07/07/2019 06:57 GMT+7

Cấm đồ nhựa dùng một lần được không?

T.V.NGHI - N.HIỂN - N.BÌNH ghi
T.V.NGHI - N.HIỂN - N.BÌNH ghi

TTO - Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định: VN quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Cấm đồ nhựa dùng một lần được không? - Ảnh 1.

Nhiều ly nhựa có mặt trên xe bán hàng rong tại chợ Hạnh Thông Tây, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI

Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đáng hoan nghênh nhằm giải quyết vấn đề này. Và việc đòi hỏi các doanh nghiệp hướng đến mô hình kinh doanh xanh, có trách nhiệm bền vững hơn với môi trường cũng là điều phù hợp.

Ông Nicolas Audier (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN)

Với cái mốc 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra - nghĩa là VN chỉ còn 4 năm nữa để hành động - liệu chúng ta có làm được không?

Ông Nicolas Audier (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN - EuroCham): Tổ chức các hoạt động giảm thải nhựa

Tôi lấy ví dụ từ EuroCham. Khi chúng tôi phát động "Sáng kiến bền vững" không sử dụng chai nước nhựa một lần vào tháng 11-2017 cho tất cả hội viên trong hiệp hội, đến nay chúng tôi đã ngăn được việc tiêu thụ gần 186.000 chai, tương đương khoảng 2,6 tấn nhựa, một con số vượt xa suy nghĩ của chúng tôi khi bắt tay vào thực hiện chương trình. 

Như vậy, hoàn toàn có thể phát triển rộng hơn với nhiều hành động thiết thực, cụ thể khác. Nó cũng cho thấy rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề môi trường nghiêm trọng không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới.

Hiện Liên minh châu Âu đã đề xuất một lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần như ống hút trên tất cả các quốc gia thành viên vào năm 2021. Lệnh cấm này nhằm hướng đến việc giảm sử dụng các mặt hàng nhựa khác như hộp đựng thức ăn và đồ uống. Tôi cho rằng đây là thông tin rất đáng chú ý để người VN nói chung, có thêm nhận thức điều chỉnh hành vi thói quen sử dụng đồ nhựa của mình một cách hợp lý hơn.

Cấm đồ nhựa dùng một lần được không? - Ảnh 3.

Bức ảnh chụp cảnh rác thải nhựa trên sông đã gây ấn tượng cho người xem - Ảnh: TTO

Bà Huỳnh Thị Mỹ (tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN): Phải có biện pháp hướng dẫn ngư dân xử lý rác nhựa trên biển

Việc VN bị các tổ chức quốc tế "điểm mặt", buộc phải chịu trách nhiệm về tốp 5 quốc gia xả rác nhựa nhiều nhất ra đại dương hiện nay không phải là không có lý do.

Vì chúng ta có nền kinh tế biển. Để duy trì và phát triển ngư trường, thì không thể tách rời các tàu đánh cá, cùng các phương tiện tối thiểu của ngư dân khi đánh bắt cá xa bờ. 

Tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ cùng các cơ quan chức năng giám sát ngư trường cần có những biện pháp cấp bách hướng dẫn ngư dân xử lý rác thải nhựa trong suốt quá trình khai thác thủy sản, cùng với nỗ lực của toàn xã hội trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa trên đất liền.

Nếu không thì viễn cảnh khiến VN rơi vào điểm trũng khủng hoảng khó xử lý nguồn thải nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường là tất yếu.

Bà Trương Thị Thu Giang (phó giám đốc ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel): Không phục vụ ly nhựa, ống hút nhựa trong tour du lịch

Tính trung bình một công ty du lịch thải ra 47.000 túi/năm, 90.000 ly nhựa dùng 1 lần/năm, 2,5 triệu chai nước khoáng cho khách đi tour hằng năm, 2,9 triệu vật dụng nhựa khác trong quá trình đi tour cũng như hoạt động du lịch.

Vấn đề này có tác động lớn đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên của VN. Ngành du lịch hiện nay chịu ảnh hưởng tiêu cực từ ô nhiễm môi trường.

Chúng tôi cũng có quy định hạn chế sử dụng túi nilông đến khách hàng, hạn chế sản phẩm nước đóng chai còn sử dụng màng co nắp chai... Ngoài khuyến khích và đưa ra nhiều quy định mới trong nội bộ, với du khách, công ty cũng đã gửi thông báo đến các nhà hàng, khách sạn có phục vụ bữa ăn cho đoàn khách ngưng cung cấp sẵn ống hút nhựa và không chấp nhận việc phục vụ ly nhựa xài một lần trong các bữa ăn khách đoàn.

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng dự án "Go Green - Du lịch không xả rác" với mục tiêu kết nối chiến dịch này trong toàn ngành du lịch, qua đó nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch đến vấn đề môi trường du lịch. 

Nhưng nỗ lực của một công ty sẽ không đủ, chúng tôi vừa có đề xuất dự án này lên Tổng cục Du lịch. Mục tiêu của dự án nhằm phát động phong trào không xả rác ở khu vực sinh sống và đặc biệt là các điểm tham quan du lịch, góp phần vào chiến lược phát triển du lịch VN bền vững.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin với quyết tâm của toàn xã hội, loại bỏ rác thải nhựa xài một lần là hoàn toàn khả thi trong vài năm tới.

Cấm đồ nhựa dùng một lần được không? - Ảnh 4.

Ly nhựa, ống hút nhựa được dùng rất nhiều trong các quán caphe ở Việt Nam - Ảnh: TTO

Anh Ngô Chí Hùng (công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM): Hi vọng cống rãnh không còn rác thải nhựa

Biết được tin này tôi và các đồng nghiệp rất mừng, hy vọng một ngày nào đó cống rãnh ở TP.HCM sẽ không còn rác thải nhựa nữa. Hiện nay, có những đoạn cống bên dưới toàn là bao bì nilông, vỏ hộp xốp thức ăn, ống hút, ly nhựa, ly cà phê... ùn ứ rền đặc cả cống.

Mỗi lần như thế, chúng tôi phải xuống cống hốt lên rất cực. Chưa kể bao bì nilông, rác thải ùn ứ trên miệng cống, che lấp miệng cống gây tình trạng ngập giả, khiến nước không thoát xuống được khi trời mưa to.

Những lúc như thế, chúng tôi lại phải đội mưa đi khơi thông miệng cống. Do đó, việc hạn chế rác thải nhựa dùng một lần vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa giúp công nhân chúng tôi rất nhiều khi khỏi phải bỏ công đi hốt lại những thứ đó.

Bên cạnh chuyện cấm, nếu người dân biết ý thức bỏ rác đúng chỗ, đúng nơi quy định nữa thì tôi tin cống rãnh ở TP này sẽ không còn bóng dáng rác thải nhựa.

Chị Mai Thị Thu Hằng (Tổ chức Việt Nam tái chế): Mong các sản phẩm thân thiện môi trường giá rẻ hơn

Việc cấm rác thải nhựa một lần là rất hay, tốt cho môi trường sống của chúng ta và thay đổi thói quen của người bán cũng như người dùng.

Tuy nhiên, xét mặt kinh tế thì tôi cho rằng thời gian đầu sẽ khó khăn cho doanh nghiệp, người kinh doanh lẫn người sử dụng bởi các sản phẩm sinh học hiện nay đắt hơn các sản phẩm nhựa, nilông. Với những người có điều kiện thì sẽ không sao, còn với những người thu nhập thấp có thể bị ảnh hưởng. 

Mong rằng sau này sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, khi đó giá thành các sản phẩm này sẽ rẻ hơn. Tôi cho rằng việc cấm này cần phải có thời gian, trước mắt khuyến khích người dân thay đổi thói quen mua sắm, sử dụng, sau đó mới đến việc cấm hay là loại hẳn các sản phẩm nhựa một lần.

Cấm đồ nhựa dùng một lần được không? - Ảnh 5.

Ống hút trà sữa làm bằng bột gạo - Ảnh: TTO

Hiện nay, tôi luôn dùng các túi tự hủy, thân thiện với môi trường khi đi siêu thị, nếu các bao nilông còn sạch thì tôi vẫn tái sử dụng. Nhiều người đi chợ cũng xách giỏ theo hoặc mang theo các loại túi dùng nhiều lần nên việc đầu tiên là đẩy mạnh khuyến khích để toàn bộ người dân hạn chế mua sắm, dùng các sản phẩm nhựa một lần, sau đó mới tiến đến áp dụng các biện pháp cứng rắn.

Lê Thị Thanh Hương (sinh viên năm 4 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): VN có nhiều chất liệu thiên nhiên để thay thế

Là người đang cố gắng hướng đến lối sống xanh 100%, giảm rác thải nhựa, tôi rất mừng vì bên cạnh các doanh nghiệp, Chính phủ đã có những động thái tích cực, tác động mạnh đến ý thức người dân chứ không chỉ là những dự định suông.

Tôi vẫn thường thuyết phục mọi người xung quanh cùng sống "xanh", song không mấy hiệu quả. Tôi hi vọng kế hoạch này sẽ là đòn bẩy, giúp mọi người từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa dễ dàng hơn.

Khi thực hiện lộ trình này, một thuận lợi lớn đó là VN có nhiều chất liệu gần gũi thiên nhiên, dễ tìm thấy ở khắp nơi như lá chuối, mây, tre hoặc các sản phẩm làm từ gạo, bột mì, bã mía… nên sẽ không quá khó để tìm vật liệu thay thế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thử thách khi cấm đồ nhựa dùng một lần. Chẳng hạn các bạn trẻ như mình thường sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến, song các quán ăn chủ yếu sử dụng túi nilông, hộp, muỗng nhựa dùng một lần, vài quán dùng loại hộp thân thiện thì giá thành lại cao.

Hay khi mua nước tại các cửa hàng, hàng rong, người bán vẫn quen cho thêm ống hút nhựa, túi nilông, kể cả khi khách không có nhu cầu. Một số quán cà phê đã thay thế ly nhựa bằng ly giấy dùng một lần, song thực chất ly giấy vẫn tráng một lớp nhựa bên trong và dĩ nhiên phải chặt cây để sản xuất giấy.

HỮU DUYÊN ghi

"Luật hóa" chống rác thải nhựa 'Luật hóa' chống rác thải nhựa

TTO - Xu hướng giảm rác thải nhựa, bao bì nilông ở Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực, khi nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cùng thực hiện.

T.V.NGHI - N.HIỂN - N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên