22/06/2016 15:24 GMT+7

Các nước trục vớt máy bay gặp nạn ra sao?

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Dùng robot, thiết bị vệ tinh để định vị địa điểm máy bay rơi, thả cáp xuống độ sâu hàng ngàn mét là một trong nhiều cách các nước trục vớt máy bay khi rơi xuống biển. 

Máy bay mang số hiệu 1549 của Hãng US Airways trong quá trình trục vớt - Ảnh: Reuters

Việc trục vớt máy bay gặp nạn trên sông hay biển cần đến một loạt thiết bị đặc biệt như vệ tinh, robot, máy thăm dò dưới nước, thiết bị phát hiện tàu ngầm, phao định vị, phao nâng... cùng với đội trục vớt, tìm kiếm và cứu hộ. Mỗi nước đều có cách riêng để trục vớt máy bay gặp nạn.

Ngoài ra, việc trục vớt xác máy bay cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa lý, dòng chảy, thời tiết...

Việc trục vớt máy bay gặp nạn AF447 của Pháp ngốn khoảng 42 triệu USD. Trong khi đó hoạt động tìm kiếm máy bay đang mất tích MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã tiêu tốn mất 100 triệu USD mà chưa cho thấy dấu hiệu khả quan nào.

QZ8501 của AirAsia được trục vớt như thế nào?

Hoạt động trục vớt máy bay mang số hiệu QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia thuận lợi hơn nhờ thực tế là chiếc máy bay chở 162 người này rơi tại vùng nước nông và các mảnh vỡ được tìm thấy nhanh chóng.

BBC cho biết hôm 20-2-2015, đội trục vớt đã tiếp cận được thân máy bay QZ8501. Ngày hôm sau đội này đã buộc được một chiếc túi có khả năng nâng vật nặng đến 10 tấn vào xác máy bay.

Tuy nhiên ban đầu việc nâng xác máy bay gặp khó khăn khi các dòng chảy mạnh ở độ sâu khoảng 7m dưới mặt nước và các cạnh sắc bén của cửa thoát hiểm máy bay cắt đứt dây thừng nối túi nâng với thân máy bay. Mãi cho đến ngày 27-2, đội trục vớt mới thành công trong việc nâng phần lớn khoang và cánh của máy bay Hãng AirAsia.

Cho đến nay đội tìm kiếm vớt được 103 thi thể trong tổng số 162 nạn nhân xấu số của chuyến bay đi từ Surabaya của Indonesia đến Singapore ngày 28-12-2014.

Một chiếc cần cẩu bốc dỡ mảnh vỡ máy bay QZ8501 được trục vớt từ tàu cứu hộ sang cảng - Ảnh: AFP

Thả cáp sâu 6.000m để trục vớt máy bay

Các nhà chức trách Pháp mất 23 tháng để định vị được máy bay mang số hiệu AF447 của Hãng Air France. Máy bay Airbus A330-230 này rơi khi đang trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris với 228 người trên khoang ngày 1-6-2009.

Các nhà điều tra Pháp đã dùng xác suất thống kê kết hợp với phân tích để định vị, tìm kiếm xác máy bay AF447.

Khi đã định vị được xác máy bay, theo news.com.au, các tàu trục vớt như tàu Ile de Sein của Pháp sẽ đưa robot xuống để làm việc tại những nơi sâu dưới đáy biển. Tàu Ile de Sein có khả năng thả dây cáp xuống độ sâu 6.000m và nâng vật thể nặng đến 10 tấn.

Robot Remora của Pháp đã trục vớt được 104 thi thể và các mảnh vỡ, bao gồm các hộp đen và động cơ từ vị trí máy bay rơi ở độ sâu 3.900m trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2011.

Trước đó ngay sau vụ tai nạn, Pháp đã trục vớt được 50 thi thể nạn nhân xấu số của chuyến bay AF447. Tuy nhiên vẫn còn 75 người đi trên chuyến bay ấy mất tích cho đến ngày hôm nay.

Một phần cánh máy bay AF447 của Air France - Ảnh: Reuters

Trục vớt máy bay 1549 của US Airways

Đội trục vớt đã nâng thành công chiếc Airbus của Hãng US Airways (Mỹ) lên khỏi mặt sông Hudson tại New York sau khi máy bay mang số hiệu 1549 chở 150 hành khách và 5 phi hành đoàn đáp khẩn cấp xuống sông do va phải đàn chim đang bay hôm 15-1-2009. Telegraph cho biết tất cả mọi người đều thoát khỏi máy bay và lên các xuồng cứu hộ để vào bờ.

Hoạt động trục vớt chiếc máy bay này bị cản trở bởi những dòng nước xoáy và băng do thời tiết lạnh nhưng cuối cùng cũng thành công vào tối 17-1.

Đội trục vớt đã lặn xuống để buộc dây cáp vào chiếc máy bay đang chìm và một chiếc cần trục lớn đã hoàn thành nốt phần còn lại. 

Máy bay mang số hiệu 1549 của Hãng US Airways trong quá trình trục vớt - Ảnh: AFP
ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên