15/11/2016 09:44 GMT+7

Cần giải pháp khoa học, hòa bình cho Biển Đông

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Các bên cần hợp tác, sử dụng giải pháp khoa học, hòa bình để bảo vệ Biển Đông trong bối cảnh môi trường vùng biển này ngày càng ô nhiễm hơn, tài nguyên cạn kiệt hơn... lại còn xảy ra nhiều vụ đụng độ nguy hiểm hơn trước.

*** Error ***
TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - trao đổi với hai nữ học giả quốc tế bên lề hội nghị - Ảnh: TRUNG TÂN

Các đề xuất trên được nêu ra trong hội thảo quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” diễn ra ngày 14 và 15-11 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, với sự góp mặt của gần 60 học giả quốc tế, 70 học giả Việt Nam và các đại biểu khác trong và ngoài nước.

Vẫn còn nhiều vụ đụng độ nguy hiểm

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - giám đốc Học viện Ngoại giao - nhận định trong năm qua vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ở gần khu vực quần đảo Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa của Việt Nam, chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn.

Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động. “Thông qua hội thảo này, chúng ta hi vọng có thể đưa ra những kiến nghị tích cực và xác đáng, giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì mục tiêu cải thiện môi trường an ninh, phát triển chung, nhất là các đề xuất nhằm xây dựng, củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hòa bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông” - PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.

TS Francois Xavier Bonnet - trợ lý nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (Bộ Ngoại giao Pháp) - cho rằng năng lượng và nguồn cá là hai cách nhìn nhận trên góc độ kinh tế mà giới học giả và truyền thông lý giải cho những tranh chấp ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Để “giảm nhiệt” những xung đột có thể xảy ra, theo TS Francois Xavier Bonnet, các bên cần trung tính hóa vùng biển này bằng việc đảm bảo các quyền tự do hàng hải và ký kết một hiệp ước phi hạt nhân hóa trên vùng biển này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và môi trường) - cho biết để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các học giả đã đưa ra các giải pháp xanh. Đầu tiên là phải thực hiện những dự án, nghiên cứu đã có như thực hiện giai đoạn 2 của dự án chống suy thoái môi trường Biển Đông do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ cách đây 10 năm. Hay như các sáng kiến về thiết lập một công viên hòa bình tại những nơi đang tranh chấp để bảo vệ môi trường biển, tuy nhiên việc này sẽ rất khó thực hiện nếu các bên không ngồi lại với nhau.

Năng lượng từ người trẻ

Bên cạnh chương trình chính, hội thảo lần này cũng tiếp tục tổ chức Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ (YLP) tập hợp tám nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh đến từ bảy quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về Biển Đông và thảo luận về các ý tưởng, sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông. TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) - cho biết việc các nhà khoa học trẻ nghiên cứu về Biển Đông mới là bước khởi đầu “nhưng hứa hẹn có những ý tưởng mới cho việc duy trì hòa bình ở Biển Đông”.

Theo thạc sĩ luật quốc tế Phạm Ngọc Minh Trang - nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu quốc tế (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), một trong tám thành viên nhóm lãnh đạo trẻ Biển Đông, từ năm 2015, hội thảo thường niên đã có sáng kiến thành lập nhóm lãnh đạo trẻ Biển Đông với mong muốn có những đóng góp mới về giải pháp, giải quyết xung đột Biển Đông. Ý tưởng đưa ra là những người trẻ được đi, va chạm nhiều và có điều kiện nghiên cứu, đi hội thảo ở nhiều nước nên sức lan tỏa những thông tin về Biển Đông sẽ rộng hơn.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang cũng cho biết nhóm lãnh đạo trẻ Biển Đông sẽ tổ chức những cuộc gặp mặt những nhà nghiên cứu trẻ trên khắp thế giới để trao đổi thông tin, nghiên cứu, qua đó xây dựng những vấn đề lớn hơn, mở rộng sự hiểu biết, quan tâm của cả thế giới về Biển Đông chứ không phải chỉ các quốc gia liên quan.

Nghiên cứu khoa học để bảo vệ lợi ích chung

Một trong những đóng góp mới trong hội thảo này là các nghiên cứu về khoa học biển, cải thiện môi trường Biển Đông để bảo vệ lợi ích chung của tất cả các quốc gia. TS Garand Sasges - Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore - cho biết khoa học biển phản ánh sự hiểu biết sâu sắc hơn về các hệ sinh thái phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và tác động đối với môi trường toàn cầu. “Đồng thời khoa học biển cũng được phản ánh thông qua các sáng kiến đa phương như Dự án Biển Đông UNEP/GEF và Chương trình khảo sát nghiên cứu khoa học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS)” - TS Garand Sasges nói.

“Cần có một ủy ban khu vực về môi trường để giám sát các thông tin về khai thác tự nhiên của các quốc gia. Cũng cần có một thể chế để thực hiện những giải pháp bảo vệ môi trường Biển Đông và cần có các tổ chức quốc tế giám sát việc thực hiện này

 

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên