14/04/2012 07:30 GMT+7

Cái đuôi bao cấp trong nền đại học

ĐOÀN LÊ GIANG(Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
ĐOÀN LÊ GIANG(Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

TT - Trong công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay, có thể nói giáo dục là lĩnh vực còn trì trệ vì vẫn bị chi phối nặng nề của tư duy thời bao cấp. Cái đuôi bao cấp trong nền đại học của nước ta thể hiện ở chỗ nào?

Đó là Bộ GD-ĐT vẫn đang làm thay các trường đại học mọi vấn đề: ra đề thi tuyển sinh chung, phân bố chỉ tiêu, cấp kinh phí cho các đại học công lập, định hướng phát triển cho các trường...

Quản lý các trường đại học như quản lý phổ thông, không phân biệt những đại học sinh sau đẻ muộn đầy những bất cập với những đại học có truyền thống hàng 50-60 năm mà đội ngũ trí thức đại học đã tự ý thức rất cao.

Đó là “Mua như cướp, bán như cho”- một thành ngữ dân gian thời bao cấp để chỉ thực trạng quản lý đại học hiện nay. Trong nền kinh tế bao cấp người ta mua sản phẩm một cách cưỡng bức với giá thấp vô lý rồi đem bán rẻ như cho, mà không cần nghĩ đến hiệu quả kinh tế hay sự hài lòng của người thụ hưởng? Tình trạng này trong kinh tế đã chấm dứt từ lâu, nhưng lạ thay nó vẫn tồn tại một cách ngang nhiên ở đại học. Đó là mua chất xám/ sức lao động của giảng viên đại học với giá rẻ mạt chưa từng thấy và bán sản phẩm của họ là tri thức đại học cho sinh viên với giá rẻ như cho không.

Chúng ta có bao giờ tự hỏi có nền đại học nào trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á trả lương khoảng 200 USD/tháng cho giảng viên đại học không? Và có trường đại học nào ở khu vực cấp bằng cho sinh viên với giá học phí khoảng 180 USD/năm không?

Có người lập luận: tại dân ta còn nghèo nên học phí như vậy là vừa. Đúng là dân ta còn nghèo, mà đối với nông dân nghèo thì học phí bằng 1/10 hiện nay cũng quá cao. Nhưng với dân nghèo thì phải có chính sách xã hội, không thể hi sinh nền đại học bằng một thứ học phí cào bằng, rẻ mạt như thế.

Chính vì giảng viên đại học không đủ sống mà họ phải đi lao động, buôn bán, kinh doanh, hay thông thường nhất là đi dạy bên ngoài hiện còn rất phổ biến. Và vì như thế mà đã khiến tệ nạn làm việc giả dối, qua quýt trong cơ quan hành chính của thời bao cấp vẫn đang tiếp tục duy trì. Nhiều sinh viên xuất sắc, nhiều trí thức có trình độ không dám làm giảng viên đại học dù họ có nặng lòng với chuyên môn đến mấy.

Nền đại học đang bị biến méo mó tình trạng mua điểm, mua bán bằng cấp - “học giả bằng thật” đang diễn ra âm thầm nhưng tràn lan, như con vi trùng kháng thuốc đang ăn mục ruỗng cơ thể ốm yếu của nền đại học chúng ta. Rồi tình trạng vội vã cho ra đời nhiều trường đại học không đủ chuẩn. Với số lượng gần 400 trường đại học, cao đẳng được điều hành trong một nền giáo dục giá rẻ đã đẩy các trường đến tình trạng đua nhau hạ chuẩn để tuyển sinh, “quảng canh” ở tất cả mảnh đất có thể: mở rộng phạm vi, địa bàn tuyển sinh, mở tại chức, từ xa, liên kết...

Tất cả đều vì những lợi ích cục bộ, khiến xã hội ta rất nhiều bằng cấp nhưng trình độ thực thì không có bao nhiêu. Và chúng ta vẫn tiếp tục đuối dần trong cuộc đua đường trường với các nước trong khu vực.

Như vậy, không còn cách nào khác là phải đổi mới căn bản nền đại học. Nhưng bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chỉ có một: đó là thay đổi mô hình đại học của chúng ta, từ mô hình đại học thời bao cấp sang một mô hình tiên tiến, hiện đại hơn.

ĐOÀN LÊ GIANG(Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên