​Cần miễn phí tham quan di tích, bảo tàng cho học sinh

VĨNH HÀ ghi
VĨNH HÀ ghi

TT - Đồng tình với chủ trương của liên bộ GD-ĐT và VH-TT&DL, các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên đề xuất những giải pháp để các di tích lịch sử, di tích cách mạng, bảo tàng “rộng cửa” cho học sinh đến tham quan, học tập.

Học sinh tiểu học tham quan, học tập tại một bảo tàng ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

* Ông Vũ Đình Chuẩn (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT):

 Ông Vũ Đình Chuẩn - Ảnh: CTV

Chủ động phối hợp

Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học là một trong những định hướng của Bộ GD-ĐT nhằm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông. Việc này đã được quy định trong nhiệm vụ năm học.

Bộ GD-ĐT cũng có các đợt tập huấn để triển khai rộng rãi việc dạy học với di sản trên cả nước, thông qua những hoạt động, các dự án nghiên cứu của thầy, trò, các tiết học trong không gian di tích văn hóa, lịch sử...

Để tạo điều kiện cho các trường triển khai, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ VH-TT&DL ban hành văn bản số 73/HD - BGDĐT-BVHTTDL hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo văn bản này, các sở GD-ĐT và sở VH-TT&DL cần phối hợp để thông tin tới ban quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, trung tâm lưu giữ di sản... tạo điều kiện cho nhà trường đưa học sinh tới tham quan, nghiên cứu học tập miễn phí.

Các sở GD-ĐT, các trường cần có kế hoạch chủ động phối hợp với ban quản lý các di tích lịch sử, văn hóa để cử người tham gia giới thiệu, hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tổ chức hoạt động giáo dục đối với học sinh.

Việc xảy ra tình trạng các trường gặp khó khăn khi đưa học sinh đi tham quan, dạy học tại những trung tâm di sản, di tích văn hóa, lịch sử như báo Tuổi Trẻ phản ánh thể hiện sự phối hợp giữa ngành GD-ĐT và VH-TT&DL có nơi, có lúc chưa thật chặt chẽ, chưa đúng với tinh thần văn bản hướng dẫn của hai bộ. 

Về việc này, các sở GD-ĐT nơi có phản ánh tình trạng trên cần làm việc lại với sở VH-TT&DL để có thông tin cụ thể, rõ ràng tới các ban quản lý trung tâm di sản, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn khắc phục những bất cập; tích cực tuyên truyền tính đúng đắn của chủ trương dạy học gắn với di sản, chủ động, vận động các đơn vị không thuộc quyền quản lý của ngành văn hóa hưởng ứng chủ trương đúng đắn này. 

Về phía nhà trường cũng cần kiểm tra, rút kinh nghiệm về cách triển khai hoạt động, phải chủ động trao đổi, thông tin về kế hoạch tham quan, dạy học tại di sản với các đơn vị có trách nhiệm, thống nhất với ban quản lý các di sản về cách thực hiện, tổ chức hoạt động để có hiệu quả hơn.

* TS Nguyễn Thị Hậu (phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):

TS Nguyễn Thị Hậu - Ảnh: Q.Định

Trọn gói vào đầu năm học

Việc phối hợp giữa trường học và bảo tàng thì nhiều nước đã làm và làm rất có hiệu quả. Ở gần ta có Singapore và Thái Lan, làm rất đồng bộ và chặt chẽ từ các cấp quản lý.

Ví dụ ở Singapore, chi phí cho việc học ở bảo tàng được tính “trọn gói” vào đầu năm học, Bộ Giáo dục chuyển toàn bộ sang Bộ Văn hóa, và các bảo tàng cứ thế thực hiện không phải thu tiền vé, tiền hướng dẫn và các chi phí khác một cách lắt nhắt và khác nhau giữa các bảo tàng.

Khoảng cuối những năm 1990, TP.HCM cũng có chương trình “Hành trình đến với bảo tàng” do Sở GD-ĐT và Sở VH-TT phối hợp tổ chức. Chương trình thực hiện khá tốt do hai sở đã có kế hoạch chi tiết và triển khai cụ thể tới các đơn vị trực thuộc. Tiếc là không duy trì được công việc này.

Thông tư liên bộ về việc học về di sản văn hóa tại bảo tàng, theo tôi cần được sở VH-TT&DL triển khai và kiểm tra ngay trong cuộc họp giao ban hằng tháng với các bảo tàng, đồng thời cũng cần thống nhất phương thức thực hiện như có hay không bán vé, nếu bán thì giá vé thế nào, kể cả các dịch vụ khác nữa...

Nếu chưa có sự chỉ đạo từ sở VH-TT&DL thì các bảo tàng sẽ mỗi nơi một cách làm, vì thực tế bảo tàng là đơn vị sự nghiệp hành chính có thu, nguồn thu này bổ sung vào ngân sách hoạt động của bảo tàng.

Bà Đỗ Thị Bích Duyên (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Không phải là hoạt động thương mại

Hoạt động giáo dục tại bảo tàng không phải là hoạt động thương mại nên chủ trương miễn phí vé vào cổng, phí tham quan cho học sinh khi học tập tại bảo tàng rất đúng đắn.

Ở các nước tiên tiến, khi học sinh đến học tập tại bảo tàng còn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em hiểu rõ nhất, biết nhiều nhất về bảo tàng đó.

Ngoài việc miễn phí vé vào cổng, các bảo tàng còn cắt cử cán bộ, nhân viên hướng dẫn học sinh đi tham quan, giải đáp tất cả thắc mắc của các em, cung cấp tất cả những hình ảnh, tư liệu... cần thiết.

Tôi mong sao các bảo tàng ở ta cũng làm được như vậy. Ngoài ra, các bảo tàng cũng nên tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút khách tham quan nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng đến với bảo tàng như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tập thể.

H.Hg ghi

VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên