Nhiều xe máy đóng đầy bụi, "vô chủ" đã được để trong nhà xe hiện hữu tại bến xe Miền Tây trong gần 1 năm qua - Ảnh: CHÂU TUẤN
Thống kê chưa đầy đủ, số xe "vô chủ" này ở cả hai bến xe chính của TP.HCM đã hơn 600 chiếc. Sau thời gian phơi mình quá lâu trong bãi, hiện hầu hết số xe này đã cũ nát, có chiếc mục cả khung sườn.
"Ngựa sắt" thành phế liệu
Hiện ở bãi giữ xe của bến xe Miền Đông còn khoảng 200 xe máy không có người nhận, chủ bãi giữ xe "đau đầu" tìm cách giải quyết số xe này. Do diện tích bãi xe có hạn nên nhân viên tại đây phải rút hết xăng để phòng cháy nổ rồi xếp chồng xe lên nhau thành một đống như xưởng phế liệu.
Còn tại bến xe Miền Tây có tới hơn 400 xe máy "vô chủ" nằm từ năm này qua năm khác, đa số là xe đã qua sử dụng hàng chục năm, có giá trị thấp. Tại đây, chủ bãi giữ xe phải làm một nhà riêng để chất các xe máy "vô chủ" này.
Các nhân viên làm việc tại bãi giữ xe cho hay năm 2015 có một trường hợp gửi xe gần 2 năm thì chủ xe mới quay lại tìm xe, lúc này tiền gửi xe đã hơn 4 triệu đồng.
Với trường hợp này, bến xe hướng dẫn chủ xe làm đơn trình bày rõ lý do để được giảm tiền gửi xe. Hàng trăm hành khách khác không thấy quay lại tìm xe mà không rõ lý do.
Ông Trần Văn Phương - phó giám đốc bến xe Miền Tây - cho biết nhiều năm qua lãnh đạo bến vẫn chưa tìm được hướng giải quyết đối với những xe máy "gửi rồi quên luôn" này.
Theo ông Phương, bãi giữ xe máy của bến có diện tích 4.000m2 với ba tầng, chứa được khoảng 4.000 xe máy. Lượng xe do khách gửi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không nhận lại đã lên tới hàng trăm chiếc, chiếm diện tích sàn bãi giữ, ảnh hưởng đến doanh thu của bến.
Trong khi đó, nhu cầu gửi xe máy của hành khách đi liên tỉnh rất lớn - nhất là các dịp lễ, tết - nên hành khách phải loay hoay kiếm chỗ gửi rất bất tiện.
Nhờ công an cũng không xong
Ông Trần Văn Phương nhận định sở dĩ số xe "vô chủ" ở các bến tăng do xe có giá trị thấp nên khi gửi lâu ngày chủ nhân bỏ luôn vì tiền phí giữ xe (10.000 đồng/đêm) đã lớn hơn giá trị xe. Ngoài ra, chủ xe có thể gặp tai nạn, không quay lại TP...
Cũng không loại trừ các trường hợp xe gian, không giấy tờ, xe trộm cắp. Từ nhiều năm nay, bến xe đã có văn bản nhờ các cơ quan, ban ngành hỗ trợ giải quyết nhưng thời gian giải quyết theo đúng quy định khá dài.
Cụ thể, Công an quận Bình Tân cử lực lượng đến rà soát số khung, số máy, biển số từng chiếc rồi xác minh chủ sở hữu, xem những chiếc xe này có liên quan đến các vụ tai nạn, vi phạm gì hay không.
Nếu xe "sạch", từ thông tin công an cung cấp, bến xe thông báo để chủ xe tới nhận xe. Quá 365 ngày từ ngày thông báo mà không có người đến nhận thì mới được đem đấu giá thanh lý theo lô.
Trong khi chờ giải quyết 310 chiếc xe máy tồn đọng từ năm 2012 - 2019, hiện đã có thêm khoảng 100 chiếc xe khác được gửi nhiều tháng qua vẫn chưa có người đến nhận.
Theo ông Phương, cơ quan chức năng cần rút ngắn quy trình xử lý đối với những xe "vô chủ" này để giúp các bến xe, nhà ga, bến tàu, sân bay... hoạt động và khai thác hiệu quả hơn.
Tại bến xe Miền Đông, ông Đỗ Phú Đạt - phó giám đốc - cho biết trên mỗi phiếu/vé giữ xe đều ghi rõ thời hạn gửi là 30 ngày.
Sau thời gian này, nếu chủ xe không đến lấy thì đơn vị rút hết xăng đưa vào khu vực tập trung nhằm đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ. "Chúng tôi đã có văn bản gửi Công an phường 26 và Công an quận Bình Thạnh để hỗ trợ việc ghi lại số khung, số máy nhằm xác minh. Trong tháng
12-2020, bến sẽ có cuộc họp chính thức với công an để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đồng thời đề ra phương hướng xử lý, thu hồi, thanh lý nhanh chóng, tạo điều kiện để bến xe đón khách trong dịp tết tới đây" - ông Đạt nói.
"Bỏ quên" quá 16 tháng thì sung công, đấu giá
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay xe vi phạm hành chính, xe tang vật đã có quy định về trình tự xử lý theo nghị định 31/2020/NĐ-CP, còn xe "vô chủ" vẫn chưa có quy định.
Theo ông Tuấn, xe "vô chủ" có thể do chủ xe đã bị tai nạn sau khi gửi hoặc rời bỏ TP nên không có người nhận lại, cũng có thể là xe bị trộm cắp hoặc liên quan đến các vụ án mà kẻ gian gửi giữ nhằm che giấu hành tung trên đường tẩu thoát...
Những trường hợp này, xe chưa có quyết định xử lý nào của cơ quan có thẩm quyền, trong khi đó lại có hợp đồng gửi giữ (quan hệ dân sự) với bãi xe nên cần có quy định xử lý phù hợp để không vi phạm đến quyền sở hữu.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn đề xuất nếu quá 6 tháng (tương đương thông lệ về thời hạn cấp visa cho cá nhân du lịch ở các nước) mà chủ xe không lấy xe thì bãi xe phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời lập danh sách gửi cho cơ quan công an quận, huyện để thực hiện thủ tục xác minh.
Cơ quan công an xác minh tình trạng pháp lý của xe sẽ phân loại xe (có nguồn gốc hoặc liên quan vi phạm pháp luật hay không) để có cách xử lý tương ứng với quy định pháp luật liên quan.
Thời hạn xác minh có thể áp dụng theo thời hạn điều tra (gồm cả thời gian gia hạn) đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng. Hết thời hạn này, cơ quan công an thực hiện thủ tục thông báo, niêm yết công khai trong hạn 30 ngày.
Sau đó thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước với tài sản vô chủ và bán đấu giá tài sản công theo quy định.
ÁI NHÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận