thời, khi "chừa lại đường sống" cũng giúp người phạm tội bằng mọi giá, tích cực động viên gia đình, huy động, vay mượn từ người thân, bạn bè... cùng phối hợp nộp lại các tài sản tham ô, tham nhũng, từ đó nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.

Ông Đạt phân tích thêm trong thực tế có một số người phạm tội có tâm lý "hy sinh đời bố củng cố đời con" hoặc "đằng nào cũng chết thì chẳng khai báo, hợp tác, huy động người thân, người thương nộp lại tài sản làm gì nữa".

Để tránh tình trạng này, nếu không áp dụng hình phạt tử hình, người phạm tội sẽ có động lực để sửa chữa những sai lầm của mình, khắc phục hậu quả.

"Thực tế, ai cũng muốn sống cả. Có thể lúc tham ô, tham nhũng không nghĩ đến sống chết nhưng khi bị phát hiện, bị xử lý mới thấy hoảng sợ và lúc đó mới thấy rõ tiền nhiều cũng chẳng để làm gì.

Cách tốt nhất phải ăn năn, hối cải, hợp tác, tích cực nộp lại tiền tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt trái phép", ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, cần có tổng kết, đánh giá để tuyên truyền cho người dân thấy rõ không phải không tử hình là không xử lý nghiêm.

"Sự nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị phát hiện, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, chứ không phải tử hình hoặc bỏ tù cho thật nhiều.

Dù bỏ hình phạt tử hình nhưng người phạm các tội danh trên vẫn phải đối mặt với hình phạt chung thân không xét giảm án.

Hình phạt mới theo đề xuất này cũng rất nặng nề, nghiêm minh, người phạm tội vẫn bị cách ly hoàn toàn khỏi xã hội, không thể tiếp tục gây nguy hại cho xã hội, người dân", ông Đạt nói thêm.

Ông Đạt cũng đề xuất các cơ quan chức năng nên bỏ quy định về việc nộp lại 3/4 tài sản, thay vào đó yêu cầu người phạm tội tham nhũng phải nộp lại tối đa hoặc 100% tài sản.

"Đã là tiền tham ô, tham nhũng, bất chính thì người phạm tội phải nộp 100%, còn nếu nói 3/4 thì số tiền bất chính 1/4 còn lại đi đâu", ông Đạt đề nghị.

tử hình - Ảnh 3.

Ông Phạm Trọng Đạt - Ảnh: GIA HÂN

Đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với đề xuất giảm bớt hình phạt tử hình nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá, giải trình kỹ lưỡng về lý do bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Có nhiều ý kiến đặt ra việc đề xuất bỏ án tử hình có thể ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, vì thế cần cân nhắc kỹ lưỡng, giải trình thấu đáo.

Trước đó Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi họp thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đối với các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại cuộc họp đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, thu hút đầu tư, tạo lập môi trường phát triển bền vững.

Dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích, nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thực tiễn cho thấy khi đối tượng đứng trước nguy cơ nhận án tử hình, thái độ và hành vi hợp tác thường thay đổi rõ rệt.

Sức răn đe của mức án cao nhất này không chỉ thể hiện ở sự nghiêm khắc về pháp lý mà còn tạo ra áp lực buộc các đối tượng phải chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Đối với ba tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình (gián điệp, tham ô tài sản, nhận hối lộ), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng.

Bà nói hai tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay của Đảng, Nhà nước.

Những quy định nghiêm khắc hiện nay, trong đó có tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Nếu xem xét bỏ án tử hình với các tội danh đó, cơ quan soạn thảo cần có kế hoạch truyền thông, phổ biến chính sách thật kỹ lưỡng, tránh gây ra ý kiến trái chiều trong xã hội.

Có nên bỏ tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ? - Ảnh 4.Bộ Công an đề xuất bỏ phạt tử hình 8 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản, nhận hối lộ

Tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình, trong đó có tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên