Khu đất bốn mặt tiền của Sabeco tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 10-7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Mua: giá cao ngất ngưởng
Kỳ họp 27 của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và truyền thông và các cá nhân liên quan về các vi phạm trong vụ việc nói trên.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận: thương vụ này đã gây thiệt hại vốn nhà nước khoảng 7.006 tỉ đồng. Người dân cả nước bàng hoàng với thông tin MobiFone đem gần 9.000 tỉ đồng mua lại AVG .
Ai trong chúng ta cũng hiểu bản chất thương vụ MobiFone mua AVG là doanh nghiệp nhà nước mua quyền kiểm soát gần như là tuyệt đối một doanh nghiệp tư nhân.
AVG có tổng tài sản hơn 3.000 tỉ đồng, số nợ phải trả hơn 1.200 tỉ đồng, liên tục lỗ lũy kế trong nhiều năm. Không hiểu vì sao MobiFone lại mua lại với tổng giá trị 8.900 tỉ đồng!
Việc mua bán này đáng ra phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Nhưng hồ sơ vụ này được "mật" hóa.
Ai cũng hiểu để thương vụ này diễn ra trót lọt sẽ phải có rất nhiều chữ ký, qua tầng tầng nấc nấc thủ tục.
Đã không có bộ ngành chức năng nào cảnh báo, ngăn cản thương vụ có một không hai này.
Bán: giá "rẻ bèo"
Chính sách cổ phần hóa đã tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp dần thoát ra khỏi "bầu sữa" ngân sách. Tuy nhiên, có những đơn vị được định giá bán ra với giá "rẻ bèo" so với giá trị khối tài sản công.
Gần đây là vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn và vụ "đất vàng" liên quan đến Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Khối tài sản của Cảng Quy Nhơn gồm hơn 20.000m2 nhà kho, 48.000m2 bãi chứa container, 300.000m2 đất tại nhiều nơi trong thành phố với 6 cầu tàu dài 824m, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn, 165 phương tiện, thiết bị trị giá hàng trăm tỉ đồng, có trụ sở làm việc 3 tầng kiên cố cũng có giá lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng.
Thế nhưng cảng này chỉ được định giá hơn 400 tỉ đồng, sau đó 86% cổ phần đơn vị này thuộc về Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành và công ty này đã trở thành "ông chủ" của Cảng Quy Nhơn.
Vụ mua bán này có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Hiện Thanh tra Chính phủ đang thanh tra để kết luận rõ đúng sai trong vụ việc này.
Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, Sabeco đã được giao đất và trực tiếp sử dụng khu đất 6.000m2 tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM. Nơi đây dự kiến xây tòa tháp đôi cao 36 và 48 tầng với khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp.
Tháng 6-2014, có thêm 3 nhà đầu tư mới tham gia dự án này. Tháng 2-2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco với Công ty cổ phần Attland, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh được chính thức ký kết. Sabeco nắm giữ 26% tổng số vốn điều lệ 567 tỉ đồng.
Một năm sau, Sabeco lập tức xin thoái vốn với lý do tuân theo chỉ đạo không đầu tư ngoài ngành. Tháng 6-2016, Sabeco bán hơn 14 triệu cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về 196,64 tỉ đồng.
Trong khi giới kinh doanh ước tính: giá đất ở đây không dưới 1 tỉ đồng/m2. Vậy với 6.000m2 "đất vàng" 4 mặt đường, Sabeco chỉ "thu về" giá chưa được 30 triệu đồng/m2. Vụ việc này vẫn đang gây ra "bão" dư luận.
Kết thúc những thương vụ "mua đắt, bán rẻ" như trên, còn lại là những con số khổng lồ ngân sách, tài sản công bị thất thoát. Người dân nhìn thấy được lợi đơn, lợi kép từ những nhà đầu tư, những người nắm giữ cổ phần.
Dư luận vẫn bức xúc sau nghi ngờ, đã có những phản kháng quyết liệt trước những dấu hiệu "ưu ái", uẩn khúc trong các hoạt động mua doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Và công khai, minh bạch là cần thiết, bởi đây là yếu tố cần thiết để tạo đồng thuận xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận