Phóng to |
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) tại buổi giao lưu với 82 cán bộ Đoàn xuất sắc toàn quốc ở Học viện Thanh thiếu niên VN hôm 25-3 - Ảnh: Việt Dũng |
Tại buổi này, ông và các bạn trẻ cùng trao đổi về những điều giới trẻ trăn trở.
Nơi thực hành tốt nhất là cơ sở
Trả lời câu hỏi của sinh viên Trương Khải Minh (Học viện Thanh thiếu niên) về việc Chính phủ có những chính sách gì để nâng cao tính thực hành trong đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, Phó thủ tướng khẳng định các thiết bị hóa học hay phòng thực hành công nghệ cao là điều rất cần, nhưng tùy vào đặc thù từng trường.
“Với Học viện Thanh thiếu niên có ba ngành là công tác thanh thiếu niên, công tác Đảng và chính quyền và công tác xã hội, thì nơi thực hành tốt nhất chính là cơ sở”, Phó thủ tướng gợi ý. Phó thủ tướng cũng đề nghị T.Ư Đoàn và Học viện Thanh thiếu niên cần đăng ký đề tài nghiên cứu về xu hướng vận động của thanh niên VN trong năm năm để biết thanh niên các thành phần suy nghĩ gì.
“Học viên phải va đập với thực tế ở cơ sở, phải trực tiếp thực hiện công tác vận động thanh thiếu niên, biến quá trình được đào tạo thành tự đào tạo. Không gì hay bằng việc tự biến kiến thức mình học được ra thực tế để thẩm định, rút ra những bài học ý nghĩa khác từ cuộc sống. Cũng cần phải giỏi ngoại ngữ, sử dụng mạng để cập nhật thông tin. Nếu không nắm được thực tế, không nắm được các kênh thông tin về thanh niên thì làm sao lãnh đạo thanh niên?” - Phó thủ tướng nói.
Hoạt động thực chất mới thu hút thanh niên
Nhận định thực tế hiện nay - khi nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa khiến môi trường sống của thanh niên bị thay đổi, nhiều luồng văn hóa, tư tưởng mới du nhập vào, Vũ Công Chuyên (bí thư Đoàn xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, Hải Dương) cho rằng không ít thanh niên “đề kháng” kém đã bị lệch lạc về giá trị đạo đức, sống thực dụng ích kỷ, dính tệ nạn xã hội... “Là tổ chức của thanh niên nên Đoàn không thể đứng ngoài cuộc tình trạng này, cần phải có giải pháp kịp thời và hiệu quả để khắc phục” - Chuyên nói.
Trước mắt, theo Chuyên, trong bối cảnh thanh niên bị lôi kéo bởi rất nhiều hoạt động, trào lưu, xu hướng mới và thậm chí là tệ nạn xã hội, khó tránh khỏi việc xa rời tổ chức và hoạt động Đoàn. Do vậy, điều quan trọng là Đoàn cần phải có giải pháp để kéo thanh niên về với Đoàn, tham gia các hoạt động của Đoàn.
Cũng theo Vũ Công Chuyên, Đoàn cũng phải khắc phục tối đa những hoạt động mang tính hình thức, đối phó. “Khi thanh niên thấy được niềm vui, lợi ích rõ rệt từ Đoàn, ắt hẳn họ sẽ gắn với Đoàn, xa rời dần những thứ lệch lạc. Quan trọng hơn họ sẽ tìm tới Đoàn, sẵn sàng cống hiến bản thân mình cho phong trào, tổ chức của Đoàn khi thấu hiểu ý nghĩa, giá trị thực chất”, Chuyên nhận định.
Làm việc với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những đóng góp của học viện đối với công tác Đoàn từ trước tới nay. Phó thủ tướng nhấn mạnh công tác dân vận, vận động, giáo dục, chăm lo cho thanh niên là điều rất quan trọng, do đó học viện phải không ngừng đổi mới, phát triển để đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước.
Phó thủ tướng đề nghị học viện cần tập trung vào bốn mảng cốt lõi trong đào tạo, gồm: xã hội học; kinh tế; kỹ năng, công tác vận động quần chúng và quản lý nhà nước, công tác Đảng. Phó thủ tướng cũng đồng ý cho học viện thực hiện các chuyến khảo sát những mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới để xây dựng chiến lược phát triển học viện, đồng ý về chủ trương đề án xây dựng thư viện điện tử, đề án đào tạo tiến sĩ cho đảng viên...
“Kêu khó” cơ chế, chính sách cho Đoàn cơ sở Tại buổi đối thoại với Ban Bí thư T.Ư Đoàn sáng 24-3 tại Hà Nội, nhiều bí thư Đoàn cơ sở trên toàn quốc đã bày tỏ băn khoăn về những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các cán bộ và tổ chức, hoạt động Đoàn tại cơ sở. Hoàng Đức Thanh, bí thư Đoàn xã Thanh Đạt (H.Cao Lộc, Lạng Sơn), cho biết tại địa phương anh Đoàn chỉ có vẻn vẹn 6 triệu đồng làm kinh phí cho suốt một năm. “Kinh phí eo hẹp khiến việc tổ chức phong trào gặp rất nhiều khó khăn, bản thân tôi đi công tác trong hai năm cũng không hề lấy công tác phí”, anh Thanh nói. Trong khi đó, bí thư Đoàn Trường THPT Đắk GLong, Đắk Nông Võ Công Thìn cho biết cũng cùng cảnh ngộ khi cả năm cơ sở Đoàn này chỉ xoay xở nổi 5 triệu đồng để làm kinh phí hoạt động. Còn bí thư Đoàn Công ty cổ phần Prime Group (Vĩnh Phúc) Trần Phi Long “phàn nàn” hiện 100% cán bộ Đoàn, thủ lĩnh Đoàn làm việc kiêm nhiệm, hoàn toàn không có phụ cấp và lương cho công tác đoàn thể. Phản hồi các băn khoăn, trăn trở của cán bộ Đoàn cơ sở, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi khẳng định vai trò của các bí thư Đoàn cơ sở rất quan trọng vì đây chính là những thủ lĩnh của thanh niên, quyết định chất lượng, tổ chức cơ sở Đoàn. Trung ương Đoàn sẽ lưu tâm tới những kiến nghị, đề xuất liên quan tới cơ chế chính sách hoạt động, chăm lo tốt hơn cho cán bộ, phong trào Đoàn ở cơ sở. Anh Mãi cũng gợi ý về kinh phí hoạt động, các cơ sở Đoàn cần chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể hoặc vận động các nguồn lực xã hội hóa khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận