TT - Tình trạng thiếu các sô diễn phục vụ khách du lịch không có gì mới, thậm chí quá cũ. Nhưng, người biết nóng ruột thì cho rằng đó không phải là chuyện cũ hay mới, mà là chuyện không thể làm hoặc không muốn làm.
Phóng to |
Nhân viên Nhà hát Rồng Vàng phát tờ rơi giới thiệu chương trình múa rối cho du khách tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN |
Kỳ 1: Hủy tour tiền tỉ vì thiếu sô!Kỳ 2:Những cái bắt tay hờ hữngKỳ 3: Những người tự cứu
Hãy tạm bỏ qua trường hợp biết đó là việc cần thiết nhưng không muốn làm vì ngại cực, ngại trách nhiệm. Lựa chọn thái độ làm việc như thế là đã bỏ phiếu cho du lịch tụt hạng rồi. Việc cần làm là cùng nhau mổ xẻ trường hợp thứ hai: muốn làm nhưng không biết làm thế nào, hoặc biết cách làm nhưng không thể làm vì những nguyên nhân nằm ngoài.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phó giám đốc sở VH-TT&DL TP.HCM Lã Quốc Khánh:
Thiếu nhạc trưởng
Tôi cho rằng tình trạng như hiện nay là do Ban chỉ đạo phát triển du lịch của quốc gia và ở từng địa phương chưa phát huy vai trò điều phối, liên kết các bên thành một hoạt động liên hoàn.
Các công ty du lịch lữ hành, nhà hát, chương trình biểu diễn nghệ thuật vẫn phải tự mình tìm lối ra cho chính mình. Tôi tin rằng nếu quyết tâm sẽ làm được những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách nước ngoài.
Các công ty du lịch lâu nay vẫn trông chờ phải có cái gì để họ bán tour, giới thiệu cho đối tác, du khách. Nhưng phải làm thế nào để chính các đơn vị tổ chức sản xuất các chương trình biểu diễn hiểu ra vấn đề, tăng cường liên kết để có một sản phẩm có thể trình diễn giới thiệu cho du khách.
Việc nghiên cứu thị hiếu riêng của từng loại du khách nước ngoài cụ thể như thế nào, loại hình nghệ thuật gì phù hợp thì ai, tổ chức nào sẽ đứng ra thực hiện... Cần một nhạc trưởng thật sự trong chuỗi liên kết này.
Rất nhiều cán bộ ở nước ta làm nhiệm vụ phát triển nghệ thuật phục vụ du lịch đã được đi tham quan, khảo sát, rút kinh nghiệm về cách làm ở nước ngoài, thậm chí có người đã đi hàng chục lần ở hàng chục quốc gia.
Những cán bộ ấy đều biết rõ: càng có nhiều du khách nước ngoài đến thăm đất nước mình, càng cần có sô đáp ứng nhu cầu khám phá, thưởng thức văn hóa sở tại của khách. Và, để xây dựng sản phẩm nghệ thuật trình diễn phục vụ du khách - gọi ngắn gọn là sô cho du lịch - chỉ có ba vấn đề cốt tử và chẳng có gì là nan giải.
Thứ nhất, phải có những địa điểm - hay ít nhất là một đến hai địa điểm được ấn định dành cho các sô phục vụ du khách (trong và ngoài nước). Ðịa điểm này phải được thiết kế phù hợp với tính chất và quy mô của sô diễn - nghĩa là không thể có chuyện xây một cái nhà hát bất kỳ rồi bắt nghệ sĩ gò theo đó mà sáng tạo nên sô diễn, bất chấp sự thiếu chuẩn mực về diện tích và không gian sàn diễn, về thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hiệu quả trình diễn trên sân khấu và hiệu ứng thưởng thức cho khán giả.
Thứ hai, địa điểm biểu diễn có tính chuyên biệt ấy phải hoạt động định kỳ và phải được quảng bá chương trình biểu diễn trước ít nhất một năm, với giá vé và giờ diễn cụ thể có thể truy cập dễ dàng trên mạng. Sản phẩm quảng bá phải hiện diện ở tất cả cơ sở lưu trú du lịch, nhà ga hàng không, đường bộ hoặc đường thủy. Một địa điểm như vậy cần người quản lý có trình độ quản lý và tiếp thị, có trách nhiệm và hiểu biết sâu sắc về sản phẩm của mình. Một con người văn hóa song hành với con người doanh nhân.
Thứ ba, và cũng là điều vô cùng quan trọng, đó là những người sáng tạo ra sô diễn. Họ phải là người cùng lúc có cái nhìn mượt mà, sâu sắc của người sáng tạo nghệ thuật và cái nhìn tỉnh táo, tinh tường của người quản lý nhân sự nghệ thuật. Một vở diễn dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là sự khác biệt, là nét độc đáo của nó và kỹ thuật điêu luyện của người diễn viên (múa, hát, xiếc, võ thuật...) - tác giả thứ hai của tác phẩm.
Chọn diễn viên kỹ càng và hiệu quả như Ðoàn xiếc Du Soleil của Canada (Xiếc Mặt trời), như Ðoàn nghệ thuật Thâm Quyến của Trung Quốc, như Nhà hát Lido của Pháp, Nhà hát Philadelphia của Mỹ, Nhà hát balê quốc gia của Anh, Nhà hát Broadway ở New York, Kennedy Center ở Washington DC... thì chả trách du khách thường háo hức chọn đi tour vào đúng dịp các nhà hát lừng danh ấy có lịch diễn định kỳ những chương trình nổi tiếng từng diễn hàng ngàn suất rồi vẫn không ngớt khách. Và giá vé có lúc đến 200 USD.
Xem các chương trình tuyệt vời trong những nhà hát tuyệt vời, chứng kiến du lịch xứ người thu tiền nườm nượp, lại nghĩ dứt khoát chúng ta không thiếu tài năng, không thiếu tiền bạc, không thiếu những khu đất đắc địa. Cái mà chúng ta thiếu là tâm thế dám nghĩ, dám làm và dám chịu.
NGUYỄN THẾ THANH
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên: Phải chờ đợi ngành du lịch
Bộ VH-TT&DL nhiều năm trước cũng đã có chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp truyền thống để giới thiệu với khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, việc lôi kéo khách nước ngoài đến với các chương trình này vẫn rất nan giải. Chúng tôi cũng đã tổ chức các chương trình kết hợp với Tổng cục Du lịch, mời cả công ty lữ hành tham gia nhưng rất khó để có tiếng nói chung. Việc này sẽ phải chờ đợi sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và ngành du lịch mới có thể hi vọng tiến triển được. Như ở Thái Lan, những người làm du lịch rất ý thức, chính họ là người thiết kế các tour tham quan, xem biểu diễn để giới thiệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Đối với nghệ thuật truyền thống phải xác định rõ cái gì cần bảo tồn, còn nếu muốn làm du lịch thì phải thay đổi diện mạo của mình. Có nghĩa là chương trình biểu diễn phải dễ hiểu, dễ nghe, đi vào đời sống con người chứ đừng mải mê diễn đi diễn lại những tích trò cũ. Phải hiểu rằng tuồng, chèo, cải lương... gặp rào cản ngôn ngữ rất lớn khi tiếp cận khách nước ngoài. Do đó, cách thể hiện phải khác đi, ít lời, nhiều hành động mà vẫn là tuồng, chèo, cải lương... Tuy nhiên, cũng rất khó để giới thiệu tất cả loại hình nghệ thuật truyền thống, đến cả các nước trên thế giới cũng khó mà làm được. Như với Indonesia người ta cũng chỉ biết rối bóng, với Úc là một số điệu múa thổ dân... Hầu như mỗi nước đều tìm cho mình một đại diện để giới thiệu với du khách nước ngoài. Ở Trung Quốc, kinh kịch được coi là quốc bảo nhưng cũng có mấy người đi xem đâu. Phải thừa nhận các chương trình giải trí của VN vẫn nghèo nàn lắm. Tuồng đã cố gắng nhưng vắng khách, chèo đã dựng chương trình nhưng khách chẳng nhiều. Sở dĩ họ chọn rối bởi rối ngoài là một môn nghệ thuật đặc sắc, còn vượt qua được rào cản về ngôn ngữ để đến với người xem. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch VN Hoàng Thị Điệp: Các nhà hát chưa chủ động
Nếu một nhà hát nào đó muốn sưu tầm, xây dựng một số tiết mục đặc sắc mang tính dân tộc phục vụ khách du lịch, vai trò của tổng cục là đánh giá, thẩm định chương trình, sản phẩm đó. Tôi cũng có một số lần cùng Vụ Lữ hành của tổng cục đi thẩm định các chương trình biểu diễn cho du khách và nhận thấy vấn đề không chỉ ở chỗ chưa xây dựng được sản phẩm mà là do cách thức mình làm chưa ổn. Chúng tôi đã góp ý với các nhà hát rằng sản phẩm của nhà hát phải phục vụ theo thị hiếu của du khách chứ không phải là trình diễn chương trình mình có. Phải xây dựng chương trình theo tiêu chí đó rồi mời các công ty du lịch, lữ hành đến xem, nhận xét, đánh giá. Theo đó một chương trình chỉ nên 20-30 phút là vừa chứ các chương trình của mình dài quá. Chương trình phục vụ khách Trung Quốc là phải theo cách nào, Hàn Quốc thì phải làm sao, khách châu Âu họ thích gì, khách Mỹ quan tâm tiết mục nào... chính các nhà hát phải chủ động trong việc này. Làm từ từ từng chương trình nhỏ, chứ muốn xây dựng các chương trình nghệ thuật lớn như các nước đang làm thì phải cần rất nhiều kinh phí. Bản thân các nhà hát cũng không coi đây là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh. Nếu thật sự xem đây là một cơ hội kinh doanh, các nhà hát phải đảm bảo có chương trình thường xuyên, điểm đến thường xuyên và có chất lượng. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận