12/05/2015 08:48 GMT+7

Cần mạnh tay với 
nạn “phá xe”

NGUYỄN NGỌC DIỆN
NGUYỄN NGỌC DIỆN

TT - Những hành vi báo chí gọi là “phá xe”, không hề mới; nhưng có dấu hiệu tràn lan thời gian gần đây.

Phong dùng cây cạy ấn mạnh vào chân van ruột xe tạo ra vết rách, ép khách phải thay ruột (ảnh chụp chiều 1-4-2015 tại giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Đình Khánh

Nhận xe của khách để sửa chữa, rồi lại dùng thủ thuật tạo thêm hỏng hóc nhằm có điều kiện moi tiền khách, thậm chí có trường hợp xe còn bị tráo đồ thật, đổi đồ giả sau khi qua tay thợ sửa. Những hành vi này báo chí gọi là “phá xe”, không hề mới; nhưng có dấu hiệu tràn lan thời gian gần đây. Những điểm sửa xe gian lận được ghi nhận trong loạt phóng sự do báo Tuổi Trẻ thực hiện vừa qua chỉ là những ví dụ.

“Phá xe” theo kiểu đó không chỉ là hành vi hủy hoại tài sản của người khác mà còn có thể bao hàm hành vi trộm cắp. Vả lại, nếu do bị phá mà chiếc xe trở nên kém an toàn khi đi lại trên đường thì hành vi đó còn mang ý nghĩa của việc tạo ra bẫy rập có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người lái xe và những người xung quanh.

Cũng liên quan đến người đi xe máy, dư luận đã rất bức xúc trước nạn rải đinh trên đường. Nhưng việc rải đinh trên đường công cộng không chỉ có thể khiến xe cán đinh khi chạy qua, mà còn có thể làm người lái xe bị mất lái và gây tai nạn. “Đinh tặc” hiểu điều đó và vẫn cứ làm, bất chấp hậu quả.

Bởi vậy trong trường hợp bị phát hiện, việc rải đinh trên đường phải được xử lý như một trường hợp vi phạm pháp luật hình sự, đặc biệt trong trường hợp phạm tội có tổ chức. Đã có một số “đinh tặc” bị bắt. Nạn rải đinh bị đẩy lùi khi nhà chức trách mạnh tay xử lý. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy các cơ quan chức năng lơi lỏng, “đinh tặc” lại xuất hiện.

Hành vi “phá xe” được thực hiện có hệ thống và mang tính chất chuyên nghiệp cũng dẫn đến hậu quả tương tự, do đó cũng đáng bị xử lý bằng những biện pháp mạnh theo pháp luật hình sự. Sau khi báo chí phát hiện sự việc, cơ quan công an đã vào cuộc, tiến hành điều tra và đề xuất xử lý hành chính đối với những cơ sở, cá nhân có liên quan. Xử lý nhanh chóng vi phạm pháp luật là điều cần thiết.

Nhưng điều còn cần thiết hơn nữa là việc xử lý phải được thực hiện như thế nào để không chỉ có tác dụng trừng trị mà còn có thể răn đe: người vi phạm không dám tái phạm, người đang làm việc tương tự mà chưa bị phát hiện không dám tiếp tục làm. Với yêu cầu đó, việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với các vụ “phá xe” được báo chí phanh phui tỏ ra chưa tương xứng. Nếu không bị xử lý thật mạnh và triệt để, nạn “phá xe” hay như nạn rải đinh rồi cũng sẽ dây dưa.

Đối với những vụ việc như thế, các cơ quan chức năng hẳn không thiếu lực lượng đủ khả năng đảm đương. Ngoài lực lượng thực thi pháp luật, chính quyền địa phương cũng cần thể hiện vai trò tích cực trong việc xử lý các trường hợp vi phạm để bảo đảm cho người dân lương thiện có được cuộc sống an toàn.

NGUYỄN NGỌC DIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên