Ai dễ bị đột quỵ?
Đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau tim mạch và ung thư, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể chất, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam chưa có con số chính xác về chi phí điều trị đột quỵ. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia cho biết, những người bị đột quỵ thường có các thói quen sau:
- Lười uống nước: Những người không thích uống nước sẽ khiến cơ thể thiếu nước, máu có xu hướng đặc hơn, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt vào mùa hè, bạn dễ bị đổ mồ hôi, mất nước trong cơ thể nghiêm trọng.
- Cảm xúc quá kích động: Sự tức giận có thể gây hưng phấn thần kinh giao cảm, tăng huyết áp và nhịp tim. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và não, dễ dẫn tới tai biến mạch máu não đột ngột.
- Hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tăng 90% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và gần gấp đôi nguy cơ xuất huyết dưới nhện.
- Tắm ngay khi vừa đi nắng về: Sau khi hoạt động ngoài trời cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi gây khó chịu, chúng ta thường có thói quen đi tắm ngay sau khi từ bên ngoài trở về nhà. Đây là thói quen xấu mà nhiều người hay mắc phải.
- Để quạt hoặc điều hòa thổi thẳng vào người: Mùa hè, việc sử dụng quạt điện hoặc điều hòa để làm mát diễn ra khá phổ biến, nhưng ngồi trực tiếp dưới quạt điện hoặc điều hòa là thói quen không tốt, bởi lúc này cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều khiến các mạch máu dưới da bị giãn nở để tỏa nhiệt.
Nếu để luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ càng bốc hơi mạnh, từ đó làm nhiệt độ ngoài da giảm và các mạch máu bị co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể lại chưa ổn định.
Điều này là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài. Hậu quả là sau khi đứng dậy, bạn sẽ rất dễ gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt hay đột quỵ tại chỗ.
- Để nhiệt độ điều hòa quá thấp: Chúng ta không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp, bởi việc thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp có thể gây choáng váng.
Khi ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, mồ hôi không thể bốc hơi, dẫn đến tình trạng thấm ngược lại vào cơ thể và gây ra cảm giác lạnh. Điều này có thể làm cho các mạch máu co lại đột ngột, tăng nguy cơ cho tình trạng tăng huyết áp và đột quỵ.
- Thích uống rượu: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, so với những người uống ít hoặc kiêng rượu thì những người nghiện rượu nặng nguy cơ đột quỵ tăng 22%. Liều thuốc an toàn nhất để tránh đột quỵ là nói không với bia rượu.
- Uống nước đá quá lạnh ngay sau đi nắng: Uống nước đá lạnh sau khi đi ngoài trời nắng về có thể làm giảm cơn khát ngay lập tức. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này có thể dẫn đến vài tác hại, thân nhiệt thay đổi dễ dẫn đến sốc nhiệt, thậm chí tăng nguy cơ đột quỵ.
- Ăn quá mặn: Chế độ ăn nhiều muối là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn tới huyết áp cao, đột quỵ. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo cũng không tốt cho sức khỏe mạch máu.
Bạn nên hạn chế ăn quá nhiều mỡ động vật và thức ăn có nhiều cholesterol như thịt mỡ, óc động vật, gan, trứng cá.
Lối sống lành mạnh giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim
Theo bác sĩ Tuấn, một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim là không hút thuốc. Ngoài ra còn có các thói quen tốt khác cần được duy trì:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, mức cholesterol cao, bệnh tim mạch và tiểu đường - những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ và đau tim. Vì vậy, hãy ăn một chế độ ăn uống hợp lý và cố gắng hoạt động thể chất từ 30-60 phút trong hầu hết các ngày.
- Hạn chế chất béo và cholesterol: Hạn chế thịt với khoảng 170g/ngày. Chọn các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo. Hạn chế chất béo bão hòa và tránh chất béo chuyển hóa.
Thay vì chất béo rắn (bơ, bơ thực vật, mỡ), hãy sử dụng dầu không bão hòa đơn (dầu hạt cải canola, ô liu và đậu phộng) và dầu không bão hòa đa (ngô, vừng, hướng dương và đậu nành).
- Bổ sung Omega 3: Ăn cá có axit béo omega 3, chẳng hạn như cá hồi hoặc bổ sung bằng các sản phẩm chứa Omega 3.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả: Sản phẩm có chứa các chất dinh dưỡng như kali, folate và chất chống oxy hóa có thể bảo vệ chống đột quỵ và đau tim.
- Sử dụng rượu vừa phải: Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp. Uống rượu vừa phải được định nghĩa là không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và bất kỳ ai từ 65 tuổi trở lên, không quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới dưới 65 tuổi.
- Giảm natri (muối): Hạn chế natri trong chế độ ăn uống và thực hiện các thay đổi lối sống khác có thể giúp ngăn ngừa huyết áp cao.
- Tập thể dục: Thể dục thường xuyên là một phương pháp rất tốt để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, những người có bệnh mạn tính hoặc có vấn đề về thể chất, hãy gặp bác sĩ để nhận được tư vấn lựa chọn bài tập phù hợp nhất với bản thân mình.
Phát hiện sớm để ngăn biến chứng đột quỵ
Bạn có thể điều trị và ngăn ngừa biến chứng của đột quỵ hiệu quả khi chẩn đoán và xử trí trong vòng 3 giờ kể từ khi có các triệu chứng đầu tiên. Cách kiểm tra các triệu chứng đột quỵ nhẹ được ký hiệu là FAST:
F - Face (khuôn mặt): Méo miệng biểu hiện rõ nhất khi cười. Yêu cầu bệnh nhân mỉm cười và kiểm tra xem mặt có bị xệ xuống không.
A - Arm (cánh tay): Yếu hoặc liệt một bên tay chân. Yêu cần bệnh nhân giơ hai tay lên cao để đánh giá xem bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không.
S - Speech (ngôn ngữ): Rối loạn ngôn ngữ. Yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ hoặc một câu. Đánh giá xem bệnh nhân có hiểu câu đó không? Có lặp lại được không? Giọng nói có bị đớ không?
T - Time (tính đột ngột): Khi đột ngột xuất hiện bất kỳ triệu chứng tai biến nhẹ nào kể trên hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận