29/06/2018 19:34 GMT+7

Căn hộ có án mạng, tin đồn ma ám là món hời ở Hong Kong

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Những căn hộ đã từng xảy ra án mạng hay có tin đồn ma ám khiến nhiều người rùng mình không dám ở lại là món hời với một số người như ông Ng Goon-lau.

Căn hộ có án mạng, tin đồn ma ám là món hời ở Hong Kong - Ảnh 1.

Ông Ng Goon-lau trước căn hộ đã từng xảy ra 2 vụ tử tự - Ảnh: REUTERS

Miệng vừa nói vừa chỉ tay vào một cửa sổ của một phòng ngủ tối om, ông Ng, 66 tuổi, người được mệnh danh là "Vua của các căn hộ ma ám ở Hong Kong", từ từ kể lại "lịch sử" của nó.

Cánh cửa sổ bé xíu và dễ bị đóng kín khiến người ở luôn có cảm giác bị ngộp vì dễ tích tụ CO2 và sẽ dọn đi ngay nếu được nghe về những chuyện đã xảy ra trước đó.

Một người đàn ông đã tự thiêu bằng than củi trong căn phòng bé xíu này. Một người khác, một nữ cảnh sát, đã treo cổ cũng trong chính căn phòng đó. Ở Hong Kong, người ta hay gọi những căn hộ như thế này là "hongza" - nơi các vụ án mạng nghiêm trọng hay tự tử đã từng xảy ra.

"Đó là lý do vì sao nó rẻ bèo", ông Ng kết luận. Sau hai vụ tự tử liên tiếp, căn hộ vỏn vẹn 30m2 được bán lại cho ông Ng với giá 1 triệu đô-la Hong Kong (khoảng 127.400 USD) năm 2010 - rẻ hơn 30% so với giá bình thường ở Hong Kong - một thị trường nổi tiếng thế giới vì bất động sản đắt đỏ.

8 năm sau, căn hộ của ông Ng có giá lên tới 4,4 triệu đôla Hong Kong. Đây chỉ là một trong số hơn hai chục căn mà ông ta đã mua và bán dần từ những năm 1990. Chính sách đánh thuế lên những người mua nhà từ căn thứ hai trở đi được áp dụng gần đây đã khiến ông Ng không mua được căn nào trong 6 năm trở lại đây. Nhưng việc đó với ông ta bây giờ không thật sự quan trọng.

Căn hộ có án mạng, tin đồn ma ám là món hời ở Hong Kong - Ảnh 2.

Dãy hàng lang dài, hẹp và lạnh lẽo dẫn tới căn phòng ma ám của ông Ng - Ảnh: REUTERS

Tranh nhau ở nhà ma ám

Giá nhà tăng vọt lên trời đang đặt những người như ông Ng trước cơ hội trở thành triệu phú chỉ sau một đêm. Ngày càng nhiều người bất chấp quá khứ rùng rợn sẵn sàng bỏ tiền ra mua những căn hongza.

Tất nhiên, với lịch sử không mấy tốt đẹp, người bán hongza phải chấp nhận giảm giá cho khách mua. Tuy nhiên, cơn khát nhà ở Hong Kong đã khiến giá giảm ngày càng ít đi, từ mức 30% năm 2013 xuống còn 10% trong năm nay.

"Thị trường như đang lên đồng, nhu cầu ngày càng nhiều. Mua một căn hộ không may mắn là cách thực tế nhất để có được một căn hộ ở Hong Kong, một cuộc cạnh tranh khốc liệt", ông Ng - người từng một thời ngang dọc với nghề bán vây cá mập, nói với hãng tin Reuters.

Theo báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái của cơ quan quản lý nhà ở Hong Kong, một nhân viên lành nghề sẽ phải làm việc cần mẫn tới 20 năm mới mua được một căn hộ 60m2 ở gần khu trung tâm.

Thời gian chờ đợi, xếp hàng để được mua nhà ở xã hội xây mới lên tới 5 năm đã đẩy nhiều người rẽ sang một hướng khác, chấp nhận những căn hộ kém may mắn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa họ sẽ tiếp tục thoát khỏi cảnh dài cổ. Tính tới tháng 9-2017, có tới 80.000 trường hợp nộp đơn xin vào ở 576 căn hongza.

Chết là hết

Người Trung Quốc luôn coi trọng yếu tố phong thủy trong nhà cửa bởi "an cư" thì mới "lạc nghiệp". Trong tâm linh, người ta luôn tin rằng linh hồn của những người đã chết tại các căn hongza sẽ tiếp tục ở lại đó và ám những người mới đến.

Tất cả những yếu tố đó đã bị gạt sang một bên khi người ta đứng giữa lựa chọn: hoặc có một căn hộ kém may mắn hoặc tiếp tục chật vật với kiếp ở thuê.

Cáccò nhà đất ở Hong Kong không bị bắt buộc phải tiết lộ với người mua rằng căn hộ đó có "sạch" hay không. Họ chỉ bị giới hạn về mặt đạo đức và các quy tắc đã cam kết với cơ quan quản lý địa ốc.

Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng và sự thay đổi quan niệm của những người trẻ đã kéo theo sự biến đổi ở nhiều lĩnh vực khác.

Theo Reuters, trước đây các ngân hàng ở Hong Kong, kể cả ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Hong Kong, đều rất ngại cung cấp các khoản vay với thế chấp là những căn hongza. Họ lo sợ trong trường hợp con nợ mất khả năng chi trả thì cũng khó thu hồi bởi chẳng ai thèm mua các căn hộ "ma ám" như thế.

Nhưng thời thế bây giờ đã khác. "Khi ngày càng nhiều người muốn mua các căn hộ ma ám như thế, các ngân hàng đã bắt đầu cảm thấy tự tin hơn", Ivy Wong - giám đốc điều hành một công ty cho vay tín chấp, nhận định.

Hồi năm ngoái, ngân hàng HSBC đã chấp nhận cho một người phụ nữ vay tiền với thế chấp là chính căn nhà cô sắp sở hữu. Lịch sử căn nhà ở Thuyền Loan, khu Tân Giới này hầu như ai cũng biết rõ: một người đàn ông đã tự thiêu và giết chết 6 người thân của ông ta năm 1996.

"Có gì phải sợ chứ. Ai rồi cũng phải chết, lẽ tự nhiên thôi", Jenny Yuen, người từng thuê một căn hongza của ông Ng khi mới chuyển từ đại lục sang Hong Kong, chia sẻ.

Ngôi nhà ma không ai dám mua ở Trung Quốc tìm được chủ mới Ngôi nhà ma không ai dám mua ở Trung Quốc tìm được chủ mới

TTO - Một ngôi là hiện trường một vụ án mạng phanh thây bằng rìu ghê rợn cách đây 7 năm được gọi là nhà ma ở miền đông Trung Quốc vừa có chủ nhân mới sau nhiều năm rao bán nhưng không ai dám mua.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên