Nhiều người nghĩ 'vẫn còn đường lui' nên liều hơn?
Luật sư Nguyễn Quốc (Đoàn luật sư TP.HCM):

Luật sư Nguyễn Quốc - Ảnh: T.L
- Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng mức hình phạt tử hình cho tội tham ô tài sản, nhận hối lộ khi giá trị chiếm đoạt hoặc nhận hối lộ đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều này thể hiện thái độ nghiêm trị đối với hành vi tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế và gây ảnh hưởng đến sự hoạt động đúng đắn và uy tín của Nhà nước, phù hợp với chính sách phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Nhằm thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện rõ vai trò của án tử hình như một "đòn bẩy", buộc tội phạm tham nhũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hậu quả của mình gây ra và được hưởng sự khoan hồng của pháp luật thì Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định rõ:
"Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".
Trên thực tế, nhờ điều khoản này mà nhiều tội phạm đã tích cực khắc phục nhằm thoát khỏi án tử hình (như Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc Oceanbank trong đại án tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) và từ đó nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Do đó, trong bối cảnh tham nhũng vẫn diễn ra cực kỳ nghiêm trọng và phức tạp, án tử hình là mức trừng phạt xứng đáng để tạo nỗi khiếp sợ đủ lớn, khiến người phạm tội phải chùn bước.
Ngược lại, nếu chỉ đối mặt án chung thân, nhiều người sẽ coi đó là "còn đường lui" và sẵn sàng đánh đổi vì vẫn giữ được tính mạng, không cần phải cố gắng hết sức mình để khắc phục hậu quả mà chỉ cần khắc phục một con số "tượng trưng", "cho có" để đủ hưởng tình tiết giảm nhẹ là được.
Vẫn cần giữ án tử hình để thu hồi tài sản tham nhũng
Ths Vũ Thị Xuân Nhuệ (nguyên trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự - Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM):
- Bỏ án tử hình được xem là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam vẫn cần giữ lại mức án tử hình đối với một số tội phạm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, trong đó có các tội phạm về tham nhũng, chức vụ.
Đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ như tham ô tài sản, nhận hối lộ, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên, theo nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ thì quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Thực tế gần đây nhiều vụ tham nhũng được phanh phui, với số tiền tham nhũng cực kỳ lớn khiến dư luận ngỡ ngàng. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn bao nhiêu vụ tham nhũng trót lọt chưa bị phát hiện? Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với những tội phạm này liệu người phạm tội có nộp lại 3/4 số tiền tham ô, nhận hối lộ không hay sẽ "hy sinh đời bố để củng cố đời con"?
Hơn nữa, mặc dù hình phạt có tên gọi: Tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Thế nhưng ngay tại khoản 3 điều 39a của dự thảo lại quy định tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân. Sau đó, trong quá trình thi hành án họ vẫn được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo điều 63, điều 64 Bộ luật Hình sự.
Án chung thân vừa đảm bảo nghiêm khắc, vừa hạn chế tối đa rủi ro oan sai
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Luật sư Trương Anh Tú - Ảnh: T.L
- Đây là bước đi phù hợp với xu hướng chung của thế giới và phản ánh quá trình cải cách pháp lý nhất quán của Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã có tiến trình kéo dài và có chọn lọc trong việc giảm dần các tội danh có khung hình phạt tử hình.
Nếu như Bộ luật Hình sự năm 1985 có tới 29 tội danh bị áp dụng tử hình thì đến nay chỉ còn 18. Đề xuất lần này, nếu được thông qua, sẽ tiếp tục cắt giảm 8 tội có hình phạt tử hình.
Nhiều ý kiến phản biện hiện nay tập trung vào tội "tham ô tài sản" - cho rằng đây là loại tội nghiêm trọng, cần giữ hình phạt tử hình để răn đe. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện và khách quan, việc giảm tử hình không đồng nghĩa với việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Dự thảo cũng đồng thời đề xuất giữ lại hình phạt tù chung thân không giảm án, một hình phạt nghiêm khắc và thực chất là "chung thân thực sự". Điều này vừa đảm bảo tính nghiêm khắc, vừa hạn chế tối đa rủi ro oan sai.
Tử hình không phải là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tội phạm

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Ảnh: T.L
Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
- Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt những nước có hệ thống luật pháp văn minh, đã bỏ án tử hình. Việc Bộ Công an đề xuất bỏ án tử hình là phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thực tế trên thế giới cho thấy chính tại những nước bỏ án tử hình thì tỉ lệ tội phạm lại rất thấp, đặc biệt là những tội phạm có khung hình phạt cao.
Ở Việt Nam, luật pháp quy định hình phạt rất cao đối với những tội phạm về ma túy, giết người hay các tội phạm về tham nhũng, chức vụ như tham ô tài sản, nhận hối lộ... nhưng các loại tội phạm này lại luôn có xu hướng gia tăng trong những năm vừa qua.
Điều đó chứng tỏ không phải cứ hình phạt nặng là tác dụng ngăn ngừa tội phạm có hiệu quả.
Mặt khác, việc thi hành án tử hình cũng gây tốn kém cho ngân sách nhà nước và gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội, áp dụng án tử hình còn gây khó khăn cho Việt Nam trong việc đàm phán, gia nhập vào điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Vì vậy, bỏ án tử hình và thay thế bằng mức án chung thân không xét giảm án là một đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho đất nước nhưng vẫn đảm bảo nâng cao hiệu quả của áp dụng pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận