Ban tổ chức chương trình Ngày của phở trao tặng hoa, cảm ơn các đơn vị đồng hành với chương trình Ngày của phở năm nay - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại cuộc họp báo công bố Ngày của phở 12-12 chủ đề "Phở Việt - Thăng hoa ẩm thực Việt" được tổ chức ở Vinpearl Luxury hotel ngày 30-9, ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết sự kiện năm nay không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh một món ăn, giá trị văn hóa mà còn là sự đóng góp vào quá trình hồi phục của ngành du lịch Việt Nam trong những ngày bình thường mới.
Ngày càng nhiều người trên thế giới biết đến phở
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết bước vào năm thứ 4 đồng hành với Ngày của phở, ông rất vui vì chương trình đạt được những thành công nhất định. Không chỉ người dân Việt Nam mà nhiều người trên thế giới cũng đã biết đến, điều đó có nghĩa ngày càng có nhiều người quan tâm đến món phở.
"Hằng năm chúng tôi có những cuộc thăm dò, khảo sát và đo mức độ hài lòng của người tiêu dùng về món phở để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm phở mà chúng tôi sản xuất. Hơn ai hết, những người tổ chức đều kỳ vọng ngày kỷ niệm món phở còn kéo dài nhiều năm sau nữa, điều mà Ngày của phở ở Nhật Bản đang làm rất thành công", ông Kajiwara Junichi nói.
Theo vị tổng giám đốc người Nhật, ngày tôn vinh phở Việt ở Nhật Bản diễn vào ngày 4-4 hằng năm. Trong 6 năm qua, cứ đến dịp này, tại các siêu thị, quán ăn ở Nhật đều có những hoạt động, lễ hội để quảng bá, giới thiệu món ăn Việt Nam với người Nhật Bản, nhờ đó món ăn này trở nên gần gũi hơn.
Ông Đỗ Văn Dũng cho biết các giá trị này sẽ tiếp tục được thể hiện trong Ngày của phở năm nay, mà buổi họp báo là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động ý nghĩa đó.
"Trong một bối cảnh rất đặc biệt cả nước vừa trải qua thời gian khó khăn, giãn cách xã hội, Ngày của phở 12-12 đem đến cảm xúc đặc biệt và ban tổ chức hi vọng Ngày của phở còn mang thêm ý nghĩa như sự góp sức trong quá trình phục hồi các hoạt động của ngành du lịch, vốn đang chịu nhiều tổn thất do dịch COVID-19.
Sự kiện cũng là hoạt động văn hóa đem đến một sinh khí mới cho công chúng, từ đó chúng ta có những cảm hứng, suy nghĩ tích cực lạc quan hơn về cuộc sống", ông Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
“Qua mỗi năm, chúng ta đều nhận thấy Ngày của phở 12-12 bộn bề công việc hơn, trách nhiệm nhiều hơn với món phở Việt. Cần sớm định chuẩn lại món phở, từ đó có thể mỗi người bằng sự cảm nhận, kỹ năng khéo léo riêng làm thăng hoa phở Việt, đưa phở từ một món ăn bình dân thành di sản văn hóa phi vật thể.
Tỉ phú đôla của phở, tại sao không?
Chia sẻ dí dỏm tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - nói sau những ngày ở nhà, tuân thủ giãn cách xã hội thì đây là thời điểm chúng ta thưởng thức phở. Có lẽ vì thế mà Ngày của phở năm nay sẽ được chờ đón nhiều hơn, tâm trạng háo hức hơn.
Theo ông Thọ, phở từ món ăn đường phố, món ăn sáng của người dân Việt thì ngày nay đã trở thành món ăn thực dưỡng, nóng hổi mà ai cũng có thể thưởng thức đủ "ngày 3 bữa" thay thế cho cả bữa ăn sáng, trưa, tối. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những nhà hàng độc tôn phở, những thương hiệu phở lâu đời ở khắp đất nước. Đây cũng là món ăn có thị phần, doanh thu lớn trong thị trường ẩm thực Việt.
"Nhưng để trở thành một món ăn phổ biến trên thế giới hơn nữa, không chỉ để kiếm sống mà còn làm giàu từ món phở thì chúng ta phải có chuỗi nhà hàng phở", ông Thọ nhấn mạnh và đặt ra kỳ vọng Ngày của phở 12-12, một sự kiện do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Acecook, sẽ thúc đẩy món phở lên một tầm mới.
Trên thế giới, chúng ta có tỉ phú đi lên từ món lẩu Đài Loan, hay chuỗi nhà hàng dimsum, cơm gà Hải Nam... Các hệ thống này với sự hiện diện lên đến hàng trăm cửa hàng khắp thế giới, doanh thu tỉ USD. Và phở Việt cũng cần vươn đến điều đó.
"Chúng ta có bao nhiêu tỉ phú USD về phở thực sự? Phở Việt đang phát triển khắp nơi, phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ chứ chưa phát triển thành chuỗi được. Ngày của phở sẽ đem một cảm hứng mới về khởi nghiệp với món phở", ông Thọ đặt kỳ vọng.
Nói về nâng cao giá trị món phở thì không thể không nhắc đến hạt gạo, nguyên liệu chính làm nên sợi phở. Ông Trần Ngọc Trung - giám đốc Công ty Vinh Phát - cho biết những nhà sản xuất gạo luôn mong muốn tìm nhiều loại gạo ngon để có thể sản xuất ra những sợi phở ngon.
Theo ông Lê Tân - tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực Việt Nam mà trước tiên là món phở đi ra thế giới, nâng cấp lên một giá trị mới là tâm huyết và đích đến mà những người tổ chức Ngày của phở đang vươn tới.
"Chúng tôi cũng bàn đến đưa phở vào chuỗi khách sạn 5 sao, xuất hiện trong các thực đơn đón khách của nhà hàng, khách sạn... cao cấp. Nhưng muốn vậy phải định tính, định chuẩn được món phở, và yếu tố không thể thiếu là nghệ nhân, nhân chứng sống tạo nên những món ngon đó. Những giá trị này đều tìm thấy trong Ngày của phở hằng năm.
Thông qua hoạt động chuỗi Ngày của phở, các giá trị, nét đẹp của món ngon này được truyền thông đến người dân, cộng đồng. Nhưng để phở đi xa hơn, đóng góp giá trị kinh tế nhiều hơn thì cần có sự tham gia của nhiều thành phần hơn nữa như Tổng cục Du lịch, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài", ông Tân chia sẻ.
Nhiều hoạt động thú vị, kết nối, lan tỏa với người yêu phở
Ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam - tìm hiểu thông tin Ngày của phở năm 2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Điểm mới năm nay là hành trình "Đi tìm người nấu phở ngon" sẽ mở thêm bảng B dành cho người yêu phở không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, giúp tạo thêm sân chơi cho những bà nội trợ, những người đam mê món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.
Cuộc bình chọn "Top 10 thương hiệu phở được yêu thích" tiếp tục sẽ là hoạt động hứa hẹn mang lại nhiều yếu tố bất ngờ. Bên cạnh đó, cuộc thi ảnh và viết với chủ đề "Phở trong tôi" cũng được ban tổ chức công bố trong chuỗi sự kiện lần này.
Ban tổ chức hi vọng có nhiều bức ảnh, bài viết đầy cảm xúc sẽ lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia, của những vị giám khảo khó tính nhưng luôn hết mình vì phở Việt.
Điểm nhấn của Ngày của phở 12-12 năm nay sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Và vào ngày hôm sau, 13-12-2020, ban tổ chức sẽ mang phở đến với trẻ nghèo vùng sâu của tỉnh Nam Định, nơi được xem là khai sinh ra phở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận