16/05/2017 09:17 GMT+7

Cách ra đề thi văn thú vị của giải Lê Quý Đôn

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Tại vòng chung kết “Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ” lần thứ 18, hình thức thi môn ngữ văn dành cho học sinh THCS đã khiến các thí sinh vô cùng thích thú.

Thí sinh chăm chú theo dõi vở kịch trước khi nhận đề thi ngữ văn - Ảnh: Phương Nguyễn

“Đề thi năm nay cực kỳ thú vị. Chúng em được xem một vở kịch trước khi làm bài, chứ không chỉ ra đề trên giấy như bình thường nữa” - vừa hí hoáy ghi chép, em Nguyễn Minh Thư (lớp 8/11 Trường THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú, TP.HCM) hào hứng nói về đề thi ngữ văn năm nay.

Cách thức thi độc đáo này chính là nét mới lạ của mùa giải năm nay. Tất cả thí sinh từ lớp 6 đến lớp 9 sẽ được xem một vở kịch ngắn nói về những vấn đề trong đời sống hằng ngày của Bảo - một nam sinh lớp 9.

Nhân vật này nghiện game, mải mê theo đuổi những thứ phù phiếm mà không hề quan tâm đến mẹ của mình. Em có thể canh thời gian và để dành tiền mua vé đi xem buổi biểu diễn ca nhạc của thần tượng, nhưng lại không nhớ đến ngày sinh nhật của mẹ; thậm chí khi được người anh họ nhắc nhở em cũng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt.

Sau khi xem xong vở kịch, mỗi khối lớp sẽ làm một đề thi khác nhau trong thời gian 45 phút. Chẳng hạn, đề thi dành cho khối 7 yêu cầu thí sinh hãy viết bài văn bàn luận về lối sống của bạn Bảo trong vở kịch ngắn vừa xem.

Trong khi đó, yêu cầu dành cho khối 8 là: “Từ cảm xúc và suy nghĩ sau khi xem vở kịch ngắn sáng nay, em hãy viết bài văn bàn luận về một trong hai vấn đề sau: việc cho và nhận trong cuộc sống, sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình”.

Nhận xét về đề thi năm nay, em Nguyễn Thị Anh Thư, lớp 7A8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), nói: “Em chưa từng làm một đề ngữ văn nào thực tế như đề ngữ văn của cuộc thi này. Nội dung nó rất thân thuộc với cuộc sống thường ngày của học sinh. Chúng em cũng đã có lúc cư xử vô tâm với gia đình như bạn nhân vật chính trong vở kịch”.

Thầy Trần Tiến Thành - chuyên viên phụ trách môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM - chia sẻ: “Giáo dục là phải gắn với thực tại cuộc sống. Đôi khi, câu chữ trong đề ngữ văn không thể lột tả được hết hiện thực đó, hoặc qua góc nhìn chủ quan của người ra đề nhiều hơn góc nhìn của chính học sinh.

Chúng tôi muốn các em được trải nghiệm hiện thực cuộc sống. Với cách thức ra đề này, học sinh tận mắt chứng kiến thái độ, hành vi đối xử với gia đình của một bạn cùng trang lứa, và tùy theo góc quan sát của mình để suy nghĩ cách làm bài thi”.

Thầy Thành cũng cho biết thêm: “Khó khăn của việc ra đề là cùng một tiểu phẩm mà đề phải ra cho bốn khối lớp. Vì vậy, từ phía người ra đề phải lường trước những việc như có những em ngồi xa, theo không kịp diễn biến của vở kịch, hoặc các tình huống khác. Vì vậy, đề thi rất mở, từ nội dung, hình thức đến các lựa chọn”.

Cuộc thi “Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ” do Sở GD-ĐT TP.HCM và báo Khăn Quàng Đỏ phối hợp tổ chức hằng năm, nhằm giúp học sinh THCS hệ thống và mở rộng kiến thức đã và đang học trong nhà trường, cũng như khuyến khích các em xây dựng ý thức tự học, thi đua học tốt.

Năm nay, cuộc thi thu hút 234.338 bài dự thi của học sinh bậc THCS từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 574 học sinh vào vòng chung kết. Các thí sinh tranh tài ở vòng chung kết sẽ dự thi ba môn: toán, ngữ văn và tiếng Anh theo chương trình học của mỗi khối lớp. Môn ngữ văn sẽ thi tự luận, môn toán và tiếng Anh làm bài theo hình thức trắc nghiệm.

Sau khi kết thúc các môn thi, các thí sinh còn được tham gia ngày hội Lê Quý Đôn với nhiều sân chơi hấp dẫn như trò chơi vận động, trò chơi dân gian, giao lưu với ca sĩ...

“Em chưa từng làm một đề ngữ văn nào thực tế như đề ngữ văn của cuộc thi này. Nội dung rất thân thuộc với cuộc sống thường ngày của học sinh chúng em"

Học sinh Nguyễn Thị Anh Thư (lớp 7A8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM)

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên