Vụ việc ông Nguyễn Tường Duy, cán bộ đội kiểm soát (trước là đội chống buôn lậu) thuộc Cục Hải quan TP.HCM, bị cơ quan điều tra bắt tạm giam về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, kiểm tra phát hiện trong nhà có nhiều phong bì lên đến cả tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận.
Không ít người trong ngành tỏ ra ngạc nhiên về việc này. Họ ngạc nhiên bởi thủ tục hải quan đã được hiện đại hóa, cùng với hàng loạt văn bản, nghị quyết về kiểm tra phòng chống tham nhũng; luân chuyển cán bộ được ban hành, bổ sung hằng năm nhưng vẫn không xóa được nhũng nhiễu, tiêu cực.
Hải quan là ngành được Nhà nước đầu tư cải cách thủ tục sớm và quyết liệt. Quy trình hải quan điện tử do Chính phủ Nhật tài trợ được thực hiện thí điểm, sau đó áp dụng rộng rãi tại các cục hải quan cả nước từ năm 2014.
Theo một chuyên gia trong ngành, quy trình này còn chặt chẽ hơn cả ở Nhật. Không chỉ tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, mà còn kiểm tra giám sát việc thực hiện đúng quy định của công chức hải quan.
Một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM nói Luật hải quan bổ sung có hiệu lực từ năm 2015, đã chuyển từ thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức thủ công, từ khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, giám sát đến thông quan hàng hóa sang hải quan điện tử “công khai, minh bạch quy trình thủ tục đồng thời hạn chế công chức tiếp xúc với doanh nghiệp, với giấy tờ cũng ngăn ngừa được tiêu cực, tham nhũng”.
Chưa hết, ngành hải quan luôn được xã hội “soi”, kể cả ở những diễn đàn lớn, rồi hằng năm có những khảo sát để cho thấy một thực trạng cán bộ hải quan làm khó doanh nghiệp như là hàn thử biểu về hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.
Ấy vậy mà vẫn có những cán bộ hải quan vô tư kiếm chác. Những con số từ kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, lần mới đây, cho thấy có 28% doanh nghiệp phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hải quan.
Riêng tại Cục Hải quan TP.HCM có đến hơn 53% doanh nghiệp nói đã phải trả chi phí không chính thức này.
Người dân, doanh nghiệp nghĩ gì khi cả xã hội đã đầu tư, kỳ vọng, đòi hỏi ngành hải quan phải thông thoáng, phải coi doanh nghiệp là khách hàng của mình, là không được “mại quyền”, không vòi vĩnh...
Kết quả khảo sát và cả những vụ nhân viên hải quan bị bắt vì làm tiền doanh nghiệp chẳng khác nào thách thức xã hội, dư luận.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nói rằng ngành đã có những biện pháp để ngăn chặn và phát hiện, xử lý những cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, những đối tượng cố tình, với những thủ đoạn tinh vi thì ngành chưa thể phát hiện hiệu quả bằng các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Bộ Tài chính, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 10-1 nói rằng “vấn đề con người là khó nhất”, cho dù có hiện đại hóa thủ tục hải chính và chính sách.
Vậy thì cũng phải đặt ra câu hỏi: để nhân viên hải quan không còn nhũng nhiễu thì phải cần gì nữa?
Có thể với vụ bắt Nguyễn Tường Duy, ngành hải quan nói rằng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng còn kết quả khảo sát có đến 28% doanh nghiệp được hỏi nói phải trả chi phí không chính thức thì có phải là hiện tượng cá biệt?
Câu hỏi này không ai khác là chính lãnh đạo ngành hải quan và Bộ Tài chính phải trả lời dư luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận