Ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - phát biểu về những công trình đã ngầm hóa lưới điện vừa an toàn vừa tạo vẻ mỹ quan tại buổi tọa đàm sáng 31-10 - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Ngoài áp dụng kỹ thuật mới, đại diện các sở ngành, chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp để công tác ngầm hóa được đồng bộ, mỹ quan, hiệu quả hơn.
Cần chế tài các đơn vị cù cưa
Nói về công tác ngầm hóa lưới điện tại TP.HCM, ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) - cho biết: "Ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức phải phối hợp với các đơn vị viễn thông cùng thực hiện ngầm hóa nhằm tránh tình trạng đào đường nhiều lần.
Ban đầu, chúng tôi hợp tác với Viettel thực hiện công trình ngầm hóa và qua đó chứng minh rằng các đơn vị viễn thông hoàn toàn có thể làm chủ các công trình ngầm hóa".
Từ kết quả trên, việc đầu tư ngầm hóa lưới điện cáp viễn thông được xã hội hóa với nhiều đơn vị tham gia như Viễn thông TP (VNPT), Công ty truyền hình cáp SCTV, Công ty cổ phần viễn thông FPT...
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo ông Bảo, công tác này cũng còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Đó là tình trạng nhiều đơn vị cáp viễn thông cù cưa thực hiện kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt.
Ông Bảo cho biết: "Khi làm xong công trình ngầm hóa, chúng tôi mời các đơn vị viễn thông đưa cáp xuống thì có đơn vị trì hoãn hoặc không thực hiện. Điều này khiến ngành điện phải kéo dài thời gian thu hồi trụ điện. Do đó, sắp tới cần có hình thức chế tài các trường hợp này".
Cần có quy hoạch không gian ngầm
Về phần các nhà mạng, ông Đỗ Hoài Phong - phó giám đốc VNPT TP - cho biết cũng gặp những khó khăn, bởi trong hơn 200 công trình ngầm hóa có tới 32% công trình do VNPT làm chủ đầu tư.
"Khi gửi kế hoạch cho các đơn vị thì có đơn vị không quan tâm, nhưng khi làm công trình ngầm hóa xong họ lại đề nghị được dùng chung hệ thống ngầm. Do hiện nay có đến 26 nhà mạng, nên có lúc công trình ngầm hóa không đáp ứng nổi vì số lượng phát sinh nhiều" - ông Phong cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông - đặt vấn đề về quy hoạch không gian ngầm bởi hiện trên địa bàn TP vẫn chưa có quy hoạch này.
Do đó, không loại trừ khả năng sau khi có quy hoạch "đụng" phải các công trình ngầm hóa điện, cáp viễn thông buộc các công trình này phải di dời.
Ông Cường cũng ủng hộ cần có hành lang cho hạ tầng ngầm và lâu dài Nhà nước phải quản lý các công trình hạ tầng ngầm này.
Đề cập về quy hoạch không gian ngầm, ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch - kiến trúc, cho rằng quy hoạch này không chỉ giúp quá trình thực hiện các công trình ngầm hóa lưới điện dây thông tin, mà nhiều công trình hạ tầng ngầm khác triển khai bài bản theo quy chuẩn.
Tuy nhiên, do hiện nay sở đang trong quá trình thu thập các dữ liệu về công trình ngầm phục vụ công tác lập quy hoạch nên chưa thể khẳng định khi nào mới có được quy hoạch không gian ngầm.
Nên dùng chung cáp viễn thông
Bên cạnh đó, để tránh sự lãng phí nguồn lực xã hội, ông Cường đề nghị cần tiến tới sử dụng cáp chung.
Khi đó có thể một đơn vị đầu tư cáp viễn thông và cho các đơn vị thuê lại cáp này sử dụng, không cần phải mỗi đơn vị kéo một loại cáp riêng.
Ông Lê Phương Bình - phó phòng quản lý năng lượng Sở Công thương - đồng tình và cho rằng cần sớm thúc đẩy quá trình này để các công trình ngầm hóa tinh gọn và hiệu quả hơn.
Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết hiện đang áp dụng cấp phép đào đường qua mạng nên giảm thủ tục thời gian một nửa so với trước, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp xin giấy phép một lần, tránh đào đường nhiều lần.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị các chủ đầu tư ngầm hóa cần giám sát chặt chẽ công tác đào và tái lập mặt đường.
Các cột mốc về ngầm hóa lưới điện ở TP.HCM
Công nhân thi công chôn ống ngầm cáp điện trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM tối 30-10-2018 - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
* Bắt đầu từ năm 1998, đến nay TP đã ngầm hóa được trên 500km trung thế và gần 900km hạ thế
* Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ ngầm hóa thêm khoảng 650km lưới trung thế và 1.150km lưới điện hạ thế.
* Theo kế hoạch, đến năm 2020 ngầm hóa toàn TP đạt tỉ lệ 35% lưới điện trung thế, riêng vùng lõi quận 1, quận 3 phải đạt 95-100%.
Tủ điện phân phối nhỏ gọn hơn
Theo ông Phạm Quốc Bảo, EVN HCMC đang áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để thiết kế tủ phân phối điện theo hướng nhỏ gọn hơn. Theo đó, thu gọn kích thước tủ còn 40 x 60cm. Các tủ này bố trí các thảm cỏ, tiểu đảo và vị trí giáp ranh hai nhà nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân. Ngoài ra, sẽ áp dụng kỹ thuật đào đường bằng robot để không ảnh hưởng đến giao thông...
"Khi ngầm hóa lưới điện bắt buộc phải có tủ phân phối này để đưa điện vào nhà các hộ dân. Vì vậy mong người dân đồng thuận, chia sẻ với ngành điện để công tác ngầm hóa lưới điện làm đẹp mỹ quan đô thị đạt hiệu quả tối đa" - ông Bảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận