10/10/2016 16:28 GMT+7

Cai nghiện bằng cách đóng... quan tài

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Không chỉ gây choáng váng với chủ trương thẳng tay giết những tội phạm ma túy bất tuân lệnh cảnh sát, chiến dịch chống ma túy ở Philippines còn có cả biện pháp khá kì lạ: cho người nghiện ma túy học làm quan tài.

Người cai nghiện ma túy học làm quan tài ở Olongapo - Ảnh: Reuters

Trong khuôn khổ chiến dịch càn quét tệ nạn mà túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động trên toàn quốc hồi cuối tháng 6 vừa qua, đến nay đã có hơn 700.000 người nghiện ma túy và kẻ buôn bán ma túy đăng ký “đầu hàng” với chính quyền để được hưởng khoan hồng.

Theo hãng tin Reuters, hiện có khá ít các chương trình cũng như cơ sở hỗ trợ dành cho các đối tượng này.

Tuy nhiên, tại thành phố Olongapo nằm phía bắc Manila, cách thủ đô Philippines khoảng 3 giờ xe hơi, người cai nghiện ma túy được học nghề mộc và được trả công 5.000 peso (103 USD) một tháng để làm quan tài gỗ.

Đây là hoạt động thuộc chương trình điều trị và hỗ trợ sinh kế cho người nghiện ma túy của chính quyền địa phương.

“Tôi biết rằng nếu mình không thay đổi, chỗ của mình sẽ là 1 trong những chiếc quan tài này”, một người đàn ông 44 tuổi xin giấu tên chia sẻ với Reuters.

Hiện ông đang làm việc tại một xưởng sản xuất nhỏ cùng 9 người cai nghiện khác.

Theo các quan chức địa phương, những quan tài gỗ này được đóng dành cho các gia đình nghèo nhất thành phố, những người không có khả năng tổ chức tang lễ.

Trong hơn 3 tháng qua, có ít nhất 400 người nghiện ma túy đã ra đầu hàng với cảnh sát Olongapo.

Người từng sử dụng ma túy học làm quan tài ở Olongapo - Ảnh: Reuters

Kể từ khi chiến dịch càn quét tội phạm ma túy được phát động ở Philippines, hơn 3.600 người đã bị giết, chủ yếu là người bị tình nghi sử dụng ma túy hoặc và những tay buôn bán ma túy.

Theo kết quả cuộc khảo sát công bố hôm 7-10 do Viện nghiên cứu xã hội Social Weather Stations ở Philippines tiến hành trên 1.200 người, có 84% người tham gia khảo sát cho biết họ “hài lòng, hoặc hài lòng vừa phải” với chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte.

Tuy nhiên, hầu hết những người tham gia khảo sát cũng cho biết họ nghĩ nên "bắt sống" những người bị tình nghi.

Người từng sử dụng ma túy học làm quan tài ở Olongapo - Ảnh: Reuters

Người từng sử dụng ma túy học làm quan tài ở Olongapo - Ảnh: Reuters

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên