Công nhân thi công ngầm hóa lưới điện trong đêm tại đường Lê Quang Sung (Q.6, TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN
Thời gian qua, tại những khu vực chưa ngầm hóa lưới điện đã xảy ra nhiều sự cố: cây xanh ngã vào đường điện, nhà dân cơi nới vi phạm hành lang an toàn lưới điện, chạm chập gây cháy hệ thống điện - cáp...
Trụ điện bốc cháy trong mưa
Trong cơn mưa lớn chiều 9-5, đường dây điện tại khu vực hẻm 206, P.Long Phước (Q.9) bị chạm chập phát nổ rồi bốc cháy khiến người dân tá hỏa.
Anh Phan Văn Minh, người dân trong khu vực, cho biết ban đầu nghe tiếng nổ lớn, anh chạy ra xem thì tia điện bắn sáng như pháo bông, sau đó lửa xuất hiện trên đường dây điện. Người dân lo sợ lửa bén vào nhà nên mang bình chữa cháy ra dập lửa rồi gọi báo cho công ty điện lực.
"Người dân dập được lửa xong thì sáng hôm sau, tại trụ điện này lại xảy ra cháy nổ. Sau đó, công ty điện lực đã đến khắc phục. Chúng tôi bị một phen hú vía vì sự cố này" - anh Minh nói.
Một sự cố khác cũng khiến nhiều người "đứng tim" là trong cơn mưa chiều 14-5, bình điện phát nổ trước cửa hàng hóa chất trên đường Mã Lò, P.Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân). Các nhân viên điện lực đã kịp thời đến sửa chữa để ngăn gây ra cháy lớn.
Trong hệ thống lưới điện nổi, trụ điện nghiêng, ngã cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Chiều tối 11-4, người dân đang buôn bán và đi lại tại khu vực đường Đình Phong Phú, đoạn trước chợ Tăng Nhơn Phú B (Q.9) bỏ chạy tán loạn khi một trụ điện ở bên đường bất ngờ đổ ập vào nhà dân.
Sự cố này khiến một tiệm sửa xe bị sập mái. Dây điện, cáp viễn thông bị đứt thòng xuống thấp khiến người dân không dám đi lại vì sợ bị giật.
Sự cố khác là xe tải kéo gãy trụ điện vào ngày 6-5, khiến khu vực P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức) bị mất điện. Dây điện, dây cáp sà xuống đường cản trở giao thông và nguy hiểm cho người đi đường.
Cơ bản ngầm hóa lưới điện xong vào năm 2020
Theo ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tổng công ty đang triển khai thực hiện các công trình ngầm hóa giai đoạn 2018-2020 với tổng khối lượng khoảng 400km lưới trung thế và 782km lưới hạ thế.
Việc ngầm hóa lưới điện thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: ngầm hóa trước các tuyến đường chính, các tuyến đường khu vực trung tâm, tuyến đường liên quận và các tuyến giao thông huyết mạch của TP.
Tính tới thời điểm cuối năm 2017, ngành điện TP đã thực hiện ngầm hóa khoảng 2.784km đường dây trung thế và 1.817km đường dây hạ thế.
"Trước một số sự cố về điện gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện và an toàn cho người dân, ngành điện đang đẩy nhanh công tác ngầm hóa. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đảm bảo ngầm hóa 100% lưới điện trung thế và khoảng 40% lưới điện hạ thế tại các quận trung tâm.
Còn toàn TP sẽ đạt tỉ lệ ngầm hóa khoảng 40% lưới điện trung thế, 20% lưới điện hạ thế" - ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, sau khi ngầm hóa lưới điện xong, hệ thống trụ điện của lưới nổi trung thế trước đây sẽ được thay thế bằng các tủ phân phối điện hạ thế. Mỗi tủ phân phối điện cung cấp tối đa cho 8 hộ gia đình.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại việc thi công ngầm hóa lưới điện được thực hiện vào thời gian từ 23h đến 5h sáng hôm sau. Việc ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông để tránh tình trạng đào đường nhiều lần.
Anh Nguyễn Đông Nguyên, phụ trách việc thi công ngầm hóa lưới điện tại các quận 6, Tân Phú, Tân Bình (thuộc Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM), cho biết việc thi công còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những lý do là nhiều khu vực người dân buôn bán quán nhậu ở vỉa hè tới 2h-3h sáng và không chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
"Nhiều người dân phản đối việc thi công gây ồn ào, nên nhiều hôm chúng tôi phải đàm phán để xin được đào đường trước nhà họ tới tận khuya, trong khi đến 5h sáng chúng tôi phải hoàn thành tái lập mặt đường" - anh Nguyên than thở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận