01/03/2023 20:41 GMT+7

Cách kiếm ăn 'há miệng chờ sung' của cá voi xuất hiện trong sách cổ 2.000 năm trước

Nghiên cứu mới chỉ ra kỹ thuật kiếm ăn khác thường của loài cá voi mà các nhà khoa học quan sát được gần đây thật ra đã được ghi nhận cách đây gần 2.000 năm.

Cách kiếm ăn há miệng chờ sung của cá voi xuất hiện trong sách cổ 2.000 năm trước - Ảnh 1.

Một con cá voi Bryde kiếm ăn ở vịnh Thái Lan - Ảnh chụp màn hình The Guardian

Theo báo The Guardian ngày 28-2, nghiên cứu mới cho thấy hành vi kiếm ăn bí ẩn của cá voi - chỉ được các nhà khoa học ghi nhận vào những năm 2010 - thật ra đã được mô tả trong các văn bản cổ xưa về sinh vật biển, sớm nhất là từ hai thiên niên kỷ trước.

Năm 2011, người ta lần đầu tiên quan sát thấy cá voi Bryde ở vịnh Thái Lan nhô lên mặt nước với hai hàm mở vuông góc chờ cá bơi vào miệng. Các nhà khoa học gọi kỹ thuật kiếm ăn bất thường này - mà khi đó khoa học hiện đại chưa biết đến - là "tread-water feeding" (tạm dịch: há miệng chờ sung".

Cũng trong khoảng thời gian đó, hành vi kiếm ăn tương tự cũng được ghi nhận ở cá voi lưng gù ngoài khơi đảo Vancouver của Canada. Các nhà nghiên cứu gọi đây là "trap-feeding" (tạm dịch: giăng bẫy kiếm mồi).

Tuy nhiên, hiện các học giả tại Đại học Flinders (Úc) tin rằng họ đã xác định được nhiều mô tả về hành vi kiếm ăn nói trên của cá voi trong các văn bản cổ xưa, sớm nhất là trong quyển Physiologus (Nhà thiên nhiên học) - một bản viết tay bằng tiếng Hy Lạp được soạn ở Alexandria, Ai Cập vào khoảng năm 150 - 200 sau Công nguyên.

Tiến sĩ John McCarthy, nhà khảo cổ học hàng hải tại Đại học Flinders và là tác giả chính của nghiên cứu, đã phát hiện điều này khi đọc thần thoại Bắc Âu, khoảng một năm sau khi ông xem video quay cảnh một con cá voi "há miệng chờ sung".

Cách kiếm ăn há miệng chờ sung của cá voi xuất hiện trong sách cổ 2.000 năm trước - Ảnh 3.

Mô tả các sinh vật biển trong các bản viết tay vào khoảng năm (a) 1250, (b) 1200, (c) 1225 -1275, (d) 1200, (e) 1240, (f) 1270, (g) thế kỷ 13 - Ảnh chụp màn hình The Guardian

Ông lưu ý lời kể trong văn bản cổ xưa về một sinh vật biển được gọi là "hafgufa" dường như mô tả hành vi kiếm ăn của cá voi. 

"Đó thực sự là một sự trùng hợp ngẫu nhiên" - ông McCarthy nói.

Những mô tả chi tiết nhất xuất hiện trong một văn bản tiếng Bắc Âu cổ giữa thế kỷ 13 được gọi là Konungs skuggsjá (Chiếc gương của nhà vua). 

"Khi đi kiếm ăn, con cá lớn này mở miệng trong một thời gian, và vô tình cũng như không chú ý, đàn cá lao vào. Khi bụng và miệng của nó đã đầy cá, hafgufa sẽ ngậm miệng lại, bắt và giấu bên trong tất cả những con mồi tìm đến", cuốn sách viết.

Ông McCarthy cũng lưu ý cuốn sách này là một văn bản giáo dục được sử dụng để giải thích cho những người trẻ tuổi về thế giới. 

Một phân tích năm 1986 về cuốn sách Konungs skuggsjá đã tìm thấy mối tương quan giữa 26 mô tả của người Bắc Âu cổ và các loài động vật biển được khoa học công nhận, nhưng đã kết luận rằng loài hafgufa "phải được xếp vào thế giới huyền diệu".

"Hafgufa đã gây khó chịu cho các học giả vì họ không thể tìm ra bất kỳ loài động vật nào hiện nay phù hợp với nó. Nhưng bây giờ (với hành vi kiếm ăn được ghi lại gần đây của cá voi), chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có lời giải thích cho điều đó" - ông McCarthy nói.

Trong cách kiếm ăn "há miệng chờ sung", cá voi ở tư thế thẳng đứng trong nước, chỉ có chóp mõm và hàm nhô lên khỏi mặt nước. 

Các nhà khoa học tin rằng chìa khóa thành công của kỹ thuật này chính là theo bản năng, những con cá xung quanh sẽ di chuyển về phía nơi trú ẩn (mà thật ra miệng của cá voi).

Khai thác mỏ ở đáy biển có thể cản trở khả năng giao tiếp của cá voiKhai thác mỏ ở đáy biển có thể cản trở khả năng giao tiếp của cá voi

Theo nghiên cứu, những âm thanh từ hoạt động khai thác mỏ, trong đó có tiếng ồn từ các phương tiện điều khiển từ xa dưới đáy biển, trùng với tần số giao tiếp của cá voi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên