Cận cảnh hàng trăm xe máy 'bỏ quên' 7 năm tại nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất
Điểm chung của số xe máy "vô chủ" này là tất cả đều cũ nát, đóng bụi dày đặc, lốp xe xẹp lép, máy móc cũng hoen gỉ theo thời gian. Việc hàng trăm xe máy "vô chủ" để tại đây thời gian dài làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là chi phí cho công tác an toàn phòng cháy chữa cháy.
Xe quá hạn mặc dù được quản lý, bảo quản chặt chẽ, loại bỏ các nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng chiếm dụng nhiều không gian của nhà để xe, bị xuống cấp theo thời gian và ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung của nhà giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất.
"Mong cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp có hướng xử lý xe quá hạn theo đúng quy định của pháp luật" - đại diện đơn vị quản lý giữ xe nhà xe quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ.
Theo bạn đọc Vu: "Tình trạng này xảy ra ở nhiều bãi xe. Một phần là xe ăn trộm, xe không giấy tờ hoặc xe không chính chủ. Người gửi xe mất thẻ xe và quá mất công khi lấy lại xe nên bỏ. Hoặc do có việc đột xuất, tiền gửi xe còn hơn giá trị chiếc xe. Những xe vi phạm luật giao thông bị giữ xe cũng có tình trạng người vi phạm không đến nhận xe.
Nhà nước nên ban hành hướng dẫn, luật định khi những xe gửi thời hạn quá lâu, bàn giao cho công an xử lý. Có quy trình đấu giá những chiếc xe này".
Bạn đọc Thành bình luận thêm: "Đúng là dở khóc dở cười, giữ hoài cũng không được, mà bán cũng không xong. Trường hợp những nhà xe như này phải ra quy định từ đầu và phải phối hợp với cơ quan hữu quan để dễ dàng cho việc xử lý".
Theo bạn đọc Nam, "nhà xe nên có quy định rõ ràng về thời gian gửi xe. Quá thời gian quy định sẽ giao xe cho phía công an xử lý tiếp theo".
Còn bạn đọc Dương Văn Tuấn đề xuất: "nên nhờ cơ quan công an thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về đặc điểm các xe này: số sườn, số máy và biển đăng ký, biết đâu khổ chủ tìm lại được xe mất. Tuy nhiên cần có chế độ giảm trừ cho việc nhận xe mất cắp. Chứ phí lưu bãi vài tháng, vài năm có khi còn đắt hơn giá trị xe".
Cùng suy nghĩ, bạn đọc Quang Anh có ý kiến: "Nên có luật quy định về thời hạn gửi xe, giam giữ xe vi phạm. Hết thời hạn quy định thì tiến hành tiêu hủy hoặc bán đấu giá. Chủ nhiều xe cũng không muốn đến nhận vì tiền lưu kho lưu bãi lớn hơn giá trị xe".
"Cần phải xem xét cải tiến luật, nếu để quá lâu thông báo không đến lấy thì bán đấu giá đền bù tiền phí gửi xe" - bạn đọc Tuấn HN đặt vấn đề.
Góp ý giải pháp cụ thể, bạn đọc Ngô Tuấn Hiển hướng dẫn: "Đơn vị quản lý giữ xe nên mời cảnh sát giao thông đến để lập biên bản ghi nhận biển số xe, số khung và số máy các xe này và đăng thông tin công khai lên một website xe thất lạc có công cụ tìm kiếm để những người bị mất xe có thể tìm kiếm hoặc thông báo khi bị mất xe.
Website sẽ định kỳ rà soát biển số, số khung và số máy để tìm kiếm chủ xe bị mất và gửi thông báo cho họ với một mức phí chấp nhận được trong khoảng 6 tháng. Sau thời gian này thì mời cảnh sát giao thông và các cơ quan quản lý nhà nước đến lập hồ sơ thanh lý xe vô chủ để đấu giá sung công quỹ hoặc tổ chức đấu giá online từng xe một. Như vậy sẽ không bị lãng phí tài nguyên cũng như chiếm chỗ để xe khi chủ xe không muốn nhận lại xe".
Trong khi đó, bạn đọc Yen Pham đề nghị cơ quan hữu quan nên nhanh chóng có quy định để xử lý loại xe này. Thời gian lâu như vậy thì phí gửi xe đã vượt quá giá trị xe. Nên cho tiêu hủy để giữ gìn vệ sinh môi trường hoặc bán đấu giá nộp vào ngân sách.
"Quá một năm thông báo trên phương tiện truyền thông nếu không ai đến nhận thì gom lại bán đấu giá. Doanh nghiệp giữ xe hưởng số tiền đấu giá đó" - bạn đọc Dân SG có ý kiến.
Thăm dò ý kiến
Nhiều người gửi xe máy tại nhà xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất rồi… “bỏ quên”. Đến nay, số xe đó đã lên hơn 650 chiếc. Theo bạn đọc Tuổi Trẻ, cơ quan chức năng nên mời cảnh sát giao thông đến ghi nhận, đăng báo tìm chủ xe. Sau đó xe nào không có người đến nhận thì cho đấu giá công khai, lấy tiền sung vào công quỹ. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận