28/09/2014 09:23 GMT+7

​Cai nghiện “thân thiện” khó giữ được học viên

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm (phải) trao đổi với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: Võ Văn Thành
Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm (phải) trao đổi với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: Võ Văn Thành

 

 

Sự kiện trên do​ Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 27-9.

Đề cập sự việc hàng trăm học viên cai nghiện ở Hải Phòng trốn trại vừa qua, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết có thông tin một trong những lý do dẫn đến sự việc này là do đối xử không bình đẳng, coi người nghiện là tệ nạn xã hội nên đã dẫn đến phân biệt.

Bệnh nhân hay tệ nạn?

Bà Thủy đặt câu hỏi: “Đang có dư luận trái chiều về việc nếu như hiện nay chúng ta không coi người nghiện là tệ nạn xã hội, mà coi họ như bệnh nhân thì chỉ cần chữa trị, giáo dục tại cộng đồng và gia đình có được không?”.

Một số ý kiến khác trong Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng nêu vấn đề quy định pháp luật đã xác định người nghiện ma túy là bệnh nhân, không phải đối tượng tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, quan điểm đối xử đã thay đổi nhưng chuỗi giải pháp và hành động có liên quan của các cơ quan chức năng vẫn chưa thay đổi.

Trước các ý kiến nêu trên, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng người nghiện ma túy vừa là vấn đề tệ nạn vừa là vấn đề bệnh tật. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ nguy hiểm, có thể dẫn đến tội phạm.

Trường hợp Lê Văn Luyện ở Bắc Giang thể hiện đúng như vậy, chưa đầy 18 tuổi mà giết người là khi lên cơn, thiếu thuốc. Do vậy, người nghiện ma túy cần phải được chữa trị và quản lý.

Ở Trung Quốc đưa ra mô hình cai nghiện giao Bộ Công an quản lý, đó là sự kết hợp giữa y tế, lao động và sự quản lý của công an. Cai nghiện trong thời gian ba năm, nếu khi về mà tái nghiện thì chính quyền địa phương có quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Về phía Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết bộ này đã trình Chính phủ ban hành nghị định về đổi mới công tác cai nghiện, trong đó khẳng định rõ coi người nghiện ma túy là bệnh nhân, chủ yếu khuyến khích họ tự nguyện chữa bệnh và phần lớn người nghiện sẽ được cai nghiện tại cộng đồng, gia đình.

“Nếu chúng ta chuyển hoàn toàn sang quan điểm coi người nghiện là người bệnh thì phải thay đổi một số quy định pháp luật. Vì vậy chúng tôi đề xuất có luật về điều trị và dự phòng nghiện ma túy” - ông Đàm nói.

Duy trì các cơ sở cai nghiện bắt buộc

Chất vấn lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nói hiệu quả của việc cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện bắt buộc lâu nay rất khiêm tốn, khi mục tiêu không đạt được có cần thiết duy trì hình thức này không?

“Nếu coi người nghiện ma túy là người bệnh mà áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm bắt buộc, thực chất là xử phạt hành chính, liệu có phù hợp? Nếu là bệnh nhân thì sao không chỉ là Bộ Y tế mà có cả Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Bộ Công an?” - ông Châu hỏi.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận đối với diện cai nghiện bắt buộc thì hiệu quả hết nghiện rất thấp, tuy nhiên mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cũng là mục tiêu quan trọng. Vì vậy vẫn phải duy trì ở mức độ cần thiết các trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Về việc học viên cai nghiện trốn trại, ông Đàm nói nhìn chung các học viên khi vào trung tâm luôn nghĩ mình bị bắt buộc phải vào, chứ không phải vào đây để nhận được sự trợ giúp. Hơn nữa, ở các trung tâm có một bộ phận cộm cán chuyên gây sự đánh nhau, kích động các học viên khác.

Từ thực tế này, các trung tâm thường phải bố trí “tường cao, rào sâu”. Đối với trung tâm xảy ra sự việc học viên trốn ra ngoài ở Hải Phòng là trung tâm đang muốn chuyển sang mô hình thân thiện, sao cho ngoài nhìn vào không thấy có sự ép buộc nên tường rào không bố trí như các trung tâm khác.

“Các đối tượng cộm cán đã lợi dụng cổng mở, kích động học viên khác hùa nhau về. Khi họ ra về, vì anh em muốn theo tinh thần tự nguyện nên cũng tôn trọng, để học viên về, chỉ đi theo để giữ trật tự. Đến nay trong tổng số 324 người trốn về có 159 học viện tự nguyện quay lại” - ông Đàm nói.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khẳng định quan điểm coi người nghiện ma túy là đối tượng bị bệnh mãn tính và phải điều trị. Nhưng người bệnh này là đối tượng đặc biệt, liên quan đến việc phòng ngừa tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, do vậy trong trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật vẫn phải dùng biện pháp hành chính để xử lý (đưa vào trung tâm).

Muốn đưa người nghiện vào trung tâm cần 16 biểu mẫu

Tại phiên giải trình, các cơ quan chức năng cho biết ở thời điểm cuối tháng 8-2014, cả nước có 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tất cả tỉnh, thành, gần 90% quận, huyện và khoảng 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy. Số người nghiện tăng qua từng năm.

Đa số người nghiện sử dụng heroin (72%), nhưng tỉ lệ người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm dần, trong khi tỉ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp lại tăng hằng năm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói nghiện ma túy thực chất là bệnh, nhưng còn liên quan đến mại dâm, cờ bạc, bảo kê, tệ nạn xã hội...

“Trong thực tiễn khi chúng ta vào các vùng hay gia đình có người nghiện ma túy, cảm giác thật sự là sợ. Ví dụ như ở Quảng Ninh có những nghĩa trang toàn hoa trắng, hay có những gia đình trong hai tháng chết ba người con trai” - ông Đam nói.

Phó thủ tướng khẳng định thời gian tới “dứt khoát phải làm quyết liệt hơn”, trong đó có việc giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính khi đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung có tính chất bắt buộc.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết hiện nay việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính để đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc còn hai vướng mắc: thứ nhất là xác định tình trạng nghiện và thứ hai là quy trình còn phức tạp với 16 biểu mẫu văn bản có liên quan.

“Nếu không cải cách thủ tục hành chính thì còn chậm, dẫn đến gây rối trật tự an toàn xã hội. Tôi biết Công an TP.HCM nan giải với nhóm này, nhưng không đưa vào được. Chúng ta phải khẩn trương” - bà Mai nói.

* Ông NGUYỄN THÀNH TÀI (nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM):

Đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp trúng

Việc Bộ Lao động - thương binh và xã hội kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về công tác cai nghiện ma túy và xây dựng Luật điều trị và dự phòng nghiện ma túy tại phiên giải trình phần nào cho thấy tình hình thực tế đang diễn biến theo chiều hướng không ổn.

Mới đây, vụ “vỡ trại” cai nghiện ở Hải Phòng lại đặt ra nhiều vấn đề bất cập về quản lý cũng như mô hình quản lý cai nghiện.

Cách làm hiện nay cho chúng ta cảm giác cuộc chiến chống ma túy đang dần mất lửa: Sự phối hợp chưa có, trách nhiệm chưa rõ, làm theo kiểu trách nhiệm hành chính ở từng cấp chứ chưa thấy được sự nhiệt tình và quyết tâm chính trị cao, thiếu một sự dũng cảm để đánh giá kết quả thực chất.

Quốc hội có cần ra nghị quyết chuyên đề và xây dựng luật mới về vấn đề này hay không - chuyện này chưa nên vội vã. Nên chăng việc cần làm bây giờ là soát xét, đánh giá lại một cách khách quan, nghiêm túc tất cả những gì chúng ta đã làm.

Đây là vấn đề khoa học, đồng thời cũng rất nhạy cảm, liên quan đến số phận con người, không thể chạy theo thành tích để có một báo cáo đẹp.

Các ngành các cấp cần ngồi lại, thẳng thắn với nhau rà xem về mặt pháp lý quy định nào phù hợp, quy định nào chưa? Việc không thực hiện được là do hành lang pháp lý hay do cách tổ chức không ổn. Nếu thủ tục nào đặt ra làm hạn chế, cản trở mục tiêu cuối cùng thì thủ tục đó cần phải xem lại.

* Ông NGUYỄN THANH AN (trưởng phòng xã hội Lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM):

Người nghiện không thể coi là người bệnh chung chung

Tôi đồng tình với quan điểm coi người nghiện là người bệnh, nhưng cách chữa bệnh cho người nghiện có những đặc thù riêng.

Họ cần được chữa trị bằng nhiều hình thức khác nhau và phải tổ chức trong một khu vực nhất định, có sự điều chỉnh, quản lý bởi khi trải qua các giai đoạn cắt cơn, giải độc, hồi phục sức khỏe, họ sẽ có những hành vi mà chính họ cũng không kiểm soát, ý thức được...

Hiện nay, ngoài hơn 3.000 học viên đang cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai tại bốn trung tâm do Lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM quản lý, đơn vị cũng có khoảng 300 người bệnh cai nghiện dịch vụ.

Mặc dù không có sự hỗ trợ rõ ràng cho người cai tự nguyện, nhưng thực tế giá dịch vụ đã mềm hơn nhiều so với các cơ sở cai nghiện tư nhân. Tuy nhiên những gia đình đưa con em đến đây đa số đều có điều kiện, gia đình hộ nghèo, khó khăn rất khó tiếp cận dịch vụ này.

* Ông PHẠM ĐỨC TRUNG (phó Phòng lao động - thương binh và xã hội quận Thủ Đức, TP.HCM):

Hỗ trợ sau cai quan trọng hơn cai nghiện

Các chính sách, quy định cần tập trung vào việc hỗ trợ sau cai nghiện, bởi việc cắt cơn nghiện không khó nhưng công tác hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người bệnh có cuộc sống bình thường, ổn định, không tái nghiện mới là khó.

Hiện nay dù tại các trường, trung tâm người nghiện được đào tạo có tay nghề, nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn rất e ngại, thậm chí không nhận người nghiện.

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY ghi

 

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên