20/11/2014 16:07 GMT+7

Căn cứ nào để mặc định được tín nhiệm?

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nếu cứ giữ ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” thì đã mặc định tất cả các chức danh đều được tín nhiệm.

Phát biểu trước Quốc hội chiều 20-11 về việc sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Lê Thị Nga cho rằng nếu cứ giữ ba mức độ tín nhiệm như trên là bất hợp lý.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Hạn chế quyền của đại biểu  

Dự thảo vẫn giữ nguyên ba mức: "tín nhiệm cao", " tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". Quy định này chưa phù hợp bởi các lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của lấy phiếu là “thăm dò mức độ tín nhiệm", cho nên phải nhằm trả lời câu hỏi: Chức danh cụ thể đó có được Quốc hội tín nhiệm không? Nếu được tín nhiệm thì ở mức độ nào? 

Quy định ba mức như trên đã dẫn đến việc chưa cần tiến hành lấy phiếu thì chúng ta đã mặc định trước kết quả: tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp mà thôi.

Cử tri đặt câu hỏi: Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội ấn định là tất cả những người đứng đầu đều được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?

Thứ hai, việc không quy định mức “không tín nhiệm” vô hình trung chúng ta đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó và qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri vì lá phiếu đánh giá của đại biểu Quốc hội là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri.

Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ.

Thứ ba, căn cứ cơ bản nhất của đánh giá tín nhiệm là "kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn". Việc không quy định mức "không tín nhiệm" là chưa đồng bộ với Điều 29 Luật cán bộ, công chức, theo đó trong bốn mức đánh giá cán bộ thì có một mức là "không hoàn thành nhiệm vụ".

Thứ tư, xem xét toàn bộ quy trình lấy phiếu, chúng tôi thấy đã có những giới hạn khá thận trọng, ít có khả năng xảy ra hệ quả xấu đối với người được lấy phiếu (như các quy định về trên 2/3 số phiếu thấp hoặc hai năm liên tiếp quá nửa số phiếu thấp và qua nhiều thủ tục xem xét của cơ quan có thẩm quyền...). 

Chúng tôi đề nghị sửa theo hướng giữ nguyên các giới hạn thận trọng như hiện hành và quy định hai mức là: "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Trong ô tín nhiệm chia nhỏ thành hai mức: "tín nhiệm" và "tín nhiệm cao".

Không công bằng với người được lấy phiếu

Thực tiễn chúng ta lấy phiếu: Lần một vào tháng 6-2013 (sau 22 tháng kể từ khi bầu, phê chuẩn), lần 2 vào tháng 11-2014 (sau 17 tháng kể từ lần lấy phiếu trước). Với thời hạn, thời điểm như vậy, theo tôi đã đủ điều kiện cho cử tri, đại biểu đánh giá về kết quả hoạt động của các chức danh này.

Cử tri đánh giá kết quả hai lần lấy phiếu đã phản ánh khá khách quan, sát với tình hình kết quả điều hành trên các lĩnh vực và kết quả lấy phiếu vừa xong còn thể hiện Quốc hội thực sự đã ghi nhận khá công tâm sự chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành của một số chức danh.

Dự thảo quy định lấy phiếu vào kỳ họp cuối của năm thứ 3 là chưa hợp lý vì cuối năm thứ 3 (tức sau gần 30 tháng kể từ khi được bầu hoặc phê chuẩn) là quá muộn, làm giảm hiệu quả của giám sát.

Chỉ lấy phiếu một lần duy nhất trong nhiệm kỳ là chưa hợp lý bởi các lý do sau:

Thứ nhất, không đảm bảo mục đích lớn nhất của lấy phiếu tín nhiệm là nâng cao hiệu quả giám sát. Trong điều kiện tổ chức bộ máy của chúng ta hiện nay thì giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, công bố trước toàn dân đang được cử tri đánh giá là hình thức giám sát có hiệu quả nhất, có tác động tích cực đến hiệu quả quản lý điều hành và đến đời sống nhân dân.

Thực tiễn hoạt động Quốc hội nhiều khóa cho thấy kiểm tra lại kết quả giám sát lần trước, “tái giám sát”, “tái chất vấn” là phương pháp hiệu quả nhất để duy trì và nâng cao hiệu quả giám sát. Lấy phiếu tín nhiệm cũng không nằm ngoài thực tiễn đã được kiểm chứng này.  

Thứ hai, lấy phiếu một lần duy nhất không đảm bảo đúng mục đích là: "giúp người được lấy hiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động".  

Nếu kết quả lấy phiếu lần đầu cho kết quả: mức độ tín nhiệm của Quốc hội đối với một chức danh không cao, sau đó vị này đã nỗ lực hành động và đã nâng cao được chất lượng hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Vậy tại sao chúng ta lại tự tước đi quyền ghi nhận của chính Quốc hội và quyền được ghi nhận của chức danh đó về những kết quả của sự nỗ lực khắc phục hạn chế sau lần đánh giá đầu tiên của Quốc hội?

Nếu chỉ lấy một lần duy nhất rồi dừng lại thì họ mãi mãi bị mang tiếng là phiếu tín nhiệm thấp. Quốc hội đánh giá tín nhiệm thực chất là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đã tốt hay còn hạn chế để người đứng đầu phấn đấu, rèn luyện, sửa chữa. Nhưng rèn luyện, sửa chữa rồi mà lại không cho cơ hội để được ghi nhận thì: vừa không đạt mục đích của lấy phiếu, vừa không công bằng và chưa thể hiện được tính nhân văn của chúng ta trong xây dựng chính sách (phân tích kết quả phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải và nhất là của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sau hai lần lấy phiếu đã minh chứng rất thuyết phục cho việc cần thiết phải có hai lần lấy phiếu trong một khóa). 

Chúng tôi đề nghị cần quy định lấy phiếu hai lần vào kỳ họp thứ năm (tức kỳ họp đầu của năm thứ ba) và lần hai vào kỳ họp thứ tám (tức kỳ họp cuối của năm thứ tư) của nhiệm kỳ Quốc hội.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên