03/11/2019 14:57 GMT+7

Cải lương phòng trà: Nghệ sĩ đỡ nhớ nghề, khán giả đỡ 'khát' cải lương

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong thời buổi sàn diễn khó khăn, những chương trình như cải lương phòng trà có sự đầu tư vừa đủ nghiêm túc sẽ thỏa mãn được phần nào nỗi nhớ nghề của nghệ sĩ, thỏa mãn phần nào sự khát cải lương của khán giả!

Cải lương phòng trà: Nghệ sĩ đỡ nhớ nghề, khán giả đỡ khát cải lương - Ảnh 1.

NSƯT Phương Hồng Thủy (trái) và nghệ sĩ Hồng Ánh trong đêm cải lương ở phòng trà - Ảnh: BI DƯƠNG

1 NSƯT Phương Hồng Thủy vừa có đêm diễn cải lương Phương Hồng Thủy và những người bạn tại một phòng trà (Q.3, TP.HCM) mừng sinh nhật cô. Đã gần tuổi 60 (sinh ngày 30-10-1960) nhưng khi Phương Hồng Thủy xuất hiện, nhiều khán giả bất ngờ vì trông chị rất trẻ trung và giọng hát vẫn giữ được độ thanh, độ ngọt của cô đào thương nổi tiếng ngày nào. 

Chỉ là một đêm diễn ấm cúng trong một phòng trà với hơn trăm chỗ ngồi nhưng chương trình khiến khán giả ghiền cải lương có cơ hội nghe ca "đã lỗ tai".

Phương Hồng Thủy đang định cư tại Atlanta (Mỹ). Đợt về nước lần này, ngoài sô diễn tối 29-10, Phương Hồng Thủy còn tham gia live show nghệ sĩ Kim Tử Long, vở cải lương Lan và Điệp của bầu Gia Bảo... 

Thế nhưng, hát cải lương ở phòng trà vẫn đem đến cho chị cảm xúc rất riêng. Chị tâm sự: "Hát trong không gian này, mình cảm giác rất thoải mái, gần gũi. Giữa nghệ sĩ và khán giả dường như không có khoảng cách. Thấy tình cảm của nghệ sĩ và khán giả thắt chặt hơn và mình cứ hát hoài không biết mệt!".

Tiết lộ rất mê cải lương và thường tranh thủ đi xem các chương trình, vở diễn cải lương ở nhiều sân khấu lớn nhỏ, diễn viên Hồng Ánh ví von: "Xem cải lương ở phòng trà như đi gặp người tình nhỏ, cảm thấy rất gần gũi và ở đâu cũng gặp người mình thương. 

Bên cạnh nghe hát, những câu chuyện tâm tình được chia sẻ khiến khán giả cảm thấy gần gũi và yêu quý thần tượng của mình hơn. Trong thời buổi sàn diễn khó khăn, những chương trình như cải lương phòng trà có sự đầu tư vừa đủ nghiêm túc sẽ thỏa mãn được phần nào nỗi nhớ nghề của nghệ sĩ, thỏa mãn phần nào sự khát cải lương của khán giả!".

2. Cải lương phòng trà có sức hút riêng vì toàn bộ chương trình các nghệ sĩ đều phải hát sống, nghệ sĩ chinh phục khán giả bằng chính giọng hát và nội lực của bản thân.

Là một trong những người khởi xướng chương trình cải lương phòng trà từ năm 2011, "ông bầu trẻ" Trần Anh Khoa (với sự hỗ trợ, định hướng của soạn giả Hoàng Song Việt, nghệ sĩ Hữu Quốc cùng các nghệ sĩ khác) đã kiên trì với chương trình này qua nhiều phòng trà như Tiếng Xưa, Nam Quang, We...

Có giai đoạn chương trình được thực hiện định kỳ mỗi tháng một lần nhưng vào giai đoạn sàn diễn cải lương khó khăn, chương trình thưa thớt dần và gián đoạn đến hai năm, gần đây mới thực hiện lại (chương trình cuối vào năm 2017 là sô diễn dành cho NSƯT Thoại Mỹ). 

"Anh em chúng tôi bắt tay nhau làm chương trình chỉ vì mục đích được hát cho thỏa. Đây có thể xem là nơi gặp nhau của những người tri âm, người nghệ sĩ muốn được hát và khán giả muốn có chỗ được nghe cải lương cho sướng. Vì lẽ đó nên anh chị em nghệ sĩ có lấy cátxê cũng rất tượng trưng. Chương trình nào mà huề vốn là coi như đã may mắn chứ chúng tôi không đặt nặng chuyện lời lỗ ở đây" - Anh Khoa chia sẻ.

Sau cột mốc 100 năm, sân khấu cải lương đang có vài tín hiệu vui khi có một số sân khấu xã hội hóa hoạt động tích cực để tạo ra các suất diễn. Sự góp mặt trở lại của cải lương phòng trà cũng như là một nỗ lực để tìm kiếm thêm những tri âm của nghệ thuật sân khấu cải lương...

"Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết trình diễn bộ sưu tập "Lãnh Mỹ A báu vật nghìn năm" 'Cải lương chi bảo' Bạch Tuyết trình diễn bộ sưu tập 'Lãnh Mỹ A báu vật nghìn năm'

TTO - Nghệ sĩ Bạch Tuyết, ca sĩ Phi Nhung và siêu mẫu Minh Tú có những màn trình diễn ấn tượng trong chương trình kỷ niệm 25 năm làm nghề của nhà thiết kế Võ Việt Chung tối 18-10.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên