18/07/2010 13:08 GMT+7

Cách tính mức lương làm thêm giờ

TRUNG CƯỜNG ghi
TRUNG CƯỜNG ghi

TTO - * Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp nhà nước tại vùng 2 nên mức lương áp dụng theo vùng là 880.000 đồng. Xin hỏi khi tính chế độ làm thêm giờ thì tính theo mức 880.000 đồng hay 730.000 đồng (lương tối thiểu chung)?

(Một bạn đọc)

- Bà Nguyễn Thị Dân - trưởng Phòng Lao động - tiền lương - tiền công Sở LĐ-TB&XH TP.HCM:

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, việc trả lương làm thêm giờ thực hiện theo hướng dẫn và quy định tại khoản 2, mục V thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30-5-2003 của Bộ LĐ-TB&XH.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp trả lương theo thời gian, tiền lương làm thêm giờ tính bằng tiền lương giờ thực trả nhân với số giờ làm thêm nhân với mức tỉ lệ 150%, hoặc 200%, hoặc 300% (tương ứng thời gian làm thêm vào ngày thường hoặc ngày nghỉ hàng tuần hay ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương).

Theo thông tư nói trên, tiền lương giờ thực trả được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả của tháng mà người lao động làm thêm giờ (trừ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác không có tính chất lương) chia cho số giờ thực tế làm việc trong tháng (không kể số giờ làm thêm) nhưng không quá 208 giờ đối với công việc có điều kiện lao động, môi trường bình thường hoặc 156 giờ đối với công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, trong việc tính lương làm thêm giờ, doanh nghiệp căn cứ vào các nguyên tắc nêu trên để thực hiện.

* Doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có cần phải chi tiền trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động?

(Công ty M.K, H.Củ Chi, TP.HCM)

Theo quy định tại điều 42 Bộ luật lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có.

Theo quy định tại điều 41 nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng chế độ trợ cấp thôi việc.

Như vậy, theo các quy định trên, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có thời gian làm việc với người sử dụng lao động trước 31-12-2008 hoặc sau 31-12-2008 nhưng không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi chấm dứt hợp đồng lao động (nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên tính từ ngày bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp), người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động (trừ những trường hợp pháp luật quy định người lao động không hưởng trợ cấp thôi việc như: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động nghỉ hương hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, người lao động bị sa thải theo điểm b,c khoản 1 điều 85 Bộ luật lao động).

TRUNG CƯỜNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên