Cảnh trong vở Giấc mộng đêm xuân - Ảnh: GIA TIẾN
Vấn đề đưa ra kịch bản để đấu thầu đã được lưu ý từ lâu nhưng vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi muốn Nhà nước cho đấu thầu kịch bản hay nào đó, kích thích các đơn vị xã hội hóa chúng tôi phải nỗ lực làm thật tốt để được Nhà nước chọn và cấp nguồn kinh phí thực hiện. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh nghệ thuật lành mạnh.
NSƯT Kim Tử Long
1. Ngay khi thông tin TP "chơi đẹp", đãi miễn phí cải lương cho khán giả hai suất một tháng được công bố, lập tức có hai luồng ý kiến. Rất đông khán giả tỏ vẻ hồ hởi, vui mừng.
Trên fanpage của báo Tuổi Trẻ, rất nhiều khán giả chia sẻ thông tin và í ới rủ nhau lập hội đi xem cải lương miễn phí. Ngược lại, không ít người làm nghề, đặc biệt là các nghệ sĩ tự do, các đơn vị xã hội hóa... rầu rĩ, tỏ vẻ lo lắng, có người còn tức giận.
Nghệ sĩ Chí Linh mấy năm gần đây tích cực tổ chức các suất hát xã hội hóa, địa điểm anh thường xuyên chọn là thuê Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Anh chia sẻ thêm hiện nay Nhà hát Trần Hữu Trang tập trung gần như toàn bộ nghệ sĩ trẻ, tài năng của TP. Các sân khấu xã hội hóa khi dựng vở cũng phải "mượn" các nghệ sĩ này.
Vì vậy, việc nhà hát phục vụ cải lương miễn phí sẽ khiến khán giả có sự so bì, vì sao cũng nghệ sĩ đó ở nhà hát tôi được xem miễn phí, còn ở sân khấu xã hội hóa A, B... chúng tôi phải trả tiền mua vé.
"Nếu diễn miễn phí ở ngay TP sẽ gây ảnh hưởng, khó khăn cho các đơn vị xã hội hóa khác" - Chí Linh nói.
Trích đoạn vở Giấc mộng đêm xuân - Video: GIA TIẾN
2. Là một trong những ông bầu mát tay hiện nay, NSƯT Kim Tử Long bày tỏ: "Tôi muốn lưu ý đến một khía cạnh: nếu diễn miễn phí mà sơ sài, không đầu tư, không lo được đời sống anh em có khi cũng trở thành con dao hai lưỡi.
Thực tế có những buổi diễn miễn phí đến vùng sâu vùng xa không có sự đầu tư vẫn không có người xem. Thậm chí vẫn còn có nghệ sĩ mang tâm lý hát miễn phí hát cho có, cho xong. Như vậy không có tác dụng và khán giả không cảm được cái hay, cái đẹp của cải lương".
Soạn giả Hoàng Song Việt, một trong những người sáng lập sân khấu xã hội hóa Đại Việt, nêu lên quan điểm: "Với hoạt động này, trước tiên tôi muốn nói lời cảm ơn vì chứng tỏ ủy ban, Sở Văn hóa - Thể thao đã có nghĩ, quan tâm đến sân khấu truyền thống nên mới có động thái hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu còn ở vai trò là người của đoàn nhà nước như trước đây (soạn giả Hoàng Song Việt từng giữ vị trí trưởng đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), tôi vẫn cho rằng cách này không hay. Bởi đó là cách tập cho khán giả quen xem miễn phí, triệt tiêu thói quen mua vé đi xem nghệ thuật".
Ông Việt chia sẻ gần đây các suất hát gặp tình trạng bán vé không đủ thu chi nên việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng phải cân nhắc, tính toán.
Hỗ trợ sáng đèn để bán vé chứ không nên mở màn miễn phí. Hỗ trợ là để bù vô những khoản không thu được, đầu tư thêm cho trang trí, lương thêm cho anh em...
Nhà nước cứ hỗ trợ như thế một thời gian, khi khán giả có thói quen trở lại rạp hát, lượng vé bán ra dần dần ổn định rồi thì nhà hát sẽ chủ động.
Chương trình diễn cải lương miễn phí do UBND TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM hỗ trợ kinh phí cho nhà hát thực hiện. Sau Giấc mộng đêm xuân, nhà hát sẽ tiếp tục diễn miễn phí các vở như Bàn thờ Tổ của một cô đào, Nhân danh công lý, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Lê Công kỳ án...
Đây là chương trình nằm trong đề án sáng đèn cho sân khấu cải lương, là chủ trương của TP nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống; quảng bá nghệ thuật sân khấu cải lương, tạo thói quen cho công chúng đến rạp xem cải lương.
Đồng thời, chương trình tạo điều kiện cho khán giả được đến xem nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là công nhân và sinh viên, những khán giả ít có điều kiện thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận