Read this on Tuoitrenews.vnKỳ 1: Hủy tour tiền tỉ vì thiếu sô!Kỳ 2:Những cái bắt tay hờ hững
Phóng to |
Đã qua cái thời “há miệng chờ sung rụng”, nghệ thuật truyền thống phải vật vã tìm đường cứu nghề và cứu mình. Cuộc chinh phục khán giả khó khăn gấp bội khi thị hiếu khán giả đã không còn mặn mà với cải lương, ca trù, chèo, tuồng...
Nghe cải lương tiếng Anh?
Mở cánh cửa văn hóa bản địa Giúp du khách đến Đắk Lắk mở cánh cửa văn hóa của các tộc người bản địa không thể không nhắc đến đội cồng chiêng Kosia. Bên cạnh đó, gần một năm nay, được nhiều du khách biết và tìm đến ngày càng nhiều là chương trình biểu diễn của nhóm Y Thim BYă. Lấy ngôi nhà dài ở buôn Ea Bông (TP Buôn Ma Thuột) làm điểm đến cho du khách, bình quân mỗi tháng nhóm đón 3-5 đoàn về đây nghỉ lại và thưởng lãm. Có thể nói bất cứ ai khi được xem các sô diễn của nhóm nghệ nhân Y Thim đều tỏ ra hài lòng trước sự độc đáo và trung thực với vốn văn hóa truyền thống của họ. Không chỉ diễn tấu cồng chiêng, nhóm còn biểu diễn cả dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ truyền thống (hát aray, hát kưưk, thổi đing puốt, đing năm tak tar, tù và, đing pah, đàn t’rưng...). |
Ngập ngừng rất lâu trước khi thông báo về Mệnh đế vương, vở cải lương đầu tiên của nhà hát có phần dịch tiếng Anh, đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng - giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội - ông chủ rạp Chuông Vàng ở 72 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - vẫn bày tỏ mong muốn: với sự tham gia của ngành du lịch, hi vọng đây sẽ trở thành một trong những điểm thu hút khách nước ngoài. “Mà Mệnh đế vương bằng tiếng Anh này cũng phải dựa trên khảo sát nhu cầu khán giả đấy!
Rạp Chuông Vàng ở phố cổ nên cuối tuần một số khách đi chơi qua rồi mua vé vào xem. Họ rất hào hứng với chương trình nhưng đều bày tỏ rất lấy làm tiếc vì không hiểu vở diễn nói gì”, ông Hùng nói.
Vì thử nghiệm lần đầu tiên nên buổi diễn Mệnh đế vương vào tối 13-8 vừa qua chỉ có 24 chỗ. Phía trước mỗi khán giả sẽ treo một tai nghe. Mỗi tai nghe sẽ có hai phần khác nhau, một bên nghe các lời dịch bằng tiếng Anh, một bên nghe tiếng ca của diễn viên trên sân khấu.
“Chúng tôi làm cách này để khách VN và khách nước ngoài đều có thể xem vở diễn. Phần dịch chúng tôi thu sẵn vào đĩa CD và sẽ mở song song sao cho khi diễn viên ca trên sân khấu thì phía dưới khán giả đồng thời nghe được lời dịch tiếng Anh”, đạo diễn Trần Quang Hùng cho biết.
Về nghệ thuật chèo, hơn một năm nay Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là đơn vị chủ động bắt tay công ty lữ hành với chương trình Trẩy hội mùa xuân - chương trình dành riêng cho khách du lịch nước ngoài.
Theo NSƯT Trịnh Thúy Mùi (giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội), chương trình không đi sâu vào nghệ thuật chèo kinh điển mà chỉ chọn lọc giới thiệu một số nét đặc sắc để khách tiếp cận dễ hơn.
Cũng theo bà Thúy Mùi, với việc bắt tay hơn chục công ty lữ hành, các nghệ sĩ được diễn nhiều hơn, thu nhập tăng lên và đã sống được bằng nghề.
Ca trù đến với khách Tây
20 năm lặng lẽ ở Bích Câu đạo quán (Cát Linh, Hà Nội), gần chục năm dời hết đình làng này sang đình làng khác, những ca nương của ca trù Hà Nội vẫn lận đận đi tìm một “ngôi nhà” cho ca trù. Đình làng khuất trong ngõ, đạo quán cũng ở xa, khách đến chủ yếu là người quen cũ và chỉ đến để nghe... miễn phí.
Rồi bất ngờ người yêu ca trù nghe thấy tiếng phách, tiếng đàn cứ rộn rã ở những góc phố cổ. Đền Quán Đế (28 Hàng Buồm) tối thứ bảy, đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) tối chủ nhật hằng tuần lại dập dìu những ca nương áo dài, tóc vấn cao ngồi hát Tỳ bà hành, Hồng hồng tuyết tuyết... Hà Nội của một thời xa vắng trỗi dậy trong những canh hát phố cổ.
Ca nương Bạch Vân (chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội) vốn xưa nay “đóng” ở Bích Câu đạo quán cho biết: “Chọn khu phố cổ cũng là một cách hòa ca trù vào không gian kiến trúc của Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài và những người làm ca trù muốn hướng đến đối tượng này”.
CLB Ca trù Hà Nội bắt đầu biểu diễn tại đình Kim Ngân từ đầu tháng 6-2011. Với khách Tây, vé xem là 100.000 đồng/người, nhưng với khách Việt “buổi nào miễn phí thì đông, còn lại thì vắng lắm”, bà Vân nói.
Ngoài các ca nương, kép đàn, mỗi buổi biểu diễn còn có thêm một MC kiêm phiên dịch, giới thiệu nội dung các bài ca trù bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Khách Tây nghe mê mải, nghe xong đều muốn tìm hiểu kỹ hơn, tập gõ trống chầu, cầm thử cây đàn đáy. Một canh hát chỉ một giờ nhưng thời gian trao đổi với khách lại dài gấp đôi.
Sớm hơn một chút, giáo phường ca trù Thăng Long cũng đã biểu diễn ở đền Quán Đế từ cuối năm 2010. Mỗi buổi biểu diễn tối thứ bảy đền Quán Đế đón 10-15 khách, chủ yếu là khách Tây với giá vé 10 usd/người.
“Những canh hát vẫn phải thuần chất cổ, bởi đối với khách Tây họ thích những cái nguyên gốc. Hơn nữa, mục đích của mình cũng là gìn giữ vốn ca trù”, bà Phạm Thị Huệ (đại diện giáo phường ca trù Thăng Long) cho biết.
---------------------------------------------
Du lịch thiếu sô... Nhưng cái chúng ta thiếu còn là thiếu tâm thế dám nghĩ, dám làm và dám chịu.
Kỳ cuối: Đừng bỏ phiếu cho du lịch tụt hạng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận