Phóng to |
Nữ diễn viên Mira Sorvino an ủi một nạn nhân trong phim tài liệu thực hiện cùng CNN Ảnh: FPD |
Mira Sorvino, nữ diễn viên Hollywood tham gia điều tra cùng Đài CNN, cho biết ý tưởng đến Campuchia xuất phát từ các báo cáo gần đây nói rằng nạn buôn bán trẻ em gái ở nước này đã được ngăn chặn. “Nhưng thực tế không phải như vậy và chúng tôi muốn biết tại sao, đặc biệt là đối với nạn bán trinh. Đó là một trải nghiệm đặc biệt, rất thách thức nhưng cũng rất đau lòng” - Sorvino, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, nói với tờ Jakarta Globe.
“Đây là kiểu lạm dụng kinh khủng nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Làm sao người ta có thể đối xử với đồng loại như thế” - Sorvino tức giận. Theo Tổ chức phi chính phủ Chấm dứt buôn bán, lạm dụng và mại dâm trẻ em (ECPAT), 1/3 đối tượng bán dâm ở Campuchia là trẻ em. Những địa điểm như Svay Pak (Phnom Penh) trở thành trung tâm của nạn buôn bán trẻ em, nơi những kẻ ấu dâm trên khắp thế giới đổ về để thỏa mãn sở thích bệnh hoạn. Một số nạn nhân chỉ mới lên 4 khi được các tổ chức nhân đạo giải cứu.
Mẹ bán trinh con gái
Câu chuyện mở đầu tại một gia đình nghèo ở Phnom Penh. Khi không trả được món nợ vay nặng lãi, mẹ của Kieu bảo đứa con gái út đi làm. Nhưng đó không phải là một việc bình thường. Kieu được mẹ đưa đến bác sĩ để lấy “giấy chứng nhận còn trinh”. Ngay sau đó, em được đưa đến một khách sạn và bị một gã đàn ông hãm hiếp trong hai ngày. Năm đó Kieu 12 tuổi.
Đằng sau bộ phim là vô số câu chuyện đau lòng khác mà Sorvino chứng kiến khi thâm nhập các nhà thổ ở Campuchia. Cô cho biết mình đã khóc rất nhiều, không phải trước ống kính máy quay mà khi trở về phòng khách sạn. “Bạn nhìn vào gương mặt nhỏ nhắn của những bé gái với đôi mắt to tròn và nghe chúng kể về việc mình đã cố tự tử vì đau buồn và rằng chúng muốn là những đứa con ngoan nhưng không thể hiểu nổi những gã đàn ông tìm thấy niềm vui gì trong chuyện này. Nó quá khủng khiếp đến mức nhiều khi tôi muốn thét lên”. |
Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu của “công việc”. Sau vụ bán trinh, mẹ của Kieu tiếp tục đưa em đến một nhà thổ. Ở đây em bị giam trong ba ngày, mỗi ngày lại bị từ 3-6 gã đàn ông hãm hiếp. Rồi khi trở về, Kieu tiếp tục được mẹ gửi đi “làm việc” ở những nhà thổ khác.
Kieu chỉ là một trong ba nhân vật chính được đề cập trong bộ phim. Sephak, một người họ hàng của Kieu sống gần đó, cũng là một nạn nhân. Sephak nhận giấy chứng nhận còn trinh năm 13 tuổi để đem trình với một khách người nước ngoài tại một khách sạn ở Phnom Penh. Sephak về nhà sau ba ngày và mẹ em nhận được 800 USD. “Em cảm thấy trống rỗng, đau đớn. Em tự hỏi tại sao mình phải làm vậy và tại sao mẹ lại làm điều đó với em” - Sephak nhớ lại.
Nhân vật thứ ba sống cách đó không xa là Toha, bị mẹ đưa đi bán trinh năm 14 tuổi cũng theo một chu trình từ bệnh viện tới khách sạn và nhà thổ. Nhưng tệ hơn, Toha từng cố tự tử khi bị mẹ ép đi khách.
“Bán con gái thì tôi cũng đau lòng lắm chứ nhưng biết nói sao bây giờ. Cũng vì nợ nần thôi. Giờ tôi không biết làm gì, chuyện xảy ra đã xảy ra rồi” - mẹ của Kieu, bà Neoung, nói tỉnh rụi. Cũng như bà Neoung, những người phụ nữ nhẫn tâm đẩy con vào nhà thổ như mẹ của Sephak, Toha đều lấy lý do nghèo khổ, thiếu tiền. Nhưng họ không nghĩ điều mình làm với con gái là đáng ghê tởm. “Tôi nghĩ chuyện cũng bình thường. Tôi nói với Kieu ba mày bệnh không làm việc được, vậy mày có chịu đi làm để phụ ba mẹ không?” - bà Neoung biện hộ.
Hàng xóm xung quanh người thì bức xúc với chuyện bán con của Neoung, người tỏ ra thông cảm, còn một số khác xem đó như chuyện bình thường.
Trung tâm mại dâm trẻ em
Theo CNN, luật pháp lỏng lẻo, tham nhũng và nghèo đói là những nguyên nhân làm bùng nổ nạn mại dâm ở Campuchia. Trong số 40.000-100.000 đối tượng bán dâm ở Campuchia, khoảng 1/3 là trẻ em. Ở Svay Pak, một khu dân cư nghèo nàn ở rìa Phnom Penh, hơn một nửa người dân sống dưới mức 2 USD/ngày. “Khi chúng tôi đến đây ba năm trước, 100% trẻ em từ 8-12 tuổi bị bán. Chúng tôi không thể tin nổi cho đến khi tận mắt chứng kiến những chiếc xe chở đầy trẻ em” - ông Don Brewster, một nhà hoạt động người Mỹ sống ở Svay Pak, kể lại. Ông Brewster cho biết trẻ em các vùng ngoại ô và cả từ Việt Nam cũng bị bán tại đây.
Những đối tượng mua dâm thường đến từ những nước phát triển hơn, bao gồm các nước phương Tây, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhưng nam giới Campuchia mới chính là đối tượng lạm dụng trẻ em nhiều nhất. Những kẻ ấu dâm thường lấy lý do mua trinh trẻ em để tăng cường sức khỏe, gặp may mắn để giải thích cho hành động bệnh hoạn này. Rốt cuộc, theo khảo sát của ECPAT, trẻ em luôn là những đối tượng chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trong những năm qua, các chiến dịch truy quét ở Campuchia chỉ khiến ngành công nghiệp mại dâm trẻ em hoạt động kín đáo hơn mà thôi. Theo ông Brewster, hơn một chục động mại dâm mới mọc lên trá hình dưới vỏ bọc quán karaoke ở Svay Pak trong hai năm qua. Trong khi đó, việc truy bắt và truy tố những kẻ buôn người ở nước này lại giảm. Mặt khác, như lãnh đạo cơ quan chống buôn người Campuchia Pol Phie They thừa nhận: “Chúng tôi vẫn còn hạn chế trong việc truy tố vì thứ nhất, chúng tôi thiếu chuyên môn và thứ hai, chúng tôi thiếu thiết bị kỹ thuật. Đôi khi chúng tôi thấy sai phạm nhưng không thể thu thập được bằng chứng để truy tố”. Ngoài ra, nhiều cảnh sát địa phương bị các chủ nhà chứa mua chuộc.
Nhưng Sorvino hi vọng cuộc điều tra mà cô tham gia sẽ làm thức tỉnh xã hội và buộc mọi người phải hành động. “Khi mọi người nhìn vào những đứa trẻ, đó có thể là con em của họ, làm sao có thể để chuyện này xảy ra được. Tôi muốn chính phủ áp dụng giáo dục bắt buộc, thay vì để những đứa trẻ lang thang, thất học và dễ bị bán. Sự im lặng về vấn đề này chỉ giúp cho thủ phạm chứ không phải các nạn nhân. Những gã đàn ông này phải bị trừng phạt và cải tạo” - Sorvino trả lời trên kênh Star2 của Canada.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận