27/11/2015 07:54 GMT+7

Cần chế tài các hành vi cản trở báo chí

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)

TT - Theo các đại biểu Quốc hội, có tình trạng hoạt động báo chí hoàn toàn hợp pháp nhưng bị cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang: “Tôi đề nghị giải thích khái niệm tự do báo chí trong dự thảo luật, tạo cơ sở thống nhất cho việc thực thi quyền cơ bản này của công dân” - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang: “Tôi đề nghị giải thích khái niệm tự do báo chí trong dự thảo luật, tạo cơ sở thống nhất cho việc thực thi quyền cơ bản này của công dân” - Ảnh: Việt Dũng

Ngày 26-11, thảo luận dự án Luật báo chí (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc trước tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động báo chí, cản trở tác nghiệp của nhà báo đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cơ quan báo chí và người làm báo.

“Vấn đề vi phạm bản quyền báo chí hiện nay là phổ biến và nhức nhối, nhưng dự thảo luật lại đề cập mờ nhạt” - đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận xét.

“Người làm thật ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật”

Đại biểu Thường phân tích: “Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1.600 trang tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần số cơ quan báo chí điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng người làm thật thì ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật”.

Ông Thường cho rằng “dự thảo luật cần tính đến việc xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp và nhóm chúng về loại hình website đơn thuần, chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí.

Chỉ làm như vậy chúng ta mới tạo ra môi trường lành mạnh để báo chí phát triển bình đẳng, để những cơ quan báo chí chân chính yên tâm đầu tư phát triển”.

Đồng tình, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định “vấn đề quyền tác giả trong báo chí là vấn đề rất quan trọng, có tác dụng đánh giá, động viên, khuyến khích những người làm báo, từ đó phát huy được tài năng và sự cống hiến của các nhà báo”.

Tuy nhiên, trước thực trạng đáng buồn như trên, nhiều cơ quan báo chí chân chính đã bị tước đoạt thành quả lao động, mất dần bạn đọc. Ông Vinh đề nghị “bổ sung các quy định chi tiết và chặt chẽ về báo điện tử, về bảo vệ quyền tác giả”.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cho rằng quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí bị vi phạm nhiều, khó kiểm soát.

Tình trạng sao chép bài, tin, ảnh không xin phép, không trả thù lao, trích dẫn nguồn chưa đúng quy định diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho tác giả và phản cảm cho người đọc.

Ông Thành đề nghị cần có những quy định cụ thể, chi tiết về nội dung này nhằm tạo cơ sở pháp lý một cách đầy đủ cho việc bảo vệ quyền tác giả.

Việc thực hiện tốt nguyên tắc tác giả trong hoạt động báo chí sẽ làm tăng chất lượng nội dung báo chí cũng như góp phần thúc đẩy sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí.

Thế nào là tự do báo chí?

“Tôi thấy hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tự do báo chí tùy theo cách tiếp cận. Vì vậy, tôi đề nghị giải thích khái niệm tự do báo chí trong dự thảo luật, tạo cơ sở thống nhất cho việc thực thi quyền cơ bản này của công dân” - đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) lên tiếng.

Bà Trang nhấn mạnh rằng “ở nước ta báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông thiết yếu mà còn là công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.

Trong bối cảnh trên thì quyền tự do báo chí đảm bảo những điều kiện và cơ chế cần thiết để các cơ quan báo chí hoạt động một cách tốt nhất trong khuôn khổ của luật pháp”.

Bà Trang đề nghị “cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ để các cơ quan báo chí có thể thông tin kịp thời tình hình đất nước đến công chúng, không để lại những khoảng trống thông tin cho những suy nghĩ, những đồn đoán đến từ những nguồn thông tin không chính thống”.

Bà Trang cho rằng thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin về các cơ quan, tổ chức.

Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định luật pháp về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí.

Trong khi đó, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) phát hiện một nội dung trong dự thảo luật có thể gây khó khăn, cản trở hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

“Tôi băn khoăn về quy định đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí trung ương hoạt động tại địa phương dưới sự quản lý của UBND. Quy định này có vẻ như tạo thêm nấc thang quản lý nữa đối với một cơ quan báo chí.

Để địa phương quản lý thì khó khăn cho báo chí, vì nếu đưa những thông tin trái chiều về địa phương đó thì dễ bị địa phương tuýt còi, báo chí khó có được tự do để hoạt động” - ông Huệ phân tích.

Cản trở tác nghiệp phải bị chế tài

Nhiều đại biểu nhận xét dự thảo luật lần này nặng về quy định các chế tài xử lý sai phạm đối với hoạt động của báo chí nhưng lại thiếu quy định chế tài các hành vi cản trở báo chí hoạt động hợp pháp.

“Đề nghị cần bổ sung nội dung tổ chức, cá nhân cản trở các hoạt động báo chí hợp pháp, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - đại biểu Thùy Trang đề nghị.

Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng dự luật “chưa đề cập tới tình huống hoạt động báo chí hoàn toàn hợp pháp nhưng bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cản trở, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp, trong khi trên thực tế tình trạng này xảy ra không ít”.

Liên quan đến trách nhiệm của Hội Nhà báo VN, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận (Bà Rịa - Vũng Tàu, tức nhà báo Thuận Hữu, chủ tịch Hội Nhà báo VN, tổng biên tập báo Nhân Dân) nhận thấy dự luật giao cho hội “khá nhiều nhiệm vụ, nhưng quyền để hoàn thành nhiệm vụ lại không có.

Ví dụ hội đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên nhưng không biết bảo vệ bằng cách nào, chỉ có bằng gửi văn bản cho các cơ quan, mà các cơ quan tích cực trả lời thì tốt, không trả lời cũng thua”.

Ông Thuận Hữu cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ quy định: khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đăng, phát, nếu sai sự thật phải đính chính, cải chính.

“Cơ quan có thẩm quyền ở đây là cơ quan nào, cơ quan chỉ đạo hay cơ quan quản lý, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hay thanh tra, hội nhà báo? Chỗ này phải rõ, nếu không thì cơ quan nào cũng có quyền ra văn bản để bắt nhà báo phải cải chính thì không đúng”.

Hôm nay (27-11), Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 10.

Cần đảm bảo quyền lập hội, tham gia hội

Chiều 26-11, thảo luận dự án Luật về hội, nhiều đại biểu đề nghị luật này cần đưa ra các quy định để đảm bảo quyền lập hội của người dân, bởi đây là một trong những quyền cơ bản đã được hiến định.

Các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị cho phép người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại VN được tham gia hội, lập hội trong những trường hợp cần thiết.

Ông Tính cho biết có những cộng đồng như người Hàn Quốc, Nhật Bản hiện có đến hàng trăm ngàn người sống và làm việc tại VN, có nhu cầu tham gia các hội ở VN hoặc thành lập hội để chia sẻ tình cảm, giúp đỡ lẫn nhau, thiện nguyện... thì đó là những nhu cầu chính đáng.

Đại biểu đề nghị cho phép người nước ngoài tham gia hội, lập hội phi chính trị.

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên