18/09/2015 09:16 GMT+7

Chưa thấy quyền tự do báo chí công dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tại cuộc thảo luận ngày 17-9, khi Bộ Thông tin và truyền thông trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý - Ảnh: Việt Dũng

Chúng ta dường như chỉ đang đề cập đến báo chí và nhà báo thôi, chứ không thấy đề cập quyền tự do báo chí của công dân

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật PHAN TRUNG LÝ

Trình bày quan điểm của thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi khẳng định: “Luật báo chí sau 16 năm thi hành bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân.

Nhiều quy định trong Luật báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới”.

“Phức tạp, nhạy cảm”

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son nói: “Có thể nói rằng đây là một luật phức tạp, nhạy cảm. Ngay đến việc chúng tôi đang xây dựng cái quy hoạch báo chí đã thấy phức tạp rồi.

Đây là quy hoạch do Chính phủ phê duyệt nhưng cũng phải thông qua Bộ Chính trị, trình trung ương cho ý kiến hai lần rồi, nhưng đến giờ phút này cũng chưa phê duyệt được chính thức”.

Bộ trưởng cho biết: “Khi hội thảo, rất nhiều người, nhiều nhà khoa học nói bây giờ tự do báo chí thì dẫn đến phải có tư nhân hóa, tư nhân làm báo chí. Nhưng tại sao trong dự thảo luật không quy định tư nhân làm báo chí? Đây là câu hỏi rất lớn.

Chúng tôi phải dẫn các văn bản của Đảng, gần đây là văn bản truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị về quy hoạch báo chí. Trong đó nêu rõ báo chí của chúng ta là phương tiện thông tin, công cụ truyền thông, vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ này.

Phải quán triệt báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật”.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Thi cho biết: “Qua giám sát, thường trực ủy ban nhận thấy hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Nhưng dự thảo luật không có những quy định nhằm khắc phục tình trạng này mà lại duy trì cơ chế bao cấp.

Thường trực ủy ban cho rằng dự thảo luật cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.

“Tránh can thiệp quá sâu”

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng quy định người đứng đầu cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về sai phạm của cơ quan báo chí là rất khó.

“Tôi có thời gian mười năm làm ở Trung ương Đoàn, đây là cơ quan có nhiều báo, cũng từng đi kiểm điểm sai phạm. Tôi thấy làm sao có thể đòi hỏi tổng biên tập phải báo cáo nội dung tin bài với bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trước khi xuất bản?

Bây giờ người ta xuất bản tin bài trên báo điện tử từng phút, làm sao cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm đến từng tin, bài khi mà cơ quan chủ quản không kiểm duyệt? Tôi thấy rằng tổng biên tập phải có trách nhiệm rất lớn trước các nội dung đưa lên báo” - bà Mai bày tỏ.

“Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng đọc dự thảo thì tôi thấy nội dung chỉ chú trọng đến nghề làm báo, rồi làm thế nào để quản lý báo chí, chứ không phải là để thể hiện quyền tự do báo chí của công dân.

Chúng ta dường như chỉ đang đề cập đến báo chí và nhà báo thôi, chứ không thấy đề cập quyền tự do báo chí của công dân” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bình luận.

Trong khi đó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ thực trạng kinh tế thị trường ảnh hưởng thế nào đến tổ chức, hoạt động của cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến mối quan hệ của cơ quan báo chí với các chủ thể khác thế nào.

Đồng thời phải chỉ rõ là làm luật này thì hoạt động báo chí của VN hội nhập với thế giới như thế nào, bởi vì nhiều lĩnh vực khác chúng ta đã hội nhập rồi.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền lưu ý luật này là Luật báo chí chứ không phải là Luật quản lý báo chí. Do đó phải thể hiện quyền tự do báo chí của người dân thế nào để tạo điều kiện cho công dân tham gia hoạt động báo chí.

“Tôi đọc báo điện tử thấy các phản hồi của người dân rất có giá trị, tiếng nói lạc lõng thì ít thôi, còn lại đều là tiếng nói đóng góp thiết thực, chân tình” - ông nói.

Dự án luật sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10.

Chẳng lẽ cái gì khó thì không quản lý?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội hiện nay không thuộc điều chỉnh của luật này. Nếu chúng ta thừa nhận thì vô hình trung chúng ta thừa nhận trang tin điện tử, blog cá nhân là báo chí.

Như vậy là chúng ta lại thừa nhận có báo chí tư nhân. Có một số trang thông tin điện tử, blog cá nhân hoạt động như báo chí nhưng không phải là báo chí, cái ranh giới rất là hẹp. Các loại hình này chúng tôi đề nghị sẽ điều chỉnh bằng một nghị định”.

Chưa hài lòng với cách giải thích này, ông Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng đã là những loại hình liên quan đến báo chí, đến quyền tự do báo chí thì cần được điều chỉnh trong luật này.

“Tại sao các trang tin, mạng, blog lại không đưa vào đây, chẳng lẽ cái gì khó thì không quản lý à?” - ông Phan Xuân Dũng nêu câu hỏi.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên