10 gương mặt thủ lĩnh Đoàn của vòng chung kết Hội thi bí thư Đoàn cơ sở giỏi TP.HCM lần 3-2016 - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Một cuộc trò chuyện nhanh với các ứng viên cho danh hiệu bí thư Đoàn cơ sở giỏi TP.HCM khi tất cả đã sẵn sàng cho trận chung kết.
Thi và tích lũy
* Mỗi bạn đều phải vượt qua nhiều nội dung ở các vòng thi, đâu là điều thử thách nhất và bạn đã chinh phục điều ấy như thế nào?
- Trần Kim Phẳng: Mình ấn tượng nhất với số lượng thử thách của vòng thi diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả năm thành viên đội mình đã vận dụng hết mọi công lực, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm có được để cùng nhau vượt qua từng thử thách vì tổ chức hoạt động ở một nơi hoàn toàn mới là không đơn giản. 3/5 thành viên của đội vào chung kết là kết quả xứng đáng cho nỗ lực của mỗi người vào thành công chung.
- Nguyễn Tăng Cường: Thử thách nhất với tôi là các câu hỏi kiến thức tổng hợp. Tôi đã tìm nhiều tài liệu, nghiên cứu sách báo, thông tin trên mạng nhưng càng nghiên cứu tôi càng thấy kiến thức của mình nhiều hạn chế và biết còn phải học rất nhiều mới có thể đáp ứng yêu cầu công tác.
- Lường Minh Sơn: Với mình là phần thi giải cứu đồng đội trong mê cung tại núi Dinh vì nhiều nội dung khiến mình bối rối. Là người đầu tiên của đội tham gia nên cũng có áp lực nhưng mình đã cố bình tĩnh lại, quan sát và suy luận để cùng đồng đội vượt qua thử thách.
- Phạm Văn Khánh: Yêu cầu ráp nối tổ chức hoạt động ở nơi mới, đáp ứng các yêu cầu ban tổ chức đặt ra rất ấn tượng với mình. Đó cũng là kỹ năng cần có trong cuộc sống mà đôi lúc mình quên đi, nhờ hội thi này giúp mình nhớ lại. Vượt qua mỗi thử thách của hội thi với bản thân cũng là vượt lên chính mình.
- Trương Mỹ Đông: Vòng bán kết 1 với 10 trạm thử thách và thi cả ngày là thử thách không nhỏ. Phải vận dụng hết những gì mình có, kiến thức, sự khéo léo, bền bỉ, khả năng quan sát, thuyết trình, giao tiếp bằng ngoại ngữ... cùng sự giúp sức của nhiều bạn đồng hành mình mới an toàn vào tiếp vòng trong.
* Đã là trận chung kết, nhìn lại hành trình vừa qua, bạn thấy bản thân đạt được gì khi trở thành thí sinh của lần thi này?
- Cao Thị Bích Lân: Hội thi giúp tôi có thêm kiến thức, kỹ năng và biết mình còn phải học hỏi nhiều. Tôi không quan trọng thắng - thua khi bước đến trận đấu cuối cùng vì đã có trải nghiệm thú vị, thêm những người bạn tuyệt vời và góp vào hành trang của mình nhiều điều bổ ích, giúp tôi tổ chức hoạt động Đoàn tốt hơn tại đơn vị sắp tới.
- Vương Vũ: Hội thi là hành trình học hỏi và trải nghiệm trong công tác Đoàn và cả cuộc sống. Suýt chút nữa tôi đã hụt vào chung kết vì thiếu quyết đoán. Vì thế, vào trận chung kết tôi sẽ thật bình tĩnh, bản lĩnh, quyết đoán và tự tin hơn nữa vào bản thân.
- Nguyễn Tăng Cường: Có thể không được giải cao tại chung kết nhưng tôi đã chiến thắng khi mang các kiến thức mới về địa phương, vượt qua giới hạn của bản thân. Tôi sẽ cố gắng hết mình cho chặng đường cuối vì tôi là một thủ lĩnh Đoàn cơ sở.
- Nguyễn Thị Thu Hương: Mình đã có một “gia đình” với những người anh em thật sự khi cùng nhau vượt thử thách. Cơ hội chiến thắng chia đều cho cả 10 thí sinh vì mỗi bạn đều có thế mạnh riêng. Tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các phần thi ở chung kết.
- Phạm Văn Khánh: Vào tới chung kết là ngoài dự tính nên mình sẽ thi đấu bằng sự tự tin, bản lĩnh và nhiệt huyết của người cán bộ Đoàn. Chuyện thắng thua không quan trọng bởi “Hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường. Thành công sẽ đến với bạn”.
"Thủ lĩnh Đoàn cần cái tâm, làm bạn với thanh niên bằng cái tâm" - ý kiến của bạn Phạm Văn Khánh - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Phác họa chân dung thủ lĩnh
* Bạn cho rằng người thủ lĩnh Đoàn cơ sở cần điều gì để có thể làm bạn với thanh niên, làm tốt vai trò của mình trong giai đoạn hiện nay?
- Trần Nguyễn Thanh Trúc: Mình nghĩ một thủ lĩnh Đoàn cần nhất chữ tín và làm việc không vụ lợi, luôn đặt lợi ích tập thể lên trước. Tự kiểm mình thấy bản thân chưa làm tốt những điều đó. Hội thi này giúp mình trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để có thể trở thành thủ lĩnh Đoàn thật sự, được đoàn viên thanh niên đơn vị yêu quý.
- Phạm Văn Khánh: Công tác Đoàn ngày càng khó. Tôi nghĩ thủ lĩnh Đoàn cần cái tâm, làm bạn với thanh niên bằng cái tâm trước khi là cán bộ: cái tâm dành cho đoàn viên, cho công tác và với tổ chức. Bằng cái tâm, cán bộ Đoàn có thể quan tâm thanh niên với những điều nhỏ nhất như hỏi thăm, động viên khi các bạn ốm, gia đình có biến cố...
- Lường Minh Sơn: Tôi nghĩ đó phải là người bản lĩnh, quyết đoán và nhanh nhạy để kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Thủ lĩnh Đoàn cần gương mẫu, có vậy thanh niên mới tin, nghe theo thì việc vận động sẽ dễ dàng hơn. Rồi phải biết tranh thủ nguồn lực và sự giúp đỡ vì thủ lĩnh có giỏi mấy mà một mình cũng khó làm được việc.
- Chu Văn Hải: Thủ lĩnh nên thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, trang bị kỹ năng thực hành xã hội cần thiết trong đời sống hằng ngày. Phải là người gần gũi để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, từ đó thiết kế phong trào sẽ thiết thực và đồng hành tốt hơn với thanh niên.
- Cao Thị Bích Lân: Tôi thấy cần nhiều thứ mà trước hết phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ, giữ nhiệt huyết, tinh thần tiên phong, sáng tạo và vượt mọi khó khăn. Hoạt động Đoàn không thể tách khỏi chuyên môn nên phải tạo môi trường để mỗi bạn rèn luyện, trưởng thành, nhưng cũng là nơi để các bạn khẳng định vị trí của họ.
- Vương Vũ: Theo mình, điều cần nhất hiện nay đối với thủ lĩnh Đoàn là nắm bắt, hiểu được đoàn viên thanh niên đang cần gì, muốn gì... Từ đó vận dụng các nghiệp vụ, kỹ năng để đáp ứng các nhu cầu chính đáng ấy.
- Nguyễn Thị Thu Hương: Đó phải là người có trình độ, năng lực, tư duy nhạy bén, quyết đoán, dám nghĩ, biết làm, có kỹ năng thành thạo và nhất là phải có uy tín, tạo được lòng tin. Cán bộ Đoàn cần gương mẫu, thẳng thắn, gần gũi thanh niên, biết tiếp thu ý kiến đóng góp và cởi mở, chân thành với tập thể. Tôi cho rằng thủ lĩnh Đoàn cần mạnh dạn đấu tranh phê phán cái sai, kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của tập thể, đoàn viên thanh niên.
10 thủ lĩnh vào chung kết 1. Lường Minh Sơn (ĐH Luật TP.HCM) 2. l Vương Vũ (Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn) 3. Trần Kim Phẳng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) 4. Chu Văn Hải (Q.4) 5. Nguyễn Thị Thu Hương (Q.10) 6. Phạm Văn Khánh (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) 7. Trần Nguyễn Thanh Trúc (ĐH Sư phạm TP.HCM) 8. Trương Mỹ Đông (Q.Phú Nhuận) 9. Cao Thị Bích Lân (Q.1) 10. Nguyễn Tăng Cường (Q.Thủ Đức) |
Nội dung thi sát thực tiễn Hội thi bí thư Đoàn cơ sở giỏi lần 3-2016 được Thành đoàn TP.HCM khởi động từ đầu tháng 10 với 474 thí sinh là bí thư Đoàn cơ sở thuộc các khu vực trường học, quận huyện, công nhân lao động và lực lượng vũ trang. Hội thi được tổ chức hai năm/lần, với các vòng thi trắc nghiệm kiến thức tổng hợp, kiểm tra kỹ năng, hoạt động thực tế của bí thư Đoàn cơ sở. “Các nội dung thi được thiết kế sát thực tiễn, cung cấp kỹ năng cần thiết, góp phần đáp ứng nhiệm vụ công tác thanh niên cho các cán bộ Đoàn cơ sở trong tình hình hiện nay” - Phó bí thư Thành đoàn Nguyễn Việt Quế Sơn cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận