TTO - Có lẽ khán giả yêu cải lương, không ai là không biết đến NSƯT Minh Vương. Một anh kép có giọng ca đặc biệt, có nhiều vai diễn hay, tánh tình hiền lành nhưng cuộc đời lại có lắm thăng trầm…

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 1.

ồi đó, có cậu bé đâu chừng 12, 13 tuổi mới chân ướt chân ráo theo gia đình từ Long An lên thành phố lập nghiệp. Ba má làm công chức, cả dòng họ chẳng ai theo nghiệp hát, vậy mà không hiểu sao cậu bé Nguyễn Văn Vưng cứ ham nghe hát trên radio, rồi nghêu ngao mấy câu vọng cổ. Bữa nào không học cậu cứ đi rảo rảo ở cầu chữ Y (Q. 8) vớt lăng quăng cho cá ăn.

NSƯT Minh Vương trong vở Đời cô Lựu - Video: GIA TIẾN

Gần đó có lớp đờn ca tài tử của thầy Bảy Trạch. Lần nào Vưng cũng lom khom ngoài cửa dỏng tai nghe người ta hát. Rồi không hiểu sao, cậu bạo dạn bước vô lớp xin học. 

Ông thầy biểu hát thử coi, Vưng ca một câu thầy Bảy Trạch tròn mắt và gục gặc nhận ngay làm đệ tử. Trong lớp mấy chục người chỉ một mình Vưng được đặc cách không phải đóng học phí cắc nào.

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 4.

Được học với thầy giỏi, lại được danh cầm Văn Giỏi kèm cặp trực tiếp nên chỉ chừng năm sau là Vưng ca ngon lành, được thầy chọn đi thi giải Khôi nguyên vọng cổ

Vô thi, bắt trúng bài Mưa nắng miền Đông, Vưng ca phăm phăm, không sợ đờn và giật luôn giải "Khôi nguyên" ngay tại rạp Quốc Thanh năm 1964. Năm đó, Vưng 14 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất đoạt giải cao của các kỳ thi Khôi nguyên vọng cổ.

Ở cái tuổi bước vào giai đoạn dậy thì, bể tiếng là nỗi ám ảnh của người chớm theo nghiệp hát như Vưng. Thầy Bảy Trạch biết vậy nên dặn rất kỹ: Không được hút thuốc, uống rượu, chơi bời cờ bạc hư người, hại sức khỏe, hại giọng. Bài học giữ giọng từ ngày đầu đến hơn 50 năm sau, cậu bé Vưng và bây giờ là nghệ sĩ tài danh Minh Vương vẫn nhớ như in.

Trong cuộc đời của mình, Minh Vương không rớ tới điếu thuốc, trong cuộc vui chỉ nhấp môi chút bia để giữ phép lịch sự và sau mỗi đêm hát bước chân ông đi qua mấy sòng bài trong hậu trường không vướng víu. Minh Vương đã "dậy thì thành công" nhờ tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của thầy để giữ cho được giọng hát đã trở thành danh ca như ngày nay.

Tiếng đồn về cậu bé nhỏ tuổi nhưng có giọng ca sáng, khỏe, trữ tình tới tay bầu Long của đoàn Kim Chung. Không bỏ lỡ, bầu Long vớt ngay thằng nhỏ hát thiệt hay mà ngó bộ dạng ngộ ngộ với hợp đồng 10 ngàn đồng. 

Lần đầu tiên có được số tiền lớn, Vưng mừng húm chia làm đôi, năm ngàn gởi má, năm ngàn biếu thầy để tạ ơn. Cũng chính bầu Long là người đặt cho Vưng nghệ danh Minh Vương với mơ ước cho cậu "Làm vua nghề hát"!


Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 5.

ào đoàn hát, vì còn nhỏ nên Minh Vương chỉ được thầy tuồng viết thêm vài câu để diễn lớp ngắn, chủ yếu là khoe giọng đẹp. Vai đầu tiên của "cậu nhóc" là vai… con của NSND Lệ Thủy trong vở Thượng phương bảo kiếm . Lúc này, NSND Lệ Thủy đã là một cô đào chánh lừng lẫy đóng cặp với các tài danh như Thanh Hải, Minh Phụng. 

Có lẽ, bà cũng không thể ngờ rằng "cậu nhóc" năm ấy sẽ là "người tình" trên sân khấu trong quãng đời dài làm nghệ thuật của bà. Là cặp đôi nghệ sĩ mà khán giả không muốn thay thế, có Minh Vương phải có Lệ Thủy, mà nhắc Lệ Thủy người ta bắt buộc phải nhớ tới Minh Vương!

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 7.

Khoảng những năm 1970, Minh Vương lên hàng kép nhì bên cạnh Minh Phụng – Lệ Thủy trong các cuộc tình tay ba trên sân khấu. Sau đó, khi Minh Phụng tạm nghỉ hát một thời gian thì Minh Vương là một sự thay thế không thể hoàn hảo hơn. 

Ông và nghệ sĩ Lệ Thủy đã đóng chánh trong rất nhiều vở: Đêm lạnh chùa hoang, Mùa xuân ngủ trong đêm, Xin một lần yêu nhau… và liên tục được các ông chủ hãng đĩa mời thâu băng các tuồng tích xưa.

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 8.

Sau 1975, "liên danh" Minh Vương – Lệ Thủy càng thêm khắng khít khi ông bà cùng về chung đoàn hát, từ đoàn văn công Giải phóng cho đến đoàn 2 – 84. Khi phong trào quay video cải lương nở rộ vào những năm 1990, thì Minh Vương – Lệ Thủy được mời quay không biết bao nhiêu là tuồng.

Họ có một sự ăn ý trên sân khấu hết sức đặc biệt, chỉ cần một ánh mắt là biết bạn diễn cần gì, chỉ cần Lệ Thủy dợm bước chân thì Minh Vương đưa tay đỡ và xoay người đổi tư thế.

Không biết từ bao giờ, hễ tuồng nào có Minh Vương mà đào không phải Lệ Thủy là khán giả… giận. Bữa nào Minh Vương đi hát tỉnh một mình, bước xuống sân khấu thế nào bà con cũng xúm lại hỏi… Lệ Thủy. NSND Lệ Thủy cười kể: "Cứ đi hát ở đâu bà con nắm tay hỏi miết: Có ở gần nhà Minh Vương không? Có qua nhà Minh Vương chơi không?..."

Có thể nói đây là cặp đôi nghệ sĩ có sự gắn bó lâu nhất trên sân khấu cải lương Việt Nam, vì vậy năm 2008, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ăn ý nhất Việt Nam cho NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương. 

Trung tâm thống kê họ đã diễn ăn ý với nhau suốt 36 năm (tính đến năm 2008) với hơn 200 vở tuồng. Như vậy tính đến nay, đã gần 50 năm Lệ Thủy và Minh Vương vẫn là đôi bạn diễn được khán giả cải lương mê mệt!


Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 9.

nh Quốc Nam, con trai lớn của nghệ sĩ Minh Vương có lần kể hồi anh còn nhỏ mỗi ngày gia đình nhận cả xấp thơ của khán giả ái mộ, trong đó đa phần là thơ khán giả nữ muốn làm… dì của anh! Nói đến điều này, nghệ sĩ Minh Vương cười nói: "Nghệ sĩ mà, không đa tình hát sao hay?".

Ông tiết lộ cũng có tình cảm với bạn diễn nhưng chắc là không có duyên vợ chồng với người cùng nghề. Mà rồi ông lại ngẫm vợ chồng cùng là đào kép, không còn sự tươi mới, lên sân khấu mà nói lời yêu đương chắc không còn độ… ép phê!

Tên tuổi Minh Vương đã có giai đoạn bị ảnh hưởng vì dính líu đến một nữ khán giả ái mộ đến mức gia đình ông (đã định cư ở Úc) muốn làm giấy tờ để đón ông sang. Nhưng đến những giây phút cuối cùng ông đã quyết định ở lại, bởi ông biết khán giả của ông ở nơi này, chính ở mảnh đất này ông mới có thể được sống với nghề hát mà ông thương, ông quý.

Minh Vương tâm sự: "Tôi đa tình nhưng không lăng nhăng. Với người vợ đầu, chúng tôi sống với nhau 30 năm, người vợ hiện tại thì cũng đã ngọt bùi hơn 20 năm. Khi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, đứng trước tòa tôi khóc suốt bởi đâu có muốn gia đình đổ vỡ, không muốn con cái mất đi mái ấm, không muốn người ta nói nghệ sĩ dễ thay vợ đổi chồng, nhưng mâu thuẫn giữa chúng tôi đã quá lớn… "

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 11.

Khoảng năm 2012, sức khỏe Minh Vương sa sút do căn bệnh suy thận. Tưởng như nghiệp hát đã gác lại khi ông bước lên sân khấu phải có người dìu. May sao, ông đã được ghép thận (từ thận của một chàng thanh niên). Ca ghép thành công, sức khỏe Minh Vương hồi phục nhanh chóng. Người ta thấy ông trẻ trung, yêu đời và… nói nhiều hơn trước!

Ông tâm sự: "Tôi biết ơn chàng trai đó. Có lẽ đó là một chàng trai vui vẻ, yêu đời nên sau ca ghép thận tôi cũng… trẻ trung như vậy. Trước đây tôi trầm lặng nhưng giờ thích trò chuyện, nói nhiều đến mức vợ nhắc: Anh ơi, nói chuyện cẩn thận coi chừng lỡ lời làm người khác buồn nghen!"

Có dịp nhìn Minh Vương lên sân khấu Nghệ sĩ tri âm (chương trình từ thiện do NSND Kim Cương khởi xướng) nhún nhảy và hát hết mình bài tân cổ giao duyên Con bướm xinh mới thấy mừng cho ông, dường như mọi thăng trầm đã qua để giờ ông tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ và… hồn nhiên với nghề, với đời. 

Bây giờ, đi hát tỉnh, sau khi hát xong Con bướm xinh là ở dưới khán giả đã la lên: Tiếp bài Vợ người ta đi chú ơi! Và danh sách những bài tân cổ giao duyên từ nhạc trẻ vẫn còn nối dài, nào là Bạc trắng tình đời, Chí Phèo

Tới tuổi này, Minh Vương vẫn đều đặn ngồi ghế giám khảo giải Chuông vàng vọng cổ để đưa ra những góp ý quý giá về giọng hát cho các bạn trẻ. Ông vẫn có sô thường xuyên từ các tỉnh miền Tây ngược ra miền Bắc.

Ngày cuối tuần của ông là dành cho bạn bè. Ông có hội những người bạn gắn bó ở đoàn cải lương Kim Chung ngày xưa, cứ sáng cuối tuần tập trung tại một quán cà phê ở đường Lê Quý Đôn, bởi vì ở đó có cái bàn dài đủ cho… 30 người bạn nghệ sĩ già chuyện trò bên ly cà phê ấm.

Bữa nào hay tin một người nào đó bệnh đau hay nghệ sĩ già yếu neo đơn cần giúp đỡ là "hội ấy" lại hùn nhau, người vài ba trăm, người một triệu. Những buổi sáng như vậy, ấm áp, thân tình và đầy yêu thương…

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 12.
Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 13.

Minh Vương kể đây có thể coi là vai diễn bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Lúc đó, ông nổi danh là một anh kép đẹp, lý ra ông sẽ đóng vai vua trong vở diễn nhưng khi cầm kịch bản từ tay cố đạo diễn Đoàn Bá, Minh Vương bất ngờ đề nghị đạo diễn cho ông thử sức với vai lão. Nhận rồi, Minh Vương bắt đầu lo. Làm sao chàng trai chưa đầy 40 tuổi thể hiện cho ra một nhân vật tầm vóc ở tuổi khoảng 70?

Vậy là Minh Vương mời nghệ sĩ Kim Cúc (vợ NSND Năm Châu) về nhà dạy ông cách đi đứng, cả ngày trời ông chỉ đi lên đi xuống cầu thang để má năm Kim Cúc coi tướng ông đi ra làm sao, cách chắp tay như thế nào để chỉnh. 

Tập vở suốt gần 2 tháng ông sụt 6kg, vai này mệt ở biểu cảm mắt, mắt không thể lơ là, luôn tập trung suy gẫm và đăm chiêu, bởi vậy đôi mắt của ông luôn rơi vào trạng thái nhức mỏi. Ông phải ém giọng để thể hiện chất giọng của người già.

"Bữa nào diễn tới cảnh cuối với Chí Tâm thế nào tui ca cũng bị ọc mấy hột cơm ra. Hồi đó, tuần diễn bảy ngày nhưng tui xin anh Đoàn Bá chỉ diễn năm ngày vì vai diễn quá mất sức diễn suốt chắc… tui nằm luôn!" – Minh Vương nhớ về vai diễn.

Mọi sự nỗ lực của Minh Vương cho vai diễn đã được đền đáp khi ông đoạt luôn giải A1 Hội diễn sân khấu toàn quốc 1985. Hạnh phúc hơn khi cố nghệ sĩ Đào Mộng Long đã bước lên sân khấu ôm ông bảo: "Mày thay bố được rồi đấy!"


Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 14.

Trong vở diễn này NSND Lệ Thủy vào vai Tô Ánh Nguyệt và NSƯT Minh Vương vào vai Minh. Vở được dựng vào những năm 1980 và ngay lập tức được người mộ điệu cải lương hết sức yêu mến. Hai nghệ sĩ đã diễn vở này hàng trăm lần và được xem là mẫu mực cho các bạn trẻ học tập theo.

Nghệ sĩ Minh Vương kể, ở đoạn Minh gặp Nguyệt lúc tuổi về chiều, ông đề nghị soạn giả viết thêm cho ông bài Nặng tình xưa. "Cảnh này Minh bỏ người ta giờ gặp lại cứng họng không biết nói gì. 

Tui nhờ soạn giả viết bài này, cái đoạn "Tôi đang cúi đầu chờ ân huệ…" đó. Cứ vậy, tôi để cho tiếng đàn trỗi lên nửa bài rồi mới hát tiếp như thể hiện nỗi đau, day dứt của Minh. Bài đặt trúng nên nhắc là khán giả nhớ tới liền!" – "Anh Minh" của mấy chục năm trước kể về tâm trạng của mình.


Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 15.


Chuyến lưu diễn của đoàn nghệ sĩ cải lương sang châu Âu năm 1984 đã để lại dấu ấn với vở Đời cô Lựu. Có thể nói hầu hết các nghệ sĩ trong vở diễn đó đều lưu dấu tên tuổi mình với từng vai diễn như NSND Bạch Tuyết với vai cô Lựu, NSND Diệp Lang vai Hội đồng Thăng, NSND Thanh Tòng vai Võ Minh Thành, NSND Ngọc Giàu vai bà Hai Hương và Bảy cán vá, NSND Lệ Thủy vai Kim Anh…

NSƯT Minh Vương trong vở Đời cô Lựu - Video: GIA TIẾN

Và không thể không nhắc đến nghệ sĩ Minh Vương với vai Võ Minh Luân. Minh Vương nhớ lại kỷ niệm đẹp với vai diễn: "Năm đó tôi gần 30 tuổi mà đóng vai Minh Luân ai cũng tưởng mới… 12! 

Khán giả yêu thương nói nhìn tui diễn ra nông dân rặt, hiền queo, hồn nhiên và khờ khờ một cách dễ thương. Đây có thể nói là một vai diễn đặc biệt mà đến nay đã hơn 30 năm tôi vẫn muốn giữ cách diễn như ngày đầu mà tôi và đạo diễn đã chăm chút, sáng tạo vì cảm thấy cách diễn đó là ấn tượng nhất.

Cảnh Võ Minh Luân lần đầu gặp ba là Võ Minh Thành, tôi đã đề nghị viết thêm cho tôi bản Văn thiên tường lớp dựng, câu kêu lên xé lòng "Ba hỡi ba ơi…", rồi từ cách nói chuyện ngộ nghĩnh, kêu "cà phe" thay vì "cà phê", bài "Dí trâu vô chuồng" cũng tự tôi nghĩ ra, mà tới bây giờ nhắc vai Minh Luân người ta vẫn còn nhớ như in những chi tiết đó!"

Nghệ sĩ Minh Vương: Cải lương không thương, sao sống được với nghề! - Ảnh 17.

LINH ĐOAN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
3/5/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên