07/11/2014 07:04 GMT+7

​Cần công khai cách tính khi tất toán sổ

N.BÌNH
N.BÌNH

TT - Sau khi câu chuyện “Tiền tiết kiệm “bốc hơi” sau 30 năm” (Tuổi Trẻ ngày 6-11), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc cho biết bản thân mình hoặc người nhà cũng đang giữ những cuốn sổ tiết kiệm có thời điểm gửi tiền như bà Lê Thị Bích Thủy.

Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy - Ảnh: T.T.D.

Bạn đọc Nguyễn Thắng Lợi băn khoăn: “Tôi còn một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 đồng (hơn một tháng lương của tôi thời điểm đó), gửi sau đổi tiền năm 1985 do cơ quan vận động gửi để xây dựng đất nước. Đến nay không biết sẽ được ngân hàng tính ra sao?”.

Tương tự, bạn đọc Mỹ Linh cũng cho biết: “Nhà tôi cũng có vài cuốn như vậy, cũng đã đến Kho bạc Nhà nước, rồi Ngân hàng Công thương VN và cả Ngân hàng Nhà nước nữa, nhưng không cơ quan nào chịu đứng ra chi trả”.

Ngày 6-11, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết sẵn sàng tiếp nhận thư trình bày của bà Lê Thị Bích Thủy để xem xét và hướng dẫn giải quyết.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, NH Công thương là một trong những đầu mối chịu trách nhiệm chi trả những khoản tiết kiệm trong thời gian trước những năm 1990.

“Tôi không rõ việc chi trả được diễn ra như thế nào nhưng chắc chắn ngày trước không có thu phí quản lý hay loại phí gì, nó chỉ mới có trong những năm gần đây” - vị này cho biết.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vào thời điểm bà Thủy gửi tiền chưa có ngân hàng thương mại nào, chỉ có Ngân hàng Nhà nước nên cần xác định được đầu mối chi trả.

Ngân hàng tiếp nhận hồ sơ phải công khai cách tính toán cụ thể như tỉ giá đổi tiền thế nào, lãi suất từng thời điểm ra sao... để người gửi tiền được rõ. 

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên