Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, đứng thứ 2 ở nam giới và thứ 3 ở nữ giới. Bệnh khó phát hiện được sớm vì không có triệu chứng lâm sàng, khi có triệu chứng cũng mơ hồ, dễ bị bỏ qua. Phát hiện sớm có thể tăng tỉ lệ khỏi bệnh lên 60 - 65%.
Ung thư dạ dày phổ biến hàng thứ ba ở Việt Nam
GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - cho biết ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam đứng hàng thứ ba.
Theo thống kê năm 2020, chỉ tính riêng nam giới Việt Nam ghi nhận 11.059 ca, chiếm 11,2% các loại ung thư. 75% bệnh nhân ung thư dạ dày đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày thường là mơ hồ và không đặc hiệu. Hay gặp nhất là chứng khó tiêu, có thể kèm theo khó chịu, đau âm ỉ, chướng bụng, ợ hơi, buồn nôn, chán ăn.
Những triệu chứng này dễ bị bỏ qua nhưng bạn phải đi khám khi những biểu hiện này kéo dài hơn 2 tuần. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện nôn, gầy sút, mệt mỏi, thiếu máu, đau bụng hoặc đi tiêu phân đen.
Đặc biệt, theo GS Đức, ung thư dạ dày đứng thứ 2 về nguyên nhân tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Phát hiện muộn tỉ lệ sống sau 5 năm thấp, chỉ khoảng 20 - 25%, nhưng phát hiện sớm tăng tỉ lệ khỏi bệnh lên 60 - 65%.
Vì vậy, cần biết các yếu tố nguy cơ để phòng tránh và theo dõi phát hiện sớm.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mạn tính kéo dài sẽ dẫn đến viêm teo mạn tính niêm mạc dạ dày, tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, tiếp đến là các biến đổi loạn sản tế bào qua từng mức nhẹ, vừa đến nặng và biến đổi cuối cùng là ung thư.
Yếu tố môi trường: Quan sát cho thấy những người di cư từ những vùng, nước có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày thấp thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày của nhóm dân cư này cũng giảm xuống. Kết quả này cho thấy rõ vai trò của yếu tố môi trường liên quan đến ung thư dạ dày.
Tập quán sống: Yếu tố ung thư dạ dày tăng lên khi ăn các thức ăn có chứa nitrates và nitrites (thịt hun khói, thịt cá ướp muối, cũng như rau, dưa muối...). Trái lại, ăn nhiều rau hoa quả tươi giàu vitamin A, C tỉ lệ ung thư dạ dày thấp.
Hút thuốc lá làm tăng đáng kể tỉ lệ ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày phần tâm - phình - vị.
Nhiễm vi khuẩn:
Vi rút Epstein - Barr: có vai trò đặc biệt trong ung thư vòm nhưng nghiên cứu cũng cho thấy vi rút Epstein - Barr có trong tế bào của 13% các bệnh nhân ung thư dạ dày và một số tế bào ở dạ dày giống với tế bào ung thư vòm.
Trái lại không tìm thấy vi rút Epstein - Barr trong các tế bào của các tổn thương loét lành tính, hoặc các tổ chức bình thường. Người ta ước tính có khoảng 5 - 10% ung thư dạ dày có liên quan đến vi rút Epstein - Barr trên toàn thế giới.
Helicobacter pylori (HP): Nhiều giả thuyết cho rằng HP là nguyên nhân gây ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư 1/3 dưới. HP gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, nhất là viêm mạn teo đét và dị sản ruột được coi là thay đổi tiền ung thư.
Gần đây người ta còn thấy rằng HP có 1 type nào đó có thể gây những biến đổi hóa học của một số loại thức ăn có nguy cơ ung thư cao thành các chất hóa học làm tổn thương DNA của tế bào niêm mạc dạ dày.
Tình trạng kinh tế - xã hội: Những người ở mức kinh tế - xã hội thấp có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày vùng thân vị cao gấp 2 lần trong cộng đồng dân cư. Ngược lại, những cư dân có mức kinh tế - xã hội cao lại có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày vùng tâm vị.
Chỉ số BMI: Những người béo phì dễ bị ung thư hơn những người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị. Gần một nửa bệnh nhân ung thư dạ dày phần tâm vị liên quan đến thuốc lá và béo phì.
Phẫu thuật dạ dày: Việc cắt dạ dày điều trị các bệnh lành tính làm tăng nguy cơ ung thư ở phần dạ dày còn lại từ 1,5 - 3 lần sau phẫu thuật ban đầu 10 - 20 năm mà không phụ thuộc vào bệnh. Vì vậy, khám sàng lọc thường quy rất có ý nghĩa.
Tuổi và giới: Nam giới có tỉ lệ ung thư dạ dày gấp đôi nữ giới ở mọi thống kê tại Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ. Tuổi thường gặp từ 50 trở lên, càng nhiều tuổi khả năng bị ung thư dạ dày càng cao. Tuy nhiên, hiện tại ung thư dạ dày xuất hiện ở cả người trẻ, 20, 30 tuổi.
Nhóm máu và thiếu máu: Người có nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn các nhóm máu O, B, AB. Trong các bệnh nhân ung thư dạ dày có khoảng 20% bệnh nhân nhóm máu A.
Thiếu máu ác tính là hậu quả của viêm dạ dày mạn tính tự miễn. Tần suất mắc bệnh tăng 2 - 3 lần so với tần suất trong cộng đồng chung.
Yếu tố di truyền: Gene di truyền viêm teo dạ dày mạn tính có thể truyền từ mẹ sang con chiếm 48%. Ngoài ra, ung thư dạ dày còn liên quan đến một số hội chứng di truyền như bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp, bệnh đa polyp tuyến, hội chứng Peutz Jeghers.
Gần đây người ta phát hiện sự đột biến di truyền của E - cadherin gene (CDH1), xảy ra trong tế bào sinh dục có liên quan đến ung thư dạ dày di truyền.
Sự thay đổi gene CDH1 được tìm thấy 50% ở các bệnh nhân ung thư dạ dày, khi gene này bị đột biến nó mất khả năng kiểm soát tế bào, điều này cho thấy E - cadherin gene là một gene ức chế sự phát sinh và phát triển của tế bào ung thư dạ dày.
Các bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày: Viêm teo dạ dày mạn tính, dị sản ruột, loét dạ dày lành tính, polyp tuyến dạ dày, polyp tuyến có tính gia đình; bệnh thực quản Barret...
Chẩn đoán ung thư dạ dày sớm vẫn chủ yếu dựa vào nội soi, bấm sinh thiết nhiều vị trí nghi ngờ. Để phát hiện sớm bệnh, những người từ 45 tuổi trở lên định kỳ 6 tháng được nội soi dạ dày 1 lần.
Những người có yếu tố nguy cơ cao, có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nên đi khám và soi dạ dày. Chỉ có nội soi sinh thiết từ 3 mảnh trở lên mới có hy vọng chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác ung thư dạ dày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận