Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) lần thứ 76 ở New York (Mỹ) ngày 21-9 - Ảnh: AFP
Ngày 21-9, hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao từ khắp thế giới đã tham dự trực tiếp phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 76 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).
Trong khi đó, nếu tính cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phiên khai mạc có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 193 nước thành viên LHQ.
Họ đã nói gì?
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trước Đại hội đồng với thông điệp cảnh báo mạnh mẽ: "Tôi có mặt tại đây để gióng lên hồi chuông báo động: Thế giới phải thức tỉnh! Chúng ta đang đứng bên bờ vực và đang đi sai hướng".
Trong bài phát biểu mở màn phiên thảo luận chung, ông Guterres chỉ trích tình trạng bất bình đẳng, thiếu tin tưởng, thông tin sai lệch, "cuộc tấn công" vào khoa học, biến động ở Afghanistan, Ethiopia và Yemen.
Ông chỉ trích những chia rẽ địa chính trị đang cản trở hợp tác quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh sự đối đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc, nhưng không nêu cụ thể tên các nước này.
Ông Guterres nói thế giới phải giải quyết 5 "khoảng cách lớn": hòa bình, thịnh vượng, giới tính, kỹ thuật số và thế hệ. Về hòa bình, ông nhấn mạnh hòa bình và ổn định vẫn là giấc mơ xa vời đối với quá nhiều người, từ Afghanistan và Ethiopia cho đến Myanmar, Sahel, Yemen, Libya, Syria, Israel và Palestine.
Ông Guterres cũng chỉ ra: "Đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu đã bộc lộ những yếu kém sâu sắc của các xã hội và hành tinh".
Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil đeo lại khẩu trang sau khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 21-9 - Ảnh: AFP
Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil là lãnh đạo đầu tiên phát biểu trong phiên khai mạc. Ông chỉ trích các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 mà theo ông đã khiến các nền kinh tế gặp khó khăn.
Ông Bolsonaro (hiện chưa tiêm vắc xin COVID-19) cho biết chính phủ của ông ủng hộ tiêm vắc xin COVID-19, nhưng nói rõ: "Chính quyền của tôi không ủng hộ hộ chiếu vắc xin, hộ chiếu y tế hay bất cứ nghĩa vụ nào khác liên quan vắc xin".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Israel-Palestine, đồng thời nói thêm sự ủng hộ của Mỹ với một "nhà nước Do Thái độc lập là rõ ràng".
Ông nói Mỹ sẵn sàng trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran cũng làm như vậy.
Tổng thống Biden cho biết Mỹ "không muốn có một cuộc Chiến tranh lạnh mới". Phát biểu này dường như ngầm đáp lại lời cảnh báo trước đó của Tổng thư ký Guterres đối với Mỹ và Trung Quốc trước đại hội đồng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-9 - Ảnh: AFP
Tổng thống Ebrahim Raisi của Iran dành phần lớn bài phát biểu của ông để chỉ trích những hành động của Mỹ với Iran (trong đó có lệnh cấm vận) và khu vực Trung Đông.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Đến nay, về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.
"Tôi đề xuất 3 bên gồm hai miền bán đảo Triều Tiên và Mỹ, hoặc 4 bên bao gồm hai miền bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc cùng ra tuyên bố rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã kết thúc" - ông Moon phát biểu.
Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar thúc giục các lãnh đạo thế giới không tẩy chay Taliban.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong video được ghi hình trước tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-9 - Ảnh: AFP
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ qua video ghi hình trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong vấn đề năng lượng xanh và năng lượng carbon thấp, và sẽ không xây thêm các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
Ông Tập cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu cho tới cuối năm nay sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho thế giới, đồng thời nhấn mạnh "những ý định hòa bình" của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ xâm lược, bắt nạt nước khác, hoặc tìm kiếm bá quyền.
Đặc phái viên khí hậu của tổng thống Mỹ, ông John Kerry, cho biết ông "hoàn toàn vui mừng" trước tuyên bố của ông Tập Cận Bình về việc Trung Quốc sẽ không tài trợ xây dựng thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào ở nước ngoài.
Năm ngoái, không nhà lãnh đạo nào đến họp tại trụ sở LHQ do tác động của COVID-19. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm các lãnh đạo thế giới quay lại trụ sở LHQ, với chương trình nghị sự tập trung vào các cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó có đại dịch COVID-19 và vấn đề Trái đất đang nóng lên không ngừng.
Các vấn đề cấp bách khác là: mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc, tương lai của Afghanistan dưới quyền của Taliban, các cuộc xung đột đang diễn ra ở Yemen, Syria và khu vực Tigray của Ethiopia...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận