19/08/2021 09:16 GMT+7

Cách mạng Tháng Tám không quên của tôi

VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)
VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)

TTO - LTS: Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết hồi ức của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan. Lịch sử 76 năm trước trong ông như vẫn còn tươi mới, đã đi theo trong ký ức của ông cho đến bây giờ.

Cách mạng Tháng Tám không quên  của tôi - Ảnh 1.

Hàng vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội hưởng ứng cuộc Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 - Ảnh tư liệu

Tôi sinh ra ở huyện lỵ Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Những năm tháng tuổi thơ tôi diễn ra trong ngôi nhà nhỏ trên phố Cầu Guột bên quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam. Gọi là "phố" cho sang chứ thực ra chỉ là dãy nhà lá vách đất bám theo ga xép Cầu Guột. Sau này, nhiều lần tôi đã cố công tìm lại chốn xưa nhưng chẳng tìm thấy bất kỳ dấu vết gì dù những ký ức trẻ thơ vẫn còn nguyên.

Tuổi thơ trong thời cuộc ly loạn

Khi tôi lên 7 lên 8, ở cái phố buồn tẻ ấy bỗng xuất hiện đội quân Nhật "lùn" cưỡi những con chiến mã Mãn Châu cao lớn, lúc nào cũng lừ lừ mắt, các sĩ quan luôn đeo thanh kiếm "Samurai" lủng lẳng bên hông.

Vào một buổi tối, khi cả nhà tôi vừa ăn cơm xong bỗng thấy một sĩ quan Nhật say đứ đừ ngật ngưỡng đi vào, chẳng nói chẳng rằng y ngồi phịch xuống chiếc ghế mây rồi rút súng lục bắn pằng pằng vào những bóng người trên vách làm cả nhà tôi sợ hãi hết hồn. Ghê rợn hơn nữa là một hôm bọn trẻ con chúng tôi phát hiện một người bị chôn sống trên sân ga, chỉ còn lộ cái đầu máu me bê bết.

Chẳng bao lâu sau, chúng tôi bỗng thấy lính Nhật dựng chướng ngại vật trên đường ray xe lửa và đặt một khẩu đại liên 12,7 li chĩa nòng về phía Hà Nội. Bà cô tôi vào bếp, bỗng phát hiện hai lính "khố đỏ" trốn trong đó, bèn dúi cho họ bát cơm nguội rồi chỉ đường cho chạy ra cánh đồng chiêm trũng sau nhà để thoát ra đê sông Hồng. Khi khôn lớn, tôi mới biết sự việc này xảy ra khi quân Nhật đảo chính quân Pháp để độc chiếm Đông Dương vào tháng 3-1945.

Trước tình hình ngày càng bất an, gia đình tôi chạy lên Hà Nội trú nhờ nhà bà bác với hy vọng sẽ an toàn hơn. Không biết do đâu người ta cứ nói "Thăng Long phi chiến địa"? Ngược lại, không ít lần Hà Nội đã trở thành chiến địa. 

Trận không chiến giữa không quân Nhật hoàng và không quân đồng minh trên bầu trời thành phố cho thấy Thăng Long một lần nữa lại trở thành chiến địa. Thành phố phải thực hiện chế độ "phòng thủ thụ động": cửa kính mọi nhà đều phải dán băng giấy phòng khi bom đạn làm vỡ, đêm về ánh sáng đèn đường vàng khè, tạo nên bầu không khí âm u, buồn thảm.

Kinh rợn nhất là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, đâu đâu cũng nhan nhản bóng người chỉ còn da bọc xương, hai hố mắt sâu hoắm, cố công đào bới rác những mong kiếm được cái gì đó lót bụng. Thi thoảng những chiếc xe bò chất đầy xác chết khô được rắc vôi bột, lọc cọc đưa những kẻ xấu số về hố chôn tập thể.

Cách mạng Tháng Tám không quên  của tôi - Ảnh 2.

Nguyên Phó thủ tướng Chính Phủ Vũ Khoan - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Việt Minh và lòng yêu nước

Trong không khí ngột ngạt tột cùng ấy, các anh chị lớn con bà bác tôi rầm rì chia sẻ tin tức về Việt Minh, rồi đôi khi khe khẽ hát những bài ca mới lạ như Đi hùng binh, Chiến khu, Thăng Long thành, Diệt phát xít… 

Một lần dưới khe cửa ai đó lùa vào tờ truyền đơn kêu gọi ủng hộ Việt Minh. Một lần khác ra bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy trên nóc xe điện có lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ phấp phới bay như hòa nhịp tiếng leng keng của con tàu.

Mẹ mất sớm, bố bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình, ở nhà chỉ còn bà cô họ bận bịu trông nom, coi sóc ông nội và thằng em, do đó coi như tôi được thả rông, suốt ngày lang thang trên đường phố. Học ở Trường Hàng Vôi gần Nhà hát lớn, một hôm tôi cùng mấy đứa bạn học rủ nhau ra quảng trường nhà hát theo dõi đám đông tập hợp trên quảng trường (sau này mới biết đó là cuộc mittinh của giới trí thức diễn ra ngày 17-8-1945 với danh nghĩa ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên).

Bỗng nhiên trong hàng ngũ những người dự mittinh xuất hiện rất nhiều lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ chạy đi chạy lại; một lá cờ đỏ sao vàng lớn từ bancông nhà hát thả xuống, một người phụ nữ giành lấy micro phát biểu. 

Với giọng Huế đậm đặc, bà kêu gọi mọi người tham gia biểu tình ủng hộ Việt Minh (sau này mới biết đó là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, có thời là phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam).

Lập tức những người dự mittinh đã biến thành dòng người biểu tình kéo nhau đi dọc phố Tràng Tiền, Tràng Thi lên Cửa Nam, vừa đi vừa vung tay hô vang những khẩu hiệu yêu nước. Bọn nhóc chúng tôi cũng thích thú vung tay hô theo.

Hai ngày sau, lực lượng quần chúng tiến công chiếm Bắc Bộ Phủ (nay là nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền) đánh dấu sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám - một sự kiện lịch sử đổi thay vận mệnh cả dân tộc. Rất tiếc tôi không được chứng kiến lễ tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình.

Ấn tượng nhất đối với lứa tuổi chúng tôi là vào Tết Trung thu độc lập đầu tiên được hò reo vang trời bên bờ hồ Gươm khi tham gia cuộc "tập trận giả" lấy vỏ bưởi làm đạn. Nhà nhà bày cỗ trên bàn thờ Tổ quốc với chân dung Cụ Hồ ở chính giữa ngay trên vỉa hè. Từ ngày ấy ở nước ta xuất hiện một truyền thống văn hóa độc nhất vô nhị trên thế giới được gọi là Bàn thờ Tổ quốc.

Tôi nghe lỏm người lớn xầm xì: Cụ Hồ là ai? Khi được biết Cụ chính là Nguyễn Ái Quốc thì ai ai cũng đều hồ hởi. Thời đó, cá nhân tôi cũng được thấy Bác từ xa. 

Đó là lần tôi "tham gia" cuộc mittinh tiễn Bác lên đường sang Pháp từ hàng rào sắt nhìn ra quảng trường Nhà hát lớn và lần thứ hai là từ vỉa hè Nhà Đấu Xảo chào đón Bác từ Pháp trở về. Có ngờ đâu sau này tôi có diễm phúc được gặp Bác và phiên dịch tiếng Nga cho Bác nhiều lần, thậm chí còn tham gia lo hậu sự cho Bác khi Người qua đời.

Cầm súng vệ quốc

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chẳng bao lâu sau, mây đen lại kéo đến che phủ bầu trời Hà Nội.

Thay cho những lá cờ mặt trời mọc bỗng mất tăm, trên nhiều đường phố xuất hiện những lá cờ giấy lạ hoắc: ngoài cờ tam tài của Pháp là cờ "thanh thiên bạch nhật" của Trung Hoa Dân quốc, cờ búa liềm của Liên Xô, cờ hoa của Mỹ và cờ Liên hiệp Anh. 

Đó là những lá cờ của "ngũ cường" tham gia khối đồng minh chống phát xít Đức - Ý - Nhật, sau trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi tổ chức này được thành lập. Cũng theo thỏa thuận của họ, quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng được phân công vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 20 trở ra.

May thay, nhờ tài ngoại giao khéo léo của Bác Hồ, đám quân này đã cuốn gói về nước. Nhờ vậy dân ta có thể tập trung sức lực đối phó với thực dân Pháp. Những chiếc xe bọc thép và xe jeep mang cờ tam tài chở theo lính "Tây mũ đỏ" (đội mũ berê hay mũ chào mào đỏ) ngông nghênh trên các nẻo đường Hà Nội. Không khí Hà thành ngày một căng thẳng, ngột ngạt. 

Các đội tự vệ "sao vuông" ra đời cùng Vệ quốc đoàn mang "sao tròn" tuần tra đường phố. Như mọi gia đình khác, gia đình tôi cũng tích trữ nước và lương thực, đục tường liên thông với các nhà khác, tạo nên những con đường chạy song song với đường phố.

Bố tôi tham gia ban tản cư của Liên khu I, các anh chị lớn con bác tôi lần lượt xung vào các đội tự vệ thành. Lần lữa mãi do ông tôi bị tai biến, cuối cùng đúng chiều 19-12-1946, bố tôi đã phải cáng ông nội xuống đò cùng bác cháu tôi tản cư về Thuận Thành bên Bắc Ninh là quê bác giáo Thái - chồng bà bác tôi. 

Khi thuyền qua gậm cầu sông Cái và cầu Đuống, chúng tôi còn nghe thấy tiếng xì xồ và những tiếng giày đinh của lính Tây tuần tra trên sàn cầu. 

Chỉ sau ít phút, bỗng vang lên những tiếng nổ ầm ầm, ngoái cổ nhìn lại thấy Hà thành đỏ rực lửa đúng như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi mô tả trong bài trường ca Người Hà Nội. Từ giờ phút ấy cả nước, trong đó có gia đình tôi, đã đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm trời chống thực dân Pháp.

Niềm tin tương lai

Thời gian thấm thoát thoi đưa, từ cậu bé 7-8 tuổi nay tôi đã bước vào tuổi 85. Trải qua bao cuộc bể dâu, cá nhân tôi không những đã phải chứng kiến không ít những điều "đau đớn lòng" mà còn được thấy biết bao điều rất đáng tự hào về dân tộc mình - một dân tộc kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giữ gìn đất nước, bảo vệ phẩm giá con người. 

Nhờ vậy ngày nay nước ta đã có độc lập tự do, đã được thống nhất, cái tên Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bầu trời thế giới, cái đích tiến tới sẽ là một nước phát triển, có mức thu nhập trung bình cao.

Với những khí phách vốn có của mình, dân tộc ta chắc chắn sẽ tiến lên "đài vinh quang, sánh vai cùng bè bạn năm châu" như Bác Hồ đã từng mong đợi ở buổi bình minh của nước Việt Nam độc lập - tự do - hạnh phúc. Mục tiêu ấy có trở thành hiện thực hay không phần lớn trông ở tuổi trẻ.

Hà Nội bừng dậy

Một bầu không khí hồ hởi bao trùm toàn thành phố. Sáng sáng thanh niên xếp hàng chạy rầm rập, miệng hát vang bài "Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia". Bọn nhóc chúng tôi thích thú xếp hàng đi diễu với tiếng trống cà rình ầm vang.

Đêm về, khắp nơi các lớp bình dân mở ra thu hút đông đảo học viên thuộc đủ tầng lớp, lứa tuổi, đồng thanh đánh vần "i tờ, tờ i ti". Các cụ, các ông, các bà xúng xính áo dài, khăn xếp, với thái độ vừa nghiêm trang vừa hồ hởi tham gia "Tuần lễ vàng" và cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên.

Những từ chia ly

Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ một tâm tư ray rứt từ lâu. Có lẽ không một ngôn ngữ nào trên thế giới phải dùng nhiều cụm từ khác nhau để mô tả cảnh rời bỏ quê hương, gia đình chia ly đi lánh nạn như trong tiếng Việt: "chạy loạn" khi Nhật - Pháp bắn nhau, "tản cư" trong kháng chiến chống Pháp, "di cư" do một bộ phận người dân công giáo miền Bắc đi vào miền Nam khi đất nước bị chia cắt, "sơ tán" trong thời chống Mỹ và "di tản" khi miền Nam được giải phóng.

Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng

TTO - Đó là một cuộc Cách mạng tháng Tám không ào ào thác lũ bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, phá kho thóc như thường thấy, mà là một cuộc cách mạng lặng lẽ từ những biến chuyển ở một làng quê xứ Quảng.

VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên