Khi sét đánh vào bầu khí quyển thấp, đôi khi bóng ma lại xuất hiện ở phía trên tầng trung lưu. Chúng nằm trong phạm vi của các sự kiện phát sáng nhất thời (TLE) và chỉ trong vài thập kỷ qua các nhà thiên văn học mới có thể quan sát được chúng.
Bóng ma từ đâu ra?
Kể từ năm 2019 đến nay, các nhà thiên văn học mới phát hiện cứ 100 cơn dông thì có một cơn tạo ra hiện tượng bí ẩn: ánh sáng xanh lục mà các nhà thiên văn gọi là "bóng ma".
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications gợi ý về thời điểm và lý do tại sao những bóng ma này hình thành.
Tác giả chính của nghiên cứu María Passas-Varo thuộc Hội đồng cấp cao của Viện nghiên cứu khoa học vật lý thiên văn Andalusia ở Granada, Tây Ban Nha, cho biết: “TLE được tạo ra do hoạt động điện mạnh - liên quan đến sự phóng điện của sét. Loại TLE bóng ma hình thành phụ thuộc vào các yếu tố như độ cao, loại tia sét và đặc điểm của các lớp khí quyển liên quan”.
Không phải tất cả TLE đều là ma quỷ, mỗi hiện tượng xuất hiện đều có một chút khác biệt và chúng thường được đặt tên theo các sinh vật thần thoại như yêu tinh, thần lùn, tiên và quỷ lùn.
“Trong gần 4 năm theo dõi, ghi nhận hơn 2.000 quang phổ, chúng tôi thấy chỉ có 42 quang phổ có hiện tượng bóng ma”, Passas-Varo nói.
Kim loại ở tầng trung lưu
Bóng ma xuất hiện ở tầng trung lưu, lớp khí quyển của Trái đất nằm phía trên tầng bình lưu và kéo dài từ khoảng 50 - 85km so với mặt đất.
Tầng trung lưu cực kỳ mỏng, áp suất khí quyển chỉ bằng khoảng 1/100.000 ở mực nước biển.
Một trong những bí ẩn lớn nhất xung quanh hiện tượng bóng ma là nguyên nhân gây ra chúng, về mặt hóa học. Một số nguyên tố có thể tích điện trong khí quyển trong những sự kiện này và các nhà nghiên cứu muốn biết đó là những nguyên tố nào.
Câu trả lời khá bất ngờ: đó là các kim loại, như sắt và niken, và chúng nằm ở vị trí cao hơn trong khí quyển so với mức mà các tác giả nghiên cứu dự đoán sẽ tìm thấy chúng.
Các lớp khí quyển phía trên tầng trung lưu chứa những mảnh sắt và niken, có khả năng bị các thiên thạch thải lại khi chúng lao qua.
Passas-Varo cho biết có khả năng sóng trọng lực (sóng giống như sóng đại dương nhưng xuyên qua không khí, đừng nhầm lẫn với sóng hấp dẫn) có thể đẩy các mảnh sắt và niken cực nhỏ xuống những độ cao thấp hơn ở tầng bình lưu và chúng tạo ra những bóng ma.
Hiện Passas-Varo và các đồng nghiệp đang ấp ủ ý tưởng "bắt" thêm nhiều bóng ma hơn.
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng nghiên cứu này đặt nền tảng cho việc diệt ma trong khí quyển ở tương lai, thậm chí có thể khai quật được một số 'bóng ma' khí quyển mới", Passas-Varo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận