08/12/2018 10:53 GMT+7

Cải lương trong cơn 'tai biến'

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tại sao suốt những năm 1990 đến nay rất hiếm thấy được một kịch bản, vở diễn có sức sống lâu dài? Mỗi mùa hội diễn, hàng trăm huy chương, giải thưởng được trao mà công chúng vẫn không nhớ đến?

Cải lương trong cơn tai biến - Ảnh 1.

NSƯT Minh Vương và nghệ sĩ Phượng Liên trong vở Nửa đời hương phấn - Ảnh: LINH ĐOAN

Ca từ cũng cần được chú ý, những lời lẽ ngày xưa được trau chuốt, đầy chất văn học nên đi vào lòng người, còn bây giờ tôi thấy vẫn còn những ca từ rất sáo rỗng.

Đạo diễn CA LÊ HỒNG

Đó là những câu hỏi đã được đặt ra ở tọa đàm khoa học "Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương (giai đoạn 1955-1975)" sáng 7-12 tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Tọa đàm do trường phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước khiến không khí tọa đàm sinh động khi vừa phát biểu vừa minh họa bằng các bài bản tài tử - Video: Linh Đoan

Nhìn lại một thời vàng son

Trong đề dẫn tọa đàm, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc lý giải việc chọn giai đoạn 1955-1975 vì đó là thời điểm được giới sân khấu coi là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương.

Giai đoạn này sân khấu cải lương hội tụ tất cả tiêu chí của nghệ thuật trình diễn: Có nhiều kịch bản hay từ lực lượng tác giả hùng hậu, từ những tác giả đàn anh trong nghề đến lực lượng tác giả trẻ thời đó như Năm Châu, Mộng Vân, Lê Hoài Nở, Tư Chơi, Tư Trang, Viễn Châu, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, Quy Sắc, Thiếu Linh, Ngọc Linh, Phi Hùng, Tần Nguyên, Trần Hà...

Có một lực lượng nghệ sĩ tài năng, tiêu biểu như Thanh Nga, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Kim Cúc, Ngọc Giàu, Diệp Lang, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Minh Cảnh, Phượng Liên, Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Tòng, Bạch Lê, Đức Lợi...

Có một đội ngũ ông bà bầu giỏi nghề lèo lái các gánh hát như bà bầu Kim Chưởng, bà bầu Thơ, ông bầu Long...

Âm nhạc có sự phát triển nhiều bài bản, đưa cả sáng tác mới vào cải lương. Âm thanh, ánh sáng, cảnh trí được đầu tư với quan điểm sân khấu phải Thật và Đẹp của NSND Năm Châu.

Giai đoạn này cả trăm gánh hát ra đời nên có một sự cạnh tranh khán giả rất lớn.

Vì vậy, các đoàn phải nỗ lực tìm kiếm để tạo cho mình phong cách khác biệt, ví dụ như chuyên về tâm lý xã hội; chuyên về tuồng tích dã sử, kiếm hiệp hoặc phong cách cải lương Hồ Quảng...

Đó cũng là thời kỳ ra đời giải Thanh Tâm, một giải thưởng danh giá dành cho các tài năng cải lương.

Nói cách khác, nhìn lại một thời vàng son để thấy được cái hay, cái độc đáo, để từ đó tìm hiểu tại sao cải lương hiện nay mất chỗ đứng quan trọng.

Cải lương phải xuất phát từ âm nhạc

Trong thời buổi nở rộ các loại hình giải trí hiện đại, rõ ràng sân khấu cải lương cũng đang phải chịu sức ép lớn.

Rất nhiều khâu ở sân khấu cải lương hiện đang rất yếu và thiếu, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên đến lực lượng khán giả. Sàn diễn đìu hiu, sân khấu đúng nghĩa dành cho cải lương gần như không có.

Trong bối cảnh đó, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng "có lẽ cải lương đang trong cơn tai biến". Tác giả am hiểu về cải lương còn sót lại rất ít.

Người trẻ thì có khi không mặn mà vì viết một vở trọn vẹn không biết diễn được bao nhiêu suất, cũng có người nhiệt huyết nhưng hiểu biết về cải lương còn hạn chế.

Đạo diễn Ca Lê Hồng nhấn mạnh yếu tố âm nhạc trong cải lương, cho rằng cải lương phải xuất phát từ âm nhạc: "Cách đây 50 năm, Đoàn cải lương Nam Bộ dựng vở Ánh lửa, bên cạnh kịch bản văn học song song có kịch bản âm nhạc.

Theo sự phát triển hôm nay, tiết tấu âm nhạc cũng phải khác đi, vì vậy chúng ta phải tìm tòi, phát triển.

Ví dụ như bài Xàng Xê lớp Xề trong vở Ánh lửa khi viết có thêm ca bè, xử lý rất mới, nghe rất hay và vẫn còn giá trị rất riêng sau 50 năm. Âm nhạc quan trọng lắm, phải được nhạc sĩ hiểu thấu đáo để viết cho đúng, cho trúng.

Dàn nhạc cũng phải được đầu tư đúng mức. Đó là yếu tố quan trọng mà tôi nhấn mạnh bên cạnh sự đầu tư đến nơi đến chốn cho mọi khâu, từ sáng tác, âm nhạc, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu đến âm thanh, ánh sáng, sự tác động của những nhà quản lý".

Kết thúc tọa đàm, xem ra những trăn trở vẫn còn bỏ ngỏ. Bà Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - chia sẻ nhiều giải pháp để vực dậy cải lương như:

- Xây dựng hoạt động sân khấu học đường, đưa cải lương, đờn ca tài tử vào những buổi học ngoại khóa để các bạn nhỏ có thể hiểu, từ đó mới yêu thích cải lương.

- Xây dựng cơ sở vật chất cho sân khấu cải lương, tìm kiếm quỹ đất xây dựng một nhà hát nghệ thuật truyền thống.

- Hỗ trợ các đoàn cải lương xã hội hóa; bồi dưỡng, đào tạo các tài năng nghệ thuật truyền thống...

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra. Điều cần thiết là chúng ta có sớm thực hiện để mau chóng giúp sân khấu cải lương vượt qua cơn "tai biến"?

Cứ phải viết, viết nhiều

Trước những băn khoăn của các sinh viên đang theo học sáng tác cổ điển về sáng tạo hay viết như cũ, nhạc sĩ Đức Trí - người theo học cải lương từ nhỏ - chia sẻ: "Trong âm nhạc truyền thống, sáng tác mới là sự mạo hiểm chứ không phải là thế mạnh. Nhưng nếu như chúng ta cân bằng được tỉ lệ truyền thống và tỉ lệ sáng tạo thì đó là mấu chốt thành công và là lối ra cho sáng tạo. Để làm được điều đó, chúng ta phải nắm vững yếu tố truyền thống, chân phương, rồi mới thêm hoa lá được. Cứ phải viết, viết nhiều, sáng tác nào thuyết phục sẽ ở lại với công chúng".

100 năm cải lương là năm nào? 100 năm cải lương là năm nào?

TTO - LTS: Năm 2018 được xem là mốc đánh dấu 100 năm ra đời sân khấu cải lương. Tuy nhiên, tác giả Trần Nhật Vy góp thêm những tư liệu về cái mốc 100 năm này xuất phát từ đâu, và có cần những nghiên cứu đủ đầy hơn nữa về lịch sử cải lương?

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên