Một nhóm nhạc được xem là “toàn cầu hóa” khi mà đa số hay toàn bộ các thành viên đều là người nước ngoài nhưng theo đuổi phong cách và chất nhạc K-pop.
Một số nhóm nhạc đã ra đời từ xu hướng quốc tế hóa này có thể kể đến như Katseye, Blackswan, XG…
Chưa có thị trường cho các nhóm nhạc “toàn cầu hóa”
Mới đây, SM Entertainment và Kakao Entertainment America đã hợp tác sản xuất chương trình mang tên “Made in Korea: The K-Pop Experience”.
Chương trình dự kiến có 6 tập, ghi hình tại “lò” đào tạo idol lớn bậc nhất Hàn Quốc - SM Entertainment, theo chân 5 chàng trai xuất sắc nhất được tuyển chọn từ khắp nước Anh, trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt của K-pop.
Tại nơi đây, các thực tập sinh người Anh sẽ được đào tạo trong 100 ngày với hy vọng ra mắt với tư cách là một nhóm nhạc thần tượng quốc tế.
Sau khi công bố, thay vì ngạc nhiên về hình thức mới lạ của chương trình, nhiều khán giả lại bày tỏ sự thất vọng và lo ngại. “Tôi có thể cảm thấy điều này sẽ đáng xấu hổ như thế nào", "Liệu thực sự có thị trường cho điều này không?" - là những bình luận có lượt đồng tình nhiều nhất hiện tại.
Đây không phải lần đầu tiên các “ông lớn” trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc thể hiện mong muốn tạo ra các nhóm nhạc K-pop mang xu hướng quốc tế hóa.
HYBE - “cha đẻ” của BTS - gần đây đã cho ra mắt nhóm nhạc nữ mới mang tên Katseye. Nhóm nhạc này có sáu thành viên, trong đó chỉ có một người Hàn Quốc.
Trước đó, nhiều nhóm nhạc cũng hình thành từ xu hướng này nhưng không thu về thành tích khả quan.
Cụ thể, vào năm 2020, Blackswan (tên cũ là Rania) ra mắt với bốn thành viên ngoại quốc.
Tuy nhiên, album của nhóm chỉ bán được... 14 bản sau ngày đầu phát hành.
Xu hướng "toàn cầu hóa" đang gây ra cuộc tranh luận trong cộng đồng người hâm mộ K-pop.
Nhiều người cho rằng K-pop vốn có bản chất là Hàn Quốc, vì vậy việc tạo ra một nhóm nhạc không có thành viên người Hàn Quốc sẽ làm loãng giá trị, biến nó thành một nhóm nhạc pop, thay vì một nhóm nhạc K-pop thực sự.
Đi ngược lại với thực tế
Xét đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhóm nhạc Hàn Quốc hiện nay, khả năng một nhóm nhạc quốc tế thành công là rất thấp.
Mặc dù đã có những nhóm nhạc thành công với những người không phải người Hàn Quốc, chẳng hạn như Super Junior, EXO, Twice và BlackPink, có các thành viên nước ngoài đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… thế nhưng việc tạo ra nhóm nhạc K-pop toàn người ngoại quốc lại là một câu chuyện khác.
Những nhóm nhạc trên đã cố gắng tạo ra sự cân bằng khi đưa một số thành viên nước ngoài vào đội hình chủ yếu là người Hàn Quốc, điều này đã được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt.
Những idol ngoại quốc đã trở thành “cây hút fan” vì họ trở nên đặc biệt so với mặt bằng chung của nhóm. Thậm chí họ còn trở thành cầu nối đưa làn sóng Hallyu trở về quê nhà.
Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ liệu một nhóm nhạc hoàn toàn quốc tế có thể thành công và được chấp nhận trong một ngành công nghiệp vốn luôn nhấn mạnh vào “xuất thân” và “cội nguồn”.
Một điển hình cho từ “toàn cầu” hiện tại ở K-pop đó chính là BTS. Nhóm vẫn thành công vang dội tại thị trường quốc tế dù không có thành viên người ngoại quốc nào.
Thành tích của BTS cho thấy sự nổi tiếng toàn cầu của họ đến từ âm nhạc chứ không phải vì có thành viên người ngoại quốc hay không.
Thế nên, việc tạo ra một nhóm nhạc với hy vọng mang K-pop ra thế giới bằng “quốc tịch” của các thành viên liệu có cần thiết và khả thi?
K-pop được biết đến là một trong những thị trường âm nhạc khắc nghiệt nhất thế giới. Theo Koreaboo, mỗi năm có đến 100 nhóm nhạc ra mắt, nhưng có thể tồn tại chưa đến 5%.
Ra mắt chưa phải là kết thúc, các idol phải luyện tập mỗi ngày để tránh việc bị đào thải khỏi thị trường.
Việc này còn tệ hơn với các thần tượng ngoại quốc khi họ vừa phải học ngôn ngữ, văn hóa của Hàn Quốc bên cạnh việc trau dồi về kỹ năng âm nhạc.
Vì thế, để các nhóm nhạc không có người Hàn Quốc tồn tại và phát triển ở xứ sở kim chi là một bài toán khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận