15/01/2018 22:54 GMT+7

Cần chính sách mạnh để phát triển nguồn nhân lực

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TTO - "Nguồn nhân lực hiện nay và trong tương lai cần tập trung phục vụ chuỗi ngành hàng gồm: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến, công nghệ thông tin, xây dựng thương hiệu..."

Cần chính sách mạnh để phát triển nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Ảnh: Chí Quốc

Ông LÊ MINH HOAN, Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhận định như trên về vấn đề nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Hoan cho biết:

Nguồn nhân lực quyết định sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là phục vụ phát triển các tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp đặc thù.

* Lâu nay ĐBSCL bị đánh giá là "vùng trũng" về nguồn nhân lực lẫn chất lượng nguồn nhân lực. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Theo tôi, nguyên nhân ĐBSCL bị xem là "vùng trũng" về nguồn nhân lực chủ yếu là quy hoạch phát triển ĐBSCL chưa rõ.

Một lý do khác có lẽ là người ĐBSCL chúng ta còn tự bằng lòng với điều kiện thiên nhiên ưu đãi hơn so với các vùng miền khác nên chưa có động lực vươn lên mạnh mẽ.

Để thoát khỏi "lời nguyền", chúng ta phải có tầm nhìn về nhu cầu nhân lực đủ rõ phù hợp xu thế của cuộc cách mạng 4.0. Các trường đại học, cao đẳng trong khu vực ĐBSCL cần ngồi lại để có sự liên kết đào tạo, thay đổi theo xu thế của giáo dục 4.0.

Tôi cho rằng người ĐBSCL phải xác định tri thức là cứu cánh để chúng ta không tiếp tục bị tụt hậu, để khơi mở những tiềm năng còn ẩn khuất của vùng đất chín rồng.

* Trong bối cảnh thế mạnh nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, ĐBSCL đang cần nguồn nhân lực ở lĩnh vực nào nhất?

- ĐBSCL từ trước đến nay chủ yếu vẫn bám víu vào "tư duy sản xuất nông nghiệp", lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu. Đến Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi  khí hậu (do Chính phủ tổ chức vào cuối tháng 9 -2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải chuyển sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", lấy giá trị gia tăng theo chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu tăng trưởng. Mà chuỗi ngành hàng thì bắt đầu từ giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến cho đến đóng gói bao bì, thương mại điện tử...

Vì vậy, theo tôi nguồn nhân lực hiện nay và trong tương lai cần tập trung phục vụ chuỗi ngành hàng đó, gồm: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến, công nghệ thông tin, xây dựng thương hiệu...

Cần chính sách mạnh để phát triển nguồn nhân lực - Ảnh 2.

Các học viên học tiếng Nhật tại một trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Bến Tre chờ cơ hội đi xuất khẩu lao động ở Nhật - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

* Thời gian qua Đồng Tháp được xem là điểm sáng trong thu hút nhiều dự án đầu tư và thu hút nguồn nhân lực, ông có thể chia sẻ câu chuyện cụ thể về việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh nhà?

- Chúng tôi luôn đồng hành với nhà đầu tư trong đào tạo nguồn nhân lực, lấy nhu cầu của doanh nghiệp để định hướng đào tạo phù hợp.

Chúng tôi đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài, xem đó chính là nguồn nhân lực cho tương lai khi các em trở về đã tiếp thu phong cách lao động, tư duy sản xuất của các nước tiên tiến. Trong 3 năm qua, Đồng Tháp liên tục đứng đầu ĐBSCL về số lượng lao động đưa đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Sắp tới, chúng tôi mời các doanh nghiệp đến tư vấn cho các trường đào tạo định hướng đào tạo, mời các doanh nghiệp tham gia vào các hội đồng trường, khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động ở các cấp độ.

Cần chính sách mạnh để phát triển nguồn nhân lực - Ảnh 3.

Đồ họa: Quang Minh

* Ở nhiều nơi việc sử dụng nguồn nhân lực chưa hợp lý, đặc biệt là nhân lực trẻ. Làm sao để phát huy được nguồn nhân lực trẻ hiệu quả, thưa ông?

- Ở tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh luôn tự tin trao niềm tin cho thế hệ trẻ. Chúng tôi kết nối những bạn trẻ với nhau, từ các bạn đi học, đi lao động nước ngoài trở về thành những nhóm khởi nghiệp. Sự kết nối này mang lại hiệu quả cao.

Nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp nổi trội khởi nguồn từ chính các nhóm này. Điển hình như: hai dự án khởi nghiệp từ sen của bạn Ngô Chí Công (hoa sen ướp, đồ mỹ nghệ từ sen), bạn Đoàn Ngọc Minh Thùy (tinh dầu chiết xuất từ sen, tràm, quýt), bạn Trần Thanh Tiền (trồng dưa lưới công nghệ cao)…

Đặc biệt, chúng tôi cũng khuyến khích và tạo điều kiện để các bạn từng học ở nước ngoài theo Chương trình Mekong làm việc bán thời gian cho các doanh nghiệp để vừa không lãng phí tri thức, vừa giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực.

Cần chính sách mạnh để phát triển nguồn nhân lực - Ảnh 4.

ĐBSCL cần có tầm nhìn về nhu cầu nhân lực phù hợp xu thế của cuộc cách mạng 4.0.

* Theo ông, giải pháp nào cho vấn đề nguồn nhân lực của ĐBSCL nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà nhiều tỉnh, thành đang ra sức thúc đẩy?

- Tôi có dịp thăm Trường Đại học Nông nghiệp Hàn Quốc. Họ có hẳn một chính sách hỗ trợ sinh viên học các chuyên ngành về nông học và điều kiện là phải phục vụ trong các nông trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trong vòng 5 năm.

Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta cần có những chính sách đủ mạnh như vậy để hướng đến một nền nông nghiệp 4.0 cho khu vực ĐBSCL.

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên