31/08/2017 14:43 GMT+7

Cải lương và xiếc cùng kêu khổ khi chưa có một mái nhà

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong ngày 30-8, Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM có buổi làm việc với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát nghệ thuật Phương Nam để thảo luận những vấn đề còn vướng mắc ở hai nhà hát này.

Rạp bạt của nhà hát tại công viên Gia Định (TP.HCM) có hạn sử dụng từ 5-7 năm nhưng đã được dùng đến 23 năm. Trong ảnh: Khán giả nhí xem xiếc  tại rạp bạt của công viên Gia Định - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi cho rằng cải lương là cái hồn của thành phố, nét văn hóa đặc trưng riêng của thành phố. Chúng ta phải xác định đúng tầm để có chiếc lược cho sự phát triển.

Ông Nguyễn Minh Nhật (phó Ban Đô thị HĐND TP.HCM)

Trong buổi làm việc sáng 30-8 với Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, ban giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã trình bày rất nhiều khó khăn (từng được Tuổi Trẻ phản ánh trong nhiều bài viết trước đây) khi chỉ tiếp nhận nhà hát mới được vài tháng nay, mà lại là nhà hát “lỗi” và đang phải chỉnh sửa thêm.

Nhà hát Trần Hữu Trang: nhiều vấn đề bế tắc

Bên cạnh những khó khăn, vấn đề NSND Trần Ngọc Giàu đặt ra là nỗi đau đáu của những người làm nghề.

Ông nói: “Cái nôi của nghệ thuật cải lương là đất Nam Bộ. Nếu không nhìn Nhà hát Trần Hữu Trang như một đơn vị tiêu biểu thì rất khó khăn trong việc giữ gìn chứ chưa nói đến việc phát triển cải lương.

Trước đây, Trần Hữu Trang là nhà hát cấp 1 trực thuộc bộ, sau đó thành phố xin về thành nhà hát cấp 2 thuộc thành phố.

Trong khi nhà hát cải lương quốc gia đang nằm ở Hà Nội, đó là điều nghịch lý. Cho nên tôi đề nghị thành phố, nếu xem cải lương là di sản thì phải có chiến lược để giữ gìn và nhà hát như một bảo tàng cần có sự đầu tư của Nhà nước”.

NSND Trần Ngọc Giàu nói nếu chúng ta không có tầm nhìn và bộ cũng không đầu tư vào nhà hát như một nơi tiêu biểu vừa biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu gìn giữ sân khấu cải lương thì nhà hát cũng chỉ là nơi đơn thuần dàn dựng và biểu diễn, không làm được gì to lớn hơn.

Vì chưa có sự đầu tư đúng mức nên theo ông Giàu, nhà hát vẫn còn bế tắc trong nhiều vấn đề. Kinh phí dựng vở thấp (khoảng 300-400 triệu đồng/vở) nên êkip dàn dựng vẫn phải chật vật xoay xở. Lương thấp, quy định biên chế cứng nhắc, vướng mắc trong việc đào tạo diễn viên.

Theo thống kê cá nhân ông, 90% nghệ sĩ, ngôi sao sân khấu cải lương không xuất thân từ lò đào tạo Trường Sân khấu - điện ảnh mà từ lò đào tạo của nhà hát, học trực tiếp theo phương pháp truyền nghề nhưng việc đào tạo vẫn phải thông qua các trường mới nhận được chứng chỉ.

Ông Cao Anh Minh - phó tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM đồng tình với ông Trần Ngọc Giàu:

“Tôi tâm đắc với kiến nghị nhà hát trở thành trung tâm nghiên cứu nghệ thuật cải lương.

Đài truyền hình TP.HCM và nhà hát có thể phối hợp để chúng ta cùng tìm cách tiếp biến cải lương như thế nào.

Tiếp cận giới trẻ từ rất sớm để đến giai đoạn nào đó các bạn sẽ thấm, sẽ yêu cải lương hơn!”

Đạo diễn Thái Kim Tùng có sự đồng cảm với các nghệ sĩ xiếc:

“Nhà tôi gần công viên Gia Định, tôi vẫn thường thấy các chú hề chạy xe đọc loa quảng cáo chương trình xiếc quanh chợ Gò Vấp.

Nhìn thương lắm! Nghệ sĩ xiếc khi biểu diễn, đôi khi rủi ro có thể đánh đổi cả tính mạng. Rất cần một nhà hát xứng đáng dành cho họ!”

Vở Đời như ý của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - ảnh: Linh Đoan
Vở Đời như ý của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - ảnh: Linh Đoan

Hạn sử dụng 5-7 năm, dùng tới 23 năm!

Chiều 30-8, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tiếp tục khảo sát tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam.

Ông Nguyễn Đức Thế - giám đốc nhà hát - đưa ra thông tin khiến mọi người tham gia buổi khảo sát hết sức lo lắng:

“Cơ sở vật chất của nhà hát hiện rất cũ kỹ. Rạp bạt của nhà hát tại công viên Gia Định sử dụng đã 23 năm.

Đây là rạp được mua từ Singapore và hạn sử dụng chỉ từ 5-7 năm, vậy mà đến nay chúng tôi vẫn phải tận dụng. Mỗi khi biểu diễn chúng tôi thật sự lo lắng cho an toàn của nghệ sĩ và khán giả”.

Chưa kể, rạp chỉ phù hợp biểu diễn cho xiếc, còn từ khi sáp nhập đoàn rối và xiếc từ năm 2015, rối vẫn chưa có địa điểm biểu diễn, phải đi thuê đi mướn.

Ông Thế cho biết nhà hát đã đề xuất xin trang bị một rạp xiếc biểu diễn lưu động 1.000 chỗ ngồi với kinh phí dự trù 10 tỉ đồng.

Ông Tăng Hữu Phong - thành viên ban khảo sát - cho rằng rạp bạt là nơi biểu diễn chính, mà đã sử dụng tới 23 năm thì quá nguy hiểm, đặc biệt khi khán giả chủ yếu là thiếu nhi.

Trong khi đó, bà Tuyết Nhung, trưởng ban, tỏ ra nóng ruột và nhắc nhở cán bộ Sở VH-TT: “Kinh phí 10 tỉ đồng nằm trong thẩm quyền của sở, không cần phải thông qua hội đồng, ủy ban nên các đồng chí quan tâm giải quyết sớm cho nhà hát, đừng chậm trễ!”

Vở Hiu hiu gió bấc của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - ảnh: Linh Đoan
Vở Hiu hiu gió bấc của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - ảnh: Linh Đoan
LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên