Tác phẩm Gửi hương theo gió của Dương Quốc Định |
Những băn khoăn đó vẫn chưa nhận được lời giải đáp từ các cơ quan có trách nhiệm soạn thảo thông tư 01, tại hội nghị trực tuyến phổ biến hai thông tư 01 và nghị định 15 do Bộ VH-TT&DL tổ chức sáng 20-4, với sự tham dự của đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và các sở VH-TT&DL ở ba điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quốc Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - nói: “Hành vi chụp ảnh nude pháp luật không cấm, nhưng thông tư 01/2016 của Bộ VH-TT&DL cấm thì tôi thấy hơi “vênh”, không ổn.
Tôi nghĩ nghệ sĩ, người mẫu, người đẹp đoạt giải... sẽ ý thức được việc bảo vệ hình ảnh của họ trước công chúng. Chụp ảnh gì, công bố thế nào tôi nghĩ họ ý thức được. Và phải xác định ảnh nude là một loại hình nghệ thuật, pháp luật không cấm. Nếu bộ ngại không quản lý được nên cấm thì dễ đẻ ra tình trạng “giấy phép con”...
Tuổi Trẻ cũng đã có cuộc trao đổi với TS Thái Thị Tuyết Dung - chuyên gia nghiên cứu ban hành văn bản luật Trường ĐH Luật TP.HCM - về vấn đề này.
* Thưa bà, việc thông tư 01/2016 cấm hành vi chụp và phổ biến ảnh nude ở các nghệ sĩ biểu diễn, người mẫu, người đẹp đoạt giải... liệu có hợp lý không?
- Tôi cho rằng thông tư này đã vượt quá phạm vi thẩm quyền hướng dẫn của bộ. Đó là đặt ra việc hạn chế quyền của công dân, tạo ra sự không bình đẳng với các cá nhân không hoạt động nghệ thuật khác.
Người mẫu, người đẹp cũng là con người, mà theo quy định Hiến pháp mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việc chỉ cấm người mẫu, người đẹp mà không cấm các cá nhân khác sẽ gây bất bình đẳng trước pháp luật. Hơn nữa quyền về hình ảnh của các cá nhân được pháp luật dân sự quy định.
* Thông tư 01/2016 là văn bản dưới luật, liệu có quyền nêu ra quy định cấm các hành vi của công dân như văn bản luật hay không?
- Việc ban hành các văn bản hạn chế quyền tự do của công dân đã được quy định tại điều 14, Hiến pháp 2013, rằng những quy định hạn chế quyền công dân chỉ được quy định bởi các văn bản luật, tức thuộc thẩm quyền ban hành bởi Quốc hội. Và cần lưu ý là ngay cả một hành vi vi phạm pháp luật hành chính và chế tài thì cũng do Quốc hội, Chính phủ mới có thẩm quyền, chứ các bộ trưởng không có quyền này, nói gì đến hạn chế quyền của công dân.
* Theo bà, các thông tư có nên “đẻ” thêm những quy định làm ảnh hưởng đến quyền công dân hay không?
- Ở nước ta đã và đang có tình trạng nhiều văn bản thông tư, công văn ban hành trái pháp luật, nhất là hạn chế quyền tự do của công dân. Ví dụ như công văn của Cục NTBD ban hành “Không cho phép các học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại quán bar, vũ trường, quán karaoke và các tụ điểm dễ nảy sinh tệ nạn xã hội...” (đã bị hủy), hoặc thông tư quy định ghi tên cha mẹ vào CMND, thông tư của Bộ Y tế về tiêu chuẩn sức khỏe để cấp giấy phép lái xe...
Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần chấn chỉnh việc ban hành văn bản của mình, tránh tình trạng không quản lý được là cấm. Về phía người dân, cần sử dụng điểm ưu việt của mạng xã hội để lên tiếng khi thấy một văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên: Quyền chụp ảnh là quyền của cá nhân mỗi người “Ở đây có hai loại ảnh khỏa thân là ảnh khỏa thân nghệ thuật và phi nghệ thuật. Tất nhiên nếu là khỏa thân phi nghệ thuật, ảnh dung tục thì bị cấm là điều tất nhiên. Nhưng khi người ta khỏa thân nghệ thuật thì tại sao lại cấm? Vấn đề ở đây là các nhà quản lý chưa phân biệt được khỏa thân nghệ thuật hay khỏa thân dung tục. Vả lại quy định cấm người ta chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật thì tôi nghĩ rằng đó là quy định vi phạm nhân quyền. Bởi quyền thích chụp ảnh là quyền của cá nhân mỗi người, không thể đưa vào quy định pháp luật như vậy được”. |
*Vì sao lại cấm những người đẹp, người mẫu chụp ảnh khỏa thân?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận