28/06/2011 09:11 GMT+7

Cần lắm những con tàu mạnh

ĐỖ THÁI BÌNH
ĐỖ THÁI BÌNH

TT - Bức ảnh trên Tuổi Trẻ ngày 12-6 có thể làm chúng ta xúc động. Ngoài những bạn trẻ yêu tha thiết biển đảo quê hương, tấm ảnh còn cho chúng ta thấy một nhân vật trong bộ ba chinh phục biển: con người - con tàu - biển đảo.

Đó là chiếc ghe bầu thân thương, giản dị phần thân dưới làm bằng tre bương - thứ cây có mặt ở mọi làng xã nước ta, phần trên bằng gỗ rừng đang giương những cánh buồm tiến ra khai phá Hoàng Sa.

Để chứng minh cuộc chinh phục biển của tiền nhân, có lẽ phải có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử hình thành, công nghệ chế tạo của những chiếc ghe bầu mà các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu Pháp như đô đốc Paris, nhà kiểm ngư Petri đã xác định đó là sản phẩm Việt “chỉ có ở nơi này, không có nơi nào khác trên thế giới”.

Thật không công bằng khi trong các bảo tàng của chúng ta thiếu vắng hình bóng những chiếc ghe bầu, những chiếc tàu không số làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển, những chiếc tàu phá lôi anh hùng... - những “nhân vật” đã sát cánh cùng con người chiến thắng biển cả.

Và cũng thật bất công khi nói tới kinh tế biển mà không nói tới những con tàu, phương tiện bắt buộc mà ta phải sử dụng để ra khơi đánh bắt hải sản, vận chuyển hàng hóa, khai thác dầu khí..., tức là phải nói tới công nghiệp đóng tàu của đất nước.

Quan niệm đóng tàu trong thời gian qua hình như chỉ gắn liền với khái niệm “gia công” như hệt cách đối xử với công nghệ dệt may, da giày, ôtô, điện tử với những chi phí tốn kém cho triền đà ụ khổng lồ, những dây chuyền phân đoạn phẳng cực kỳ đắt tiền để chờ đón các hợp đồng “khủng” cỡ vài trăm triệu đôla.

Sự chờ đợi đó có lẽ sẽ khó khăn, nhất là sau khi xảy ra sự kiện nợ nần Vinashin. Mà sự kiện này ngoài những lỗi quản lý kém có một nguyên nhân ít người bàn tới, đó là bản chất của công nghiệp đóng tàu không phải là một ngành công nghiệp để sinh lời, để đem lại ngoại tệ từ những giọt mồ hôi rẻ tiền mà là một ngành công nghiệp đem lại sức mạnh trên biển cho một quốc gia, có sự bảo trợ của Nhà nước.

Khi nói nền công nghiệp đóng tàu thế giới từ châu Âu đã chuyển sang Viễn Đông với Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc và cả Việt Nam (với ý định đứng thứ tư thế giới) không có nghĩa là các nước châu Âu chẳng còn làm gì cho tàu bè nước mình. Thụy Điển, Đức... - những nước có giá nhân công cực kỳ đắt - vẫn đứng đầu trong bảng các tàu quân sự, những con tàu đặc chủng, du thuyền...

Bởi vậy để tăng cường sức mạnh trên biển, để phát triển kinh tế biển, có những việc chúng ta cần làm ngay với công nghiệp đóng tàu. Đó là cần có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn về toàn cảnh công nghiệp đóng tàu nước ta hiện nay, từ đó rút ra những bài học cấp thiết trong việc tổ chức lại, đầu tư, đào tạo... để phát triển ngành này.

Trong khi các xưởng đóng tàu con manh mún thì thay vì hợp nhất, hợp tác, danh sách các xưởng đóng tàu của chúng ta ngày càng dài, khắp nơi có xưởng đóng tàu, nhiều ngành cùng lao vào đóng tàu như giao thông, thủy sản, dầu khí, quân sự trong khi đầu tư có hạn, nhân lực kém cỏi và dẫn tới hỗn loạn cạnh tranh lẫn nhau, xưởng đóng tàu quân sự lại lo đi đóng tàu kinh tế...

Đội ngũ nhân lực cho công nghiệp đóng tàu hiện nay cũng không đủ đảm đương cho nhiệm vụ tạo nên sức mạnh trên biển. 20 năm nay, số nhân lực bậc cao chủ yếu là đào tạo trong nước với những giáo trình cũ từ vài chục năm trước.

Công nghiệp đóng tàu là một công nghiệp tổng hợp, dựa trên một nền khoa học công nghệ hiện đại. Quá trình phát triển vừa qua cần được xem xét nghiêm túc để từ đó có những con tàu mạnh phục vụ chiến lược biển. Những căng thẳng trên biển Đông thúc giục chúng ta chấn chỉnh, xây dựng công nghiệp đóng tàu bài bản hơn, biết người biết ta hơn, đó là mệnh lệnh của biển mẹ.

ĐỖ THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên