22/09/2014 08:48 GMT+7

​“Căn bệnh” đạo văn kinh niên tại Hàn Quốc

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bệnh đạo văn đang làm xấu đi  hình ảnh của nền giáo dục và khoa học Hàn Quốc, thậm chí còn lây lan sang cả các lĩnh vực khác trong xã hội.

Giáo sư Kim Myung Soo, ứng cử viên bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc, phải rút lui vì tội đạo văn - Ảnh: Korea Herald
Giáo sư Kim Myung Soo, ứng cử viên bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc, phải rút lui vì tội đạo văn - Ảnh: Korea Herald

Mới đây, Hãng công nghệ iParadigms cho biết đang hợp tác với các tổ chức giáo dục ở Hàn Quốc, bao gồm Viện Khoa học & công nghệ thông tin quốc gia Hàn Quốc (KISTI), để phát triển dịch vụ chống đạo văn.

KISTI và các tổ chức Hàn Quốc sẽ dùng phần mềm iThenticate của iParadigms để phát hiện dấu vết đạo văn ở các nghiên cứu, báo cáo, luận văn... dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ từ mạng Internet.

Trên tạp chí The Diplomat, giáo sư triết học và văn học David Volodzko, chuyên giảng dạy ở các nước Đông Á, nhận định nạn đạo văn tồn tại khắp nơi trên thế giới nhưng đã trở thành một căn bệnh kinh niên nghiêm trọng tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, hàng loạt xìcăngđan đạo văn đã nổ ra ở Hàn Quốc trong thời gian qua, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực từ giáo dục, khoa học cho đến chính trị và giải trí.

Bê bối liên tiếp

Các trường ở Hàn Quốc không giáo dục sinh viên một cách đầy đủ về đạo đức khoa học
Một cựu sinh viên ĐH Quốc gia Seoul

Hồi tháng 6, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đề cử giáo sư Kim Myung Soo thuộc ĐH Giáo dục quốc gia Seoul (KNUE) làm bộ trưởng giáo dục kiêm phó thủ tướng. Tuy nhiên sau đó ông Kim phải rút lui do đối mặt với cáo buộc đạo luận văn tốt nghiệp của một sinh viên để đăng bài trên một tạp chí khoa học.

Đây chỉ là một trong nhiều lần các chính trị gia Hàn Quốc bị bêu riếu, thậm chí mất chức vì tội đạo văn.

Hồi năm 2012, nghị sĩ Yeom Dong Yeol bị chỉ trích dữ dội vì tải báo cáo khoa học của một sinh viên từ trên mạng và đưa nội dung báo cáo này vào luận án tiến sĩ.

Cùng thời điểm đó, nghị sĩ Moon Dae Sung, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), buộc phải rút khỏi đảng cầm quyền Saenuri và từ chức giáo sư ĐH Dong-A vì đạo văn khi viết luận án để lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Kookmin. Tháng 4 năm nay, ĐH Kookmin đã tước bằng tiến sĩ của ông Moon.

Cũng trong năm 2012, hai giáo sư ĐH Quốc gia Seoul là Soo Kyung Kang và Kyung Sun Kang bị điều tra vì tội đạo kết quả nghiên cứu tế bào gốc.

Tháng 2-2013, chánh văn phòng tổng thống Hàn Quốc Huh Tae Yeol buộc phải nói lời xin lỗi công chúng vì “cắt, dán” khi viết luận án tiến sĩ. Hàng loạt giáo sư nổi tiếng như Sin Jeong Ah thuộc ĐH Dongguk, Kim Ok Rang của ĐH Dankook, kiến trúc sư Lee Chang Ha từ ĐH Kimcheon và nhiều người khác nữa cũng dính xìcăngđan đạo văn hoặc dùng bằng cấp giả...

Thậm chí nạn đạo văn còn lan sang cả ngành công nghiệp giải trí. Trong thời gian qua, hàng loạt ca sĩ K-pop như Primary, G-Dragon, Lee Hyori, IU hay Roy Kim đều bị tố cáo và bị kiện đạo nội dung hoặc nhạc của các bài hát cũ.

Những loạt phim truyền hình nổi tiếng như My love from the star (Vì sao đưa anh tới), Secret garden (Khu vườn bí mật), Five fingers (Năm ngón tay), Greatest love (Tình yêu vĩ đại), Queen Seon Deok (Nữ hoàng Seon Deok) và cả “bom tấn” Iris đều dính nghi án xào nấu nội dung các tác phẩm tiểu thuyết và phim khác.

Vì đâu nên nỗi?

Chợ mua bán luận văn

Điều tra mới đây của báo JoongAng cho thấy rất nhiều sinh viên ĐH Hàn Quốc không ngần ngại đi đường tắt để kiếm mảnh bằng.

Họ sẵn sàng chi tiền để người khác viết hộ luận văn tốt nghiệp, thạc sĩ hay tiến sĩ. Một ngành công nghiệp viết thuê luận văn trên mạng đang nở rộ ở Hàn Quốc.

Một luận văn thạc sĩ có giá khoảng 1.400 USD, luận án tiến sĩ lên tới 2.700 USD.

JoongAng dẫn lời một kẻ trung gian bán luận văn tiết lộ khách hàng của hắn thường là doanh nhân và nhân viên công sở ngại học hành nhưng muốn có bằng cấp để tiến thân.

Báo Korea Times dẫn lời một số sinh viên ĐH tại Seoul cho biết các thầy cô ở Hàn Quốc thường khá nương nhẹ với những vụ đạo văn tại giảng đường.

Ngược lại ở phương Tây, sinh viên đạo văn có thể bị đuổi học. “Các giáo viên Hàn Quốc không quan tâm lắm đến nạn đạo văn. Các trường ở Hàn Quốc không giáo dục sinh viên một cách đầy đủ về đạo đức khoa học” - một cựu sinh viên ĐH Quốc gia Seoul nhận định.

Giáo sư Heo Nam Kyol thuộc ĐH Dongguk cho rằng truyền thống Khổng giáo buộc học sinh phải ghi nhớ nằm lòng mỗi câu, mỗi chữ của thầy giáo là nguồn gốc dẫn đến nạn đạo văn tại Hàn Quốc.

Giáo sư David Volodzko đánh giá nạn đạo văn ở Hàn Quốc xuất phát từ hệ thống giáo dục nhồi nhét kiến thức, nặng về học thuộc lòng mà quên đi tính sáng tạo và sự linh hoạt. Nền văn hóa trọng bằng cấp thay vì trình độ thực tế cũng là một nguyên nhân.

Giáo sư Lee In Jae thuộc ĐH Giáo dục quốc gia Seoul khẳng định trong những năm qua, uy tín của nền giáo dục và khoa học Hàn Quốc cũng như của các trường ĐH tại quốc gia này đã suy giảm nghiêm trọng vì các xìcăngđan đạo văn và bằng cấp giả.

“Để môi trường học thuật Hàn Quốc đạt đến tầm cỡ thế giới, chúng ta phải mạnh tay loại bỏ tệ nạn đạo văn” - giáo sư Lee nhấn mạnh.

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng cần phải giáo dục chặt chẽ học sinh từ nhỏ về sự trung thực, tội đạo văn và đề ra luật rõ ràng, chặt chẽ để trừng phạt tội đạo văn, sao chép. Chỉ như vậy mới có thể ngăn chặn được tình trạng học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu sao chép, cắt dán.

Giáo sư Heo Nam Kyol cho biết theo bảng xếp hạng chỉ số Liên Hiệp Quốc về hệ thống giáo dục 2012, Hàn Quốc xếp thứ 7 trong số 176 quốc gia và để giữ thứ bậc này, các trường ĐH phải xóa triệt để nạn đạo văn.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên