Phóng to |
Du khách quốc tế xem biểu diễn hát bài chòi ở Hội An, Quảng Nam - Ảnh: ANH CHI |
Kỳ 1: Hủy tour tiền tỉ vì thiếu sô!
Không chỉ có tuồng mà chèo, ca trù, cải lương...cũng trong tình trạng ế ẩm khách nước ngoài. Ai cũng có cái lý của mình, nhưng xem ra việc các nhà hát nghệ thuật truyền thống và các công ty lữ hành hợp tác với nhau vẫn còn là... đường xa vạn dặm.
Hà Nội: nghịch lý từ “ăn tối, múa rối”
Đó là câu cửa miệng của dân làm du lịch khi lên chương trình tại Hà Nội cho các đoàn khách nước ngoài. Theo một hướng dẫn viên ở phố cổ, “ăn tối, múa rối” tức là ăn tối ở một nhà hàng rồi đi xem múa rối ngay sau đó đã trở thành thói quen không đổi hơn chục năm nay rồi. Những tích trò như úp cá, câu ếch, cáo bắt vịt, chọi trâu... nuôi sống cả Nhà hát múa rối Thăng Long lẫn các công ty lữ hành lâu nay.
Dù các nhà hát khác có vắng khách thì nhà múa rối vẫn tưng bừng trống hội. Mùa cao điểm, nhiều công ty lữ hành còn than không thể đặt vé cho khách vì kín lịch, còn muốn vé giờ đẹp thì phải làm thân với nhà hát và đặt vé từ rất sớm.
Nghịch lý kẻ thừa người thiếu đó ai cũng nhìn thấy và nhìn thấy từ rất lâu nhưng đành bất lực chứ không có cách nào thay đổi. Các nhà hát khác đành nhìn cảnh đông chen của múa rối mà tặc lưỡi: âu cũng là do họ cập nhật thị trường trước mình cả chục năm, quảng cáo trên cả kênh CNN và Discovery cơ mà!
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, vài năm nay Nhà hát Tuồng VN cũng rất nỗ lực quảng bá tuồng đến du khách nước ngoài thông qua các công ty du lịch. Dù khó khăn, Hồng Hà của tuồng cổ vẫn cố định lịch diễn dành cho khách nước ngoài từ 18-19g thứ năm hằng tuần. Trong một nỗ lực của nhà hát, các tờ rơi giới thiệu chương trình cũng được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp... Gần đây, mỗi buổi biểu diễn tuồng còn chiếu song song phụ đề bằng tiếng Anh để khách tiện theo dõi.
“Chúng tôi dù ế khách phải bù lỗ cũng cố định mỗi tuần một buổi, đó là thiện chí để các công ty lữ hành hiểu rằng chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp được sản phẩm thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi cũng có cơ chế ưu đãi, chiết khấu 30-50% cho các công ty dẫn khách đến. Không có công ty du lịch lớn nào mà chúng tôi chưa đến xin đặt quan hệ, nhưng hiện tại vẫn chưa có gì sáng sủa” - ông Tuấn buồn bã nói.
Không có nhà hát cố định hay địa điểm biểu diễn nằm ở khu trung tâm cũng là trở ngại ngăn cản du khách nước ngoài đến gần hơn với nghệ thuật ca trù, cải lương... Theo lời ông Lưu Đức Kế - giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội Tourist, cứ ở xa trung tâm một tí, xe tour chạy vào giờ nhạy cảm là cấm đường rồi tắc đường, nên phần lớn công ty lữ hành đều ngại rạp xa.
Huế: điệp khúc ca và nhã
Đó là hai “món ruột” của Huế mà phần lớn du khách đến đây đều không thể không “xơi” vì không còn món nào khá hơn. Bến thuyền ca Huế (nằm cạnh cầu Trường Tiền) sáng đèn suốt năm, chỉ trừ vài đêm bão lụt, với 120 chiếc thuyền và 420 ca sĩ, nhạc công.
Sau nhiều lần bị dư luận phản ứng dữ dội về tình trạng chạy sô, chụp giật và cũng nhiều lần chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế nỗ lực chấn chỉnh, bến thuyền hiện trạng vẫn là một cái “chợ ca Huế”, lộn xộn, giá rẻ như bèo và tất nhiên chất lượng cũng không thể khá hơn “hàng chợ”. Có phải vì vậy chăng mà rất ít khách quốc tế xuống thuyền nghe ca Huế?
Nếu sô ca Huế chỉ bán được vé cho khách nội địa thì nhã nhạc lại chỉ bán được vé cho khách quốc tế. Lý do là vì nhã nhạc được đưa vào trong tour của các hãng lữ hành quốc tế; trong khi lại rất ít quảng bá đến với đối tượng khách nội địa. Khách đi theo tour chắc chắn sẽ được đưa vào Duyệt thị đường - nhà hát của cung đình nhà Nguyễn - để xem biểu diễn nhã nhạc và ca múa cung đình, sau khi đã tham quan xong khu di tích Hoàng thành (thường gọi là Đại nội).
Nếu khách đi riêng lẻ cũng có thể mua vé vào xem, trong trường hợp họ được ai đó chỉ dẫn. Khách sẽ được xem các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế biểu diễn các bài nhạc lễ của triều Nguyễn (còn gọi là nhã nhạc, đã được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại) và các điệu múa cung đình. Vì chỉ bán được cho khách quốc tế nên vào mùa khách nội địa (mùa hè) nhà hát thường vắng khách, có suất chỉ bán được một vé.
Khách ta ca Huế, khách tây nhã nhạc. “Ca và nhã”, cái điệp khúc đó của Huế đã trở nên nhàm chán với không chỉ người làm du lịch mà cả du khách đến Huế.
Hờ hững tại ai?
Thừa nhận những nỗ lực hướng đến thị trường của các nhà hát, ông Vũ Duy Vũ (phó giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist) chia sẻ những “cái khó” của doanh nghiệp: “Chúng tôi cũng có khảo sát các thể loại chèo, ca trù, tuồng, rồi rối cạn để giới thiệu, nhưng những loại hình này lời thoại nhiều, du khách không hiểu hết được”.
Do vậy, giải pháp an toàn đối với các tour du lịch của khách nước ngoài là lựa chọn múa rối, dù biết “những người quay lại Việt Nam lần hai, lần ba xem mãi mấy tích trò đó cũng dễ buồn ngủ”.
Cũng theo ông Vũ, nghệ thuật truyền thống muốn có khách phải đa dạng hơn, sáng tạo hơn, sân khấu đẹp hơn. “Chúng tôi có góp ý với các nhà hát diễn tích cổ thế nào cũng phải có nhiều tích trò, phải đầu tư chất xám nhưng phải thực sự dễ hiểu với du khách nước ngoài”, ông Vũ nói. Đồng thuận với quan điểm đó, ông Lưu Đức Kế cho rằng cái được lớn nhất của nghệ thuật truyền thống Việt Nam hiện nay là giá rẻ.
“Còn nếu nói sô của mình đã có đầu tư thì không thể hoành tráng bằng Thái Lan hay Trung Quốc được. Cứ có tích gì thì diễn tích đó, không đầu tư đổi vở, xem vài lần người ta mỏi mệt thì kinh doanh gì cũng sẽ chết yểu. Cho nên đừng đổ tội cho công ty lữ hành lờ nhà hát đi mà phải khảo sát cho rõ nhu cầu của khách thế nào. Khách nước ngoài tinh lắm, nếu hay họ tìm đến ngay!”.
TP.HCM: nhỏ lẻ và không chuyên Tại TP.HCM, từ năm 2005 UBND thành phố đã chỉ đạo gắn kết giữa ngành văn hóa và du lịch thông qua đề án xây dựng các điểm biểu diễn dành cho du khách. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, nếu du khách có nhu cầu thưởng thức thì cũng chỉ biết vài địa điểm nhỏ lẻ và không chuyên: Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng của Sân khấu nghệ thuật Thái Dương tại Cung văn hóa Lao động (Q.1); múa và chơi các nhạc cụ dân tộc tại nhà hàng Cung Đình và nhà hàng Hoa Mai khách sạn Rex (Q.1, với sự tham gia của hai anh em nghệ sĩ Đức Dậu, Đức Lợi); sô diễn “Đám cưới Nam bộ” tại khu du lịch Bình Quới 2 (Thanh Đa, Q.Bình Thạnh)... Nếu Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng cơ sở vật chất đầu tư mang tính tạm thời, không gian nhỏ, thì hai sô tại khách sạn Rex và Bình Quới 2 chỉ là sản phẩm cộng thêm cho thực khách khi đến đây thưởng thức ẩm thực. Ông Lê Hồng Minh - phó giám đốc làng du lịch Bình Quới (đơn vị quản lý khu du lịch Bình Quới 2), xác nhận dù sô “Đám cưới Nam bộ” đã có trên 10 năm, khách quốc tế rất thích nhưng hoạt động chỉ cầm chừng (bình thường diễn trong các đêm thứ ba, năm, bảy) vì đơn vị không có thế mạnh về loại hình này, ngoài ra việc thường kẹt xe từ trung tâm thành phố về Thanh Đa cũng khiến các công ty lữ hành lo ngại khi đăng ký. |
Nơi nơi thiếu sô cho du khách và nhà chức trách các cấp lúng túng tìm giải pháp, nhưng không phải ai cũng chịu bó tay.
Kỳ sau: Những người tự cứu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận